Sinh viên Tây Bắc trải nghiệm thực tế doanh nghiệp

GD&TĐ - Giờ học của SV khoa Kinh tế Trường ĐH Tây Bắc rất sôi nổi khi cùng đứng lớp với TS Hoàng Xuân Trọng có một vị khách mời đặc biệt – giám đốc một doanh nghiệp ở địa phương – đến nói chuyện với SV về câu chuyện khởi nghiệp, những thách thức, khó khăn anh gặp phải...

Doanh nhân đến trường để đánh giá, nhận xét, chia sẻ kinh nghiệm thực tế với sinh viên
Doanh nhân đến trường để đánh giá, nhận xét, chia sẻ kinh nghiệm thực tế với sinh viên

Kết thúc giờ học, một SV Lào nán lại trao đổi với TS Trọng: “Thầy ơi, giờ học khiến em rất phấn khích. Em cảm thấy bản thân có động lực theo đuổi ngành quản trị kinh doanh. Em sẽ cố gắng làm thật tốt và trở thành nữ doanh nhân...”

Học hỏi kinh nghiệm từ trường ĐH Úc

Qua những lần Hội thảo, các cựu SV của tôi trở về chia sẻ về những trải nghiệm làm việc với thầy cô giáo. Tôi nhận thấy những SV nào đã từng tham gia hoạt động đoàn thể sẽ đạt được thành công nhanh chóng trong cuộc sống. Những trải nghiệm qua hoạt động xã hội đã giúp các SV tăng cường khả năng làm việc”

TS Hoàng Xuân Trọng

Tiết học có sự tham gia của doanh nhân là một hoạt động trong Dự án ứng dụng có tên “Mô hình tăng cường khả năng làm việc của SV khoa Kinh tế” do TS Hoàng Xuân Trọng – Phó Trưởng khoa Kinh tế - Trường ĐH Tây Bắc triển khai.

Đây là thành quả của TS Trọng sau khi anh tham gia khóa học “Quản trị, lãnh đạo và lập kế hoạch chiến lược tại trường ĐH” cùng các chuyên gia ĐH Queensland (Australia) do Aus4Skills tổ chức.

Dự án bắt đầu từ thực tế của khoa Kinh tế và thực trạng đào tạo hiện chủ yếu diễn ra giữa giảng viên và SV trong khuôn viên của nhà trường. Sau khi học hỏi, tham quan một số trường ĐH tại Australia, TS Hoàng Xuân Trọng nhận thấy có một mô hình đào tạo rất thiết thực với sự tham gia của doanh nghiệp và cựu SV, kết hợp giữa trải nghiệm thực tế trong nhà trường thông qua học tập và trải nghiệm ngoài nhà trường thông qua những hoạt động xã hội để rèn luyện. Việc tham gia này góp phần cho SV tăng cường khả năng làm việc, sự tự tin, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

TS Hoàng Xuân Trọng – Phó Trưởng khoa Kinh tế, Trường ĐH Tây Bắc
TS Hoàng Xuân Trọng – Phó Trưởng khoa Kinh tế, Trường ĐH Tây Bắc

Những giảng viên đặc biệt từ doanh nghiệp

Dựa trên cơ sở phân tích thực trạng và lý thuyết, TS Hoàng Xuân Trọng bắt tay triển khai dự án. Tiến hành phân tích thực trạng, sử dụng công cụ SWOT, TS Trọng rút ra được hai thông tin quan trọng: Nhu cầu cần nguồn nhân lực kinh tế có kỹ năng tốt của các công ty, doanh nghiệp ở trên địa bàn tỉnh Sơn La và vùng núi Tây Bắc.

Bên cạnh đó, sau 10 khóa đào tạo, các cựu SV khoa Kinh tế của Trường ĐH Tây Bắc hiện đang làm ở các lĩnh vực kinh tế khác nhau, trong nhiều doanh nghiệp, có người đã làm giám đốc, phó giám đốc. Tin vui là hai đối tượng này sẵn sàng hỗ trợ mô hình tăng cường khả năng làm việc của SV khoa Kinh tế Trường ĐH Tây Bắc.

Sau khóa học tại Australia, trong 3 tháng khi trở về Việt Nam, TS Trọng được các cố vấn của Trường ĐH Queensland tư vấn, gỡ rối khó khăn. Đặc biệt, các cố vấn chia sẻ với TS Trọng cách làm truyền thông để lan tỏa và thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp và các cựu SV tham gia dự án. Những học kỳ chính thức có thể cho SV 1 – 2 buổi/tuần đến doanh nghiệp. Còn dịp hè, những SV học tốt không phải học lại có thể đến doanh nghiệp toàn thời gian. Thời gian tham gia dự án hoàn toàn dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu thực tế của SV.

Khởi điểm triển khai dự án, TS Hoàng Xuân Trọng đưa một nhóm SV khoa Kinh tế tham quan doanh nghiệp, cho SV hòa vào môi trường doanh nghiệp để làm những công việc cụ thể; cùng trao đổi những vấn đề, thực trạng doanh nghiệp đang vướng mắc trong kinh doanh, SV đưa ra những giải pháp, sau đó mời doanh nghiệp đến trường để đóng góp cho SV.

Sau một thời gian triển khai, hiện đã có 6 doanh nghiệp và 6 cựu SV tích cực tham gia dự án. Sự kiện gần đây nhất được tổ chức vào ngày 8/11, thu hút hơn 400 SV khoa Kinh tế, các doanh nhân, các cựu SV đến chia sẻ, tư vấn định hướng các kỹ năng. 400 SV nhận ra rằng ngay từ năm thứ nhất, các SV phải chuẩn bị cho mình tâm thế trang bị các kỹ năng mà xã hội đang cần.

Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp đến nhà trường, tham gia giảng dạy trong lớp học, góp ý cho những ý tưởng, phương án giải quyết vấn đề của SV khiến các em rất hào hứng và học được rất nhiều từ thực tế. Tất cả trải nghiệm này đều hướng tới mục tiêu giúp cho SV tăng tính tự tin và tăng khả năng làm việc.  

SV khoa Kinh tế Trường ĐH Tây Bắc làm việc nhóm giải quyết bài tập mô phỏng để hình thành các kỹ năng làm việc
 SV khoa Kinh tế Trường ĐH Tây Bắc làm việc nhóm giải quyết bài tập mô phỏng để hình thành các kỹ năng làm việc 

Nhân rộng, lan tỏa

Sau một thời gian triển khai dự án, TS Hoàng Xuân Trọng rất phấn khởi trước “làn gió mới” tại khoa Kinh tế Trường ĐH Tây Bắc. Khởi đầu khi mời doanh nghiệp, cựu SV tham gia vào lớp học, TS Trọng xin phép ở cấp độ khoa với thời gian 30 phút. Nhưng giờ học luôn kéo dài thêm, đến 50 phút SV vẫn hào hứng ở lại để trao đổi với các doanh nhân. Khi đến góp ý cho SV và chia sẻ cho SV chặng đường khởi nghiệp của minh, các doanh nhân đã giúp SV được nhìn bức tranh tổng thể của quá trình khởi nghiệp với không chỉ là màu hồng tươi đẹp mà còn có những lúc rất khó khăn, trắc trở.

Từ góc nhìn thực tế đó, SV xác định được mục tiêu học tập, có ý thức hơn, chăm chú lắng nghe, trải nghiệm hơn. Đặc biệt, các SV đều trân trọng cơ hội đi thực tế, tham quan các doanh nghiệp, tận dụng thời gian được làm một công đoạn của cả quy trình trong môi trường thực tế.

TS Hoàng Xuân Trọng dự kiến sau một thời gian triển khai dự án có thể xem xét nhân rộng trong toàn khoa Kinh tế với số lượng SV nhiều hơn, đánh giá rút ra bài học kinh nghiệm, tổng hợp làm tài liệu tham khảo hữu ích cho ngành Nông lâm, ngành Công nghệ thông tin để tham khảo học tập lẫn nhau. Đồng thời sẽ đề xuất với lãnh đạo khoa và nhà trường thành lập đội tư vấn có sự tham gia của doanh nghiệp và cựu SV để tư vấn cho các SV định hướng tương lai và nghề nghiệp.

“Chúng tôi mong muốn xây dựng một Giải thưởng “SV thực tiễn xuất sắc” để trao giải vào tháng 5 hàng năm – thời điểm trước khi SV ra trường. Chúng tôi tin rằng các SV được nhận giải sẽ “lọt mắt xanh” nhiều doanh nghiệp, ra trường khả năng có việc làm rất cao!” – TS Hoàng Xuân Trọng – Phó Trường khoa Kinh tế, Trường ĐH Tây Bắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.