Cam kết đảm bảo việc làm phải song hành với đổi mới mô hình đào tạo

GD&TĐ - Trong bối cảnh thị trường lao động đang cạnh tranh gay gắt, chương trình giảng dạy của nhiều trường còn chậm cải tiến và sinh viên ra trường khó tìm được việc làm tốt để ổn định cuộc sống, một số trường tại TPHCM đã tiến hành cam kết đảm bảo 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm. PV Báo GD&TĐ đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với ông Nguyễn Đăng Lý – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM xoay quanh vấn đề này.

Một tiết thực hành Công nghệ thông tin ở Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM
Một tiết thực hành Công nghệ thông tin ở Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM

PV: Trong bối cảnh hệ thống giáo dục nghề nghiệp còn gặp phải không ít khó khăn thì động lực nào đã khiến cho nhà trường tự tin khẳng định cam kết trên?

Ông Nguyễn Đăng Lý – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM

Ông Nguyễn Đăng Lý: Nếu xét về bối cảnh thì phải nói đến hai đạo Luật là Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp đã giao cho hai bộ khác nhau (Bộ GD&ĐT cùng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội) thẩm quyền quản lý hai lĩnh vực giáo dục riêng biệt.

Các đơn vị trực thuộc thẩm quyển của hai bộ không thể tránh khỏi xu hướng cạnh tranh. Vấn đề chiêu sinh vì thế sẽ rất khó khăn.

Thêm nữa, tình trạng thất nghiệp hiện nay do cung và cầu nhân lực trên thị trường quá chênh lệch nhau. Kinh tế xã hội ngày càng phát triển càng đỏi hỏi nguồn nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp cao, mà đội ngũ này luôn luôn thiếu.

Xã hội đang rơi vào trạng thái “thừa thầy, thiếu thợ”. Phương thức tuyển sinh đơn giản, chỉ tiêu đào tạo thoải mái thu hút một lượng lớn người học đổ xô vào các trường đại học. Quan sát và đánh giá kỹ lưỡng xu hướng trên, Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM đã định hướng trước chương trình đào tạo nhằm thu hút sinh viên.

Đây là năm thứ ba liên tiếp nhà trường thực hiện cam kết đảm bảo 100% sinh viên ra trường có việc làm, không chỉ có việc làm mà còn là việc làm tốt.

Chúng tôi mời doanh nghiệp cùng tham gia phản biện chương trình đào tạo và cải tiến chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp. Trong cuộc họp bàn về quy chế thu chi nội bộ, nhà trường dành một khoản ngân sách chi trả cho đối tượng giảng viên doanh nhân. Họ là những người đến từ những doanh nghiệp có tên tuổi, có kiến thức và kinh nghiệm, nắm giữ các vị trí lãnh đạo quản lý như Phó Giám đốc, Giám đốc công ty.

Khi tiến hành hợp tác, chúng tôi thực hiện các thỏa thuận và ràng buộc rõ ràng. Tôi không quan niệm sinh viên đi làm việc thí công, họ đến doanh nghiệp thực tập phải nhận lương đàng hoàng (bằng 50% mức lương chính thức).

Giảng viên nhà trường sẽ theo dõi, hỗ trợ sinh viên nhưng giảng viên doanh nhân là người trực tiếp đánh giá, cho điểm số. Chúng tôi không để sinh viên chỉ tiếp xúc công việc qua loa rồi đi về và không bao giờ chạy theo thành tích.

PV: Trong giai đoạn đầu xây dựng cam kết, việc kết nối với doanh nghiệp gặp phải những trở ngại nào không thưa ông?

Ông Nguyễn Đăng Lý: Văn hóa tổ chức của doanh nghiệp khác với trường học. Mục tiêu của họ là lợi nhuận, đa số theo đuổi lợi nhuận ngắn hạn. Họ dựa vào văn hóa đó mà giao kết hợp đồng. Còn trường học tuy rất cần giữ lại một phần giá trị để duy trì hoạt động nhưng xét đến cùng bản chất của giáo dục vẫn là con người.

Trước đây, khi nhà trường đặt vấn đề, có doanh nghiệp cần, có doanh nghiệp không cần, thậm chí có doanh nghiệp Trưởng phòng cần nhưng Ban Giám đốc lại không cần. Chúng tôi luôn tích cực tìm kiếm và kết nối thông qua các nguồn tin, sau đó sàng lọc thông tin doanh nghiệp kỹ lưỡng. Những doanh nghiệp nào muốn hợp tác phải thực sự chia sẻ giá trị với nhà trường. Chúng tôi xử lý mối quan hệ với doanh nghiệp rất sòng phẳng, giảng viên doanh nhân được trả lương cao.

PV: Thưa ông, việc cam kết 100% sinh viên ra trường có việc làm trong thời điểm hiện nay không phải là điều đơn giản. Nhà trường làm thế nào để biến cam kết này trở thành chính sách dài hạn?

Ông Nguyễn Đăng Lý: Chúng tôi có 4 yếu tố đảm bảo duy trì cam kết này.

- Thứ nhất là kinh nghiệm đào tạo. Chúng tôi dựa vào hệ thống giáo trình luôn luôn cải tiến và đội ngũ giảng viên không ngừng được nâng cao về trình độ giảng dạy.

- Thứ hai là thông tin trong đào tạo. Chúng tôi thiết kế quy trình đào tạo tối giản nhất nhưng hiệu quả cao. Làm sao cho ý kiến của sinh viên đến với văn phòng hiệu trưởng không gặp bất kỳ trở ngại nào. Đến mức độ sinh viên nghĩ gì là mình hiểu. Trường của chúng tôi rất ít khi họp, mỗi tuần cùng lắm chỉ họp một lần.

- Thứ ba là tỷ lệ sinh viên có việc làm. Đây là giá trị bảo chứng quan trọng. Thường thì trước khi sinh viên tốt nghiệp là họ đã có việc làm. Lễ tốt nghiệp vừa rồi chúng tôi mời đến đây 20 doanh nghiệp tuyển dụng nhưng chẳng có 1 hồ sơ nào nộp vào vì các em đã có việc làm cả rồi.

- Cuối cùng là khâu đánh giá việc làm của toàn thể sinh viên sau khi tốt nghiệp. Chúng tôi quan niệm sinh viên ra trường không chỉ có việc mà còn phải là việc làm tốt. Tiêu chí đánh giá rất cụ thể: Lương khởi điểm bao nhiêu? 6 tháng sau lương tăng lên như thế nào? Giữ được chức vụ gì trong tổ chức?

PV: Để thực hiện được cam kết này thì bản thân ông và đội ngũ giảng viên của nhà trường đã nỗ lực như thế nào?

Ông Nguyễn Đăng Lý: Trường của chúng tôi chỉ tuyển sinh vừa đủ để quản lý tốt, một lớp chừng 20 – 30 em. Nếu sinh viên nhiều mà quản lý không tốt thì đừng trông mong dạy tốt.

Tôi là người thường xuyên theo sát đời sống sinh viên. Tôi chơi facebook nhiều, mục đích là tham gia vào các group (hội nhóm) để nghe ngóng ý kiến sinh viên. Nhà trường duy trì Ban cố vấn công tác học vụ, tổ chức gặp gỡ trao đổi với phụ huynh thường xuyên.

Chúng tôi xây dựng cơ chế tên là “hệ thống cảnh báo sớm”, học tập theo mô hình Canada. Hệ thống này thực chất là việc xây dựng các đầu mối thông tin liên kết từ nhà trường ra ngoài xã hội, lên cả không gian mạng xã hội, nhằm mục đích phát hiện những đối tượng sinh viên đang có ý định bỏ học.

Trường hợp bỏ học thường xuất phát từ nguyên nhân chán nản, không tìm thấy động lực và sa ngã vào các vấn nạn xã hội. Có trường hợp sinh viên bị đối tượng bán hàng đa cấp lôi kéo, chúng tôi phát hiện sớm, kết hợp với gia đình giáo dục, thuyết phục em này quay trở lại trường lớp.

Giải quyết thực trạng trên giúp chúng tôi có cơ sở để đổi mới chương trình đào tạo theo hướng thực chất, tạo ra nhiều điểm nhấn và sức hút.

Chúng tôi thực hiện các tiêu chí đánh giá cán bộ, giảng viên mang tính định lượng, công khai và minh bạch. Thông qua tỷ lệ sinh viên có việc làm, sinh viên bỏ học, sinh viên đạt được vị trí cao trong công việc mà nhà trường xếp loại, trả lương cho cán bộ, giảng viên tương xứng.

PV: Thưa ông, tình hình tuyển sinh của nhà trường được cải thiện như thế nào sau khi áp dụng mô hình này? Hiện cũng có một số trường sử dụng mô hình này như một chiêu PR thu hút thí sinh. Làm thế nào nhà trường khẳng định được chất lượng trong xu hướng cạnh tranh phức tạp như vậy?

Ông Nguyễn Đăng Lý: Tình hình tuyển sinh tiến triển rất tốt, nguồn đầu vào luôn luôn được đảm bảo về số lượng và chất lượng. Toàn trường hiện có khoảng 3.000 sinh viên theo học ở các chuyên ngành. Vì mô hình này đã áp dụng đến năm thứ ba cho nên tạo được rất nhiều uy tín đối với phụ huynh và sinh viên.

Đúng là hiện nay có rất nhiều trường sử dụng phương pháp PR của truyền thông, nhưng hình thức này sớm nở tối tàn, PR một thời gian mà không đảm bảo chất lượng thì không thể nào che mắt được phụ huynh, sinh viên. Họ tất yếu bị xã hội đào thải.

Đối với Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM, sinh viên chính là đối tượng giám sát chúng tôi. Hằng năm, chúng tôi đều ghi nhận tỷ lệ tân sinh viên đến ghi danh nhập học xuất phát từ thông tin được giới thiệu bởi cựu sinh viên, con số này rất khả quan. Nếu nhà trường không làm đúng cam kết thì không bao giờ sinh viên gắn bó với mình như vậy.

PV: Xin cảm ơn ông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nhiệm kỳ 2.0 ?

GD&TĐ - Theo kết quả cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos vừa tiến hành, Tổng thống Joe Biden chỉ còn dẫn trước 1% so với đối thủ là cựu Tổng thống Donald Trump.
Minh họa/INT

Câu trả lời rõ ràng

GD&TĐ - Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sẽ thay thế tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị...
Đồng bào các dân tộc xem triển lãm ảnh Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tháng 5 'Theo dấu chân Người'

GD&TĐ - Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) trong tháng 5/2024 sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề 'Theo dấu chân Người'.