Sinh viên Trường ĐH Hoa Sen giao lưu đối thoại với Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới

GD&TĐ - Sinh viên Trường Đại học Hoa Sen và Đại học Quốc gia TPHCM gặp gỡ, giao lưu đối thoại với Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Giáo sư Klaus Schwab – Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới.
Giáo sư Klaus Schwab – Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 5 năm 2024 do Ủy ban nhân dân TP.HCM chủ trì, Sở ngoại vụ TP.HCM và Trường Đại học Hoa Sen(HSU) phối hợp tổ chức buổi talk show truyền cảm hứng cho giới trẻ, sinh viên với Giáo sư Klaus Schwab – Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh Tế Thế Giới (WEF).

Ông nổi tiếng là bậc thầy về kinh tế học và kỹ thuật, người đã tạo nên những thay đổi sâu sắc, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn cầu. Talkshow là cơ hội hiếm hoi để giới trẻ Thành phố được gặp gỡ, chia sẻ trực tiếp với ông về chủ đề: “Kinh tế Tri thức – Nền tảng cho tương lai thịnh vượng và hành động của giới trẻ”.

Đây là một sự kiện thú vị đánh dấu sự trở lại Việt Nam sau 15 năm của Giáo sư Klaus Schwab – Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới, tiếp nối với chuỗi sự kiện Diễn đàn Kinh tế Thành phố (HEF) lần thứ 5 và khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 C4IR của TP.HCM vừa qua.

Trong buổi nói chuyện truyền cảm hứng lần này, GS Klaus Schwab chia sẻ các nội dung thú vị và bổ ích như: Bức tranh tổng quan và các hình mẫu nền kinh tế tri thức gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới và tại Việt Nam, qua đó nhìn nhận những thuận lợi, khó khăn và tìm ra những giải pháp thúc đẩy trong việc phát triển nền kinh tế tri thức của Việt Nam. Vai trò, trách nhiệm của người trẻ trong nền kinh tế tri thức, nhấn mạnh tầm quan trọng của thế hệ trẻ Việt Nam đóng góp vào sự phát triển của đất nước; những kiến nghị từ góc độ chuyên gia về hành động của giới trẻ trong thời đại này.

b1-9802.png
Giáo sư Klaus Schwab – Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới.

Đặc biệt, phần giao lưu giữa Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới GS Klaus Schwab và người tham dự sẽ xoay quanh các vấn đề được nêu ở phía trên. Trọng tâm thảo luận xoáy sâu vào cốt cách của con người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ và những hành động cụ thể để phát triển nền kinh tế tri thức.

PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy – Hiệu trưởng trường đại học Hoa Sen, đơn vị phối hợp tổ chức cho biết “Những chia sẻ của Giáo sư Klaus sẽ giúp cho sinh viên, doanh nhân trẻ tiếp cận tầm nhìn của một chuyên gia kinh tế có tầm ảnh hưởng toàn cầu về kinh tế tri thức.
Giới trẻ TP. HCM hiểu rõ hơn vai trò của nguồn nhân lực, của công nghệ trong sự phát triển kinh tế. Đồng thời là cơ hội để sinh viên và doanh nhân trẻ thành phố hiểu rõ hơn những cơ hội toàn cầu giới trẻ Việt Nam kết nối với thế giới và ngược trong xu thế phát triển của nền kinh tế tri thức.
Với tầm nhìn của một trường Đại học đạt chuẩn quốc tế, nơi sẽ hội tụ tinh hoa giáo dục quốc tế, chúng tôi sẽ duy trì thường niên những sự kiện quốc tế ý nghĩa như thế này cho sinh viên và các đối tượng khác của giới trẻ thành phố được tiếp cận với các Nhà khoa học, Chuyên gia giỏi toàn cầu, giúp tri thức Việt Nam dễ dàng hơn trong kết nối với tri thức toàn cầu”

Thông tin về Giáo sư Schwab

Klaus Schwab, sinh năm 1938 tại Ravensburg, Đức, là một nhà kinh tế học và kỹ sư nổi tiếng toàn cầu, được biết đến với vai trò là người sáng lập và Chủ tịch điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum - WEF).

Ông tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Fribourg và Tiến sĩ Kỹ thuật tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich). Sau đó, ông tiếp tục hoàn thành chương trình Thạc sĩ Quản trị Công tại Trường Chính phủ John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard. Năm 33 tuổi, ông thành lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, ban đầu chỉ là một cuộc họp nhỏ dành cho lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu. Dưới sự dẫn dắt của ông, WEF đã trở thành một diễn đàn toàn cầu, quy tụ các nhà lãnh đạo để thảo luận về các vấn đề cấp bách như toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Klaus Schwab đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa và tích hợp kinh tế toàn cầu. Ông đã khởi xướng nhiều sáng kiến và dự án quan trọng, bao gồm Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu, Mạng lưới các nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu (Young Global Leaders), và các sáng kiến về công nghiệp 4.0.

WEF dưới sự lãnh đạo của Giáo sư Klaus Schwab đã trở thành một diễn đàn có ảnh hưởng lớn đến các chính sách và quyết định của các chính phủ, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp trên toàn cầu. Diễn đàn đã đóng góp vào việc định hình các cuộc thảo luận về các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng, và tương lai của việc làm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ