Các CEO doanh nghiệp bật mí, khi tham gia ứng tuyển, sinh viên, đặc biệt là tân cử nhân, kỹ sư… cần trang bị cho mình kỹ năng và khả năng để tăng cơ hội.
Trượt vì tiểu tiết
Từng tham gia phỏng vấn, ký tuyển dụng nhiều nhân sự, ông Đặng Cao Sơn – nguyên Phó Trưởng ban Công nghệ an toàn, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – kể lại câu chuyện thực tế: “Năm 1992, Tổng Giám đốc một khách sạn lớn ở Hà Nội tuyển dụng nhân sự. Lúc đó, tôi đang là Phó Bí thư Đoàn khối doanh nghiệp Hà Nội và được tham gia vào quá trình tuyển dụng của khách sạn này. Có một thí sinh nữ xinh đẹp, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của khách sạn yêu cầu. Tuy nhiên, ứng viên này không trúng tuyển”.
Chia sẻ về lý do bạn ấy không trúng tuyển, ông Sơn nhớ lại do ứng viên đeo một số trang sức quý như: Vàng, kim cương trên người. Làm trong lĩnh vực du lịch khách sạn, khách hàng là thượng đế. Giả sử, khách hàng ăn một bữa khoảng 100 USD, nhưng hầu hết sẽ phải mang theo trên 100 USD. Nghệ thuật của nhân viên là phải “móc túi” nốt số tiền trong ví của khách.
Nếu khách hàng thấy nhân viên bê đĩa thức ăn ra mà móng tay được trang trí sinh động, nước hoa “xịn” thơm phức và trên người toàn đồ trang sức quý… tự nhiên họ sẽ thấy mình thua cả nhân viên và không phải là “thượng đế”. Khi đó, họ có thể chỉ ăn 50 USD mà không phải 100 USD như dự tính ban đầu. “Đó là bài học kinh nghiệm đầu tiên và bài học đầu đời đối với tôi khi tham gia vào quá trình tuyển dụng”, ông Sơn chia sẻ.
Cũng theo ông Sơn, giới trẻ cần biết phân biệt các mô hình doanh nghiệp tư nhân, cổ phần, Nhà nước với KPI rõ ràng. “Các em cần xác định, trường đại học là nhà sản xuất (sinh viên là sản phẩm đào tạo của nhà trường). Doanh nghiệp là người mua sản phẩm của trường. Vì vậy, người học cần hiểu, mình bán cái gì và doanh nghiệp mua cái gì?” – ông Sơn dẫn giải, đồng thời nhấn mạnh: Mục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận. Với họ, quan trọng nhất là nguồn nhân lực.
“Khi tham gia phỏng vấn, các em không nên đàm phán tiền lương đầu tiên, vì đây là vấn đề nhạy cảm. Nếu là tôi sẽ cho trượt những ứng viên đặt vấn đề tiền lương ngay khi bắt đầu cuộc phỏng vấn tuyển dụng” – ông Sơn thẳng thắn trao đổi, đồng thời chốt lại có 3 vấn đề cần lưu tâm là: Kiến thức, thái độ và kỹ năng; trong đó kỹ năng là quan trọng nhất. Do đó, các cơ sở đào tạo cần tiếp tục rèn luyện kỹ năng cho sinh viên, để người học có thể tự tin, mạnh dạn, biết ứng phó linh hoạt khi tham gia ứng tuyển và phát huy hiệu quả trong quá trình làm việc.
Bí quyết chinh phục doanh nghiệp
Đặt vấn đề, làm thế nào để thành công trên con đường chinh phục các doanh nghiệp, ông Lê Anh Tuấn – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Thanh niên khởi nghiệp (Thành đoàn Hà Nội) – chia sẻ: Đầu tiên, các em cần rèn luyện kỹ năng viết hồ sơ ứng tuyển (CV) và thiết kế bản CV thật ấn tượng.
Việc này cần làm ngay từ bây giờ chứ không đợi ra trường mới “bắt tay” vào việc. Như thế, chẳng khác nào “nước đến chân mới nhảy”. Tiếp đến, cần rèn kỹ năng tham gia vào quá trình trả lời phỏng vấn của nhà tuyển dụng. “Với một thái độ tích cực, cầu thị thì doanh nghiệp vẫn có thể trao cơ hội cho các bạn dù các bạn có học lực yếu, ít kinh nghiệm”, ông Lê Anh Tuấn bật mí.
Nhấn mạnh đến 3 giai đoạn khi tham gia ứng tuyển, ông Lê Anh Tuấn chia sẻ: Giai đoạn đầu là trước khi ứng tuyển. Các ứng viên cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, CV, đặc biệt là tìm hiểu trước về thông tin địa điểm, doanh nghiệp và người phỏng vấn. Giai đoạn hai là trong ứng tuyển (tức là tham gia phỏng vấn). Một sai lầm mà nhiều người mắc phải là đến muộn giờ so với lịch phỏng vấn mà doanh nghiệp đã báo. Nên nhớ, danh sách phỏng vấn sẽ theo thứ tự. Vì thế, nếu đến muộn có thể sẽ bị mất lượt. Vì thế, nếu lường trước có thể muộn giờ, cách tốt nhất là gọi điện trước cho nhà tuyển dụng để xin phép.
Giai đoạn ba là sau ứng tuyển. Theo ông Lê Anh Tuấn, khi kết thúc buổi phỏng vấn, buổi tối nên dành thời gian gửi email cho nhà tuyển dụng, người phỏng vấn để bày tỏ cảm ơn. Email nên viết theo hướng ngắn gọn, chân thành, lịch sự và cầu thị. “Đôi khi chính sự nhạy bén, linh hoạt và cách ứng xử trong giao tiếp có thể giúp thí sinh đạt 99% thành công, lúc đó bản CV chỉ là tấm vé mở cửa” - ông Tuấn trao đổi.
Từng tham gia tuyển dụng hàng trăm nhân sự mỗi năm, bà Nguyễn Thị Thu Ngà – CEO Hanas Group – bật mí: Để chinh phục nhà tuyển dụng, các em cần có bí quyết. Theo đó, 3 gốc rễ để thành công là: Đạo đức, trí tuệ và nghị lực. Làm được điều này, người dự tuyển sẽ chinh phục được nhà tuyển dụng. Tất nhiên, ứng viên phải chuẩn bị, tu dưỡng trong thời gian dài và rèn luyện ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
“Ngoài ra, các em cần xác định mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng; có tầm nhìn và hiểu về doanh nghiệp ứng tuyển. Đặc biệt, cần biết lắng nghe trong quá trình ứng tuyển và có tương tác thực sự với nhà tuyển dụng. Khi tham gia ứng tuyển, cần có thái độ tích cực, lạc quan” – bà Ngà chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh: Một trong những kỹ năng mà các em cần rèn luyện là tư duy giải pháp để có câu trả lời đúng - trúng khi được phỏng vấn. Mặt khác, cần thể hiện sự quyết liệt, ham học hỏi và thái độ cầu thị.