Người ứng tuyển ít, thị trường lao động khan hiếm

GD&TĐ - Nhiều doanh nghiệp cho biết, thị trường lao động đang khan hiếm và cạnh tranh cao. Nhiều doanh nghiệp phải tìm mọi cách để tuyển dụng.

Nhiều doanh nghiệp cần số lượng lớn lao động. Ảnh minh họa
Nhiều doanh nghiệp cần số lượng lớn lao động. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp đau đầu vì thiếu lao động

Hiện, nhiều doanh nghiệp thi nhau tuyển công nhân để quay trở lại sản xuất với yêu cầu khá dễ dàng và nhiều đãi ngộ về lương, thưởng. Nhưng theo nhận định, thị trường lao động ngày càng khan hiếm và cạnh tranh vì nơi tuyển thì nhiều mà người ứng tuyển ngày càng ít.

Tình trạng công nhân không quay trở lại làm việc và số công nhân bị Covid-19, công nhân thuộc diện F1 phải cách ly cũng khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng.

Bà Nguyễn Vân Anh, Trưởng phòng Nhân sự Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu, cho biết, sau Tết, lao động nhảy việc khá nhiều. Đồng nghĩa với đó là nhiều đơn vị thiếu hụt lao động phải tuyển mới. Như trong ngành ngân hàng, nhiều lao động thời vụ cũng đã nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác. Hiện, muốn tuyển mới phải đào tạo lại từ đầu. Còn nếu tuyển nhân sự chất lượng cao, có kinh nghiệm thì phải đáp ứng được chế độ đãi ngộ mới giữ chân được người lao động.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất cho biết, sau Tết, công nhân đã đi làm trở lại, nhưng đây cũng là thời điểm doanh nghiệp phải mở rộng sản xuất cũng như tăng tốc làm việc nhằm đạt kế hoạch trong quý I của năm. Vì thế, nhiều đơn vị vẫn có nhu cầu cao về nhân lực.

Theo đó, một số công ty tạo điều kiện cho lao động cũ trở lại làm việc với mức lương tương xứng và nhiều phúc lợi khác. Đối với lao động phổ thông sẽ bố trí công việc ngay sau phỏng vấn và đào tạo nghề trực tiếp tại xưởng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn không tuyển đủ số lượng lao động.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Công ty da giầy Hưng Thịnh, cho hay, nhà máy đang thiếu hơn 200 công nhân nhưng nhiều tháng qua chưa tuyển đủ số lượng. Vì vậy, công ty đã liên hệ với trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh.

Công ty đã đưa ra các yêu cầu, chế độ lương thưởng như được đảm bảo thu nhập thấp nhất 7 triệu đồng, nếu làm tốt sẽ cao hơn. Công ty hỗ trợ chi phí đi lại, trả tiền xét nghiệm Covid-19, có nhà tập thể cho công nhân...

“Năm nay nhiệm vụ tuyển dụng càng trở nên khó khăn hơn, bởi những người lao động ở quê còn nhiều, một phần vì ở quê họ cũng đã có nhiều công ty mới mọc lên. Đặc biệt, số nhân công là phụ nữ, trong thời gian này các trường học, lớp giữ trẻ chưa hoạt động ổn định trở lại, do đó, họ chưa thể đi làm”, ông Hưng nói.

Nhiều cách thức tuyển dụng mới

Nhiều doanh nghiệp còn tham gia các sàn giao dịch trực tuyến do các trung tâm dịch vụ việc làm kết nối với lao động ở tỉnh. Thậm chí, bộ phận nhân sự còn xuống tận địa phương để tuyển ứng viên. Việc này giúp nhà máy chủ động hơn trong tìm nguồn, không phụ thuộc nhiều vào các trung tâm do các đơn vị này còn hợp tác với nhiều doanh nghiệp khác nên nguồn nhân lực bị chia sẻ nhiều.

Bà Nguyễn Phương Thùy, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Ứng Hòa (Hà Nội), cho hay, sau Tết, Trung tâm tổ chức rất nhiều sàn giao dịch việc làm trực tiếp miễn phí. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã đăng ký tuyển dụng với số lượng cần tuyển lên đến hàng nghìn lao động.

Theo bà Thùy, Trung tâm sẽ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, vừa để người lao động, nhất là lao động thất nghiệp, tìm kiếm được việc làm mới nhanh nhất.

Theo chuyên gia, nguy cơ thiếu hụt lao động sẽ được ngăn chặn nếu như có các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời có những biện pháp bảo vệ sức khỏe cho người lao động trong điều kiện trạng thái bình thường mới.

Để làm được điều đó, nhiều doanh nghiệp đề nghị hoàn thành tiêm mũi bổ sung cho người lao động, nghiên cứu thành lập các đơn vị thu dung, điều trị cho người lao động mắc Covid-19. Các doanh nghiệp cũng đề nghị các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn do thiếu công nhân trong thời điểm này. Đồng thời, kiến nghị lãnh đạo địa phương xem xét việc kết nối với các trường đào tạo nghề trên địa bàn để đưa học sinh, sinh viên đến thực tập, làm việc.

Nhiều doanh nghiệp còn sẵn sàng trả lương cho sinh viên chưa có kinh nghiệm. Đây là cách tuyển dụng của một số doanh nghiệp khi thiếu hụt nguồn lao động trầm trọng.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đề nghị tuyển sinh viên chưa ra trường về tập sự. Có doanh nghiệp đồng ý trả lương nhân viên chính thức cho sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm trong thời gian thử việc, đào tạo lại…

Theo đó, theo đại diện Trường Cao đẳng Cao Thắng, sau Tết, trường đã nhận được văn bản đề nghị tuyển dụng hơn 2 nghìn vị trí việc làm, chủ yếu tập trung ở các ngành cơ điện, tự động hóa.

Trường Cao đẳng Công Thương TPHCM cũng nhận được rất nhiều lời đề nghị tuyển dụng sinh viên của trường từ các doanh nghiệp, tập trung vào các ngành kinh tế, dịch vụ và kỹ thuật.

Trước đó, về tình trạng thiếu hụt lao động dịp Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, thông thường hằng năm, trước Tết Nguyên đán thường thiếu khoảng 10% lực lượng lao động, sau Tết thường thiếu 20%. Tuy nhiên, năm nay nguồn lao động sẽ dồi dào hơn.

Khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại các tỉnh, thành phố, vùng kinh tế trọng điểm cũng cho thấy, có sự thiếu hụt lao động cục bộ, song không nhiều vì các doanh nghiệp chưa trở lại hoạt động 100%. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hiện nay đã có chính sách giữ chân, nên mức độ thiếu hụt lao động không đáng kể.

Tuy nhiên, sự thiếu hụt lao động có thể tăng vào thời gian cuối quý I và quý II/2022 khi các doanh nghiệp được hoạt động trở lại với công suất cao nhất thì nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.