Sinh viên sáng chế tủ điều khiển không khí chuồng trại

GD&TĐ - Một trong những rủi ro trong chăn nuôi gia súc, gia cầm là sự cố mất điện, chập, cháy đường dây. Dự án AlFrarm-S của nhóm sinh viên ra đời nhằm giải quyết bài toán này.

Sinh viên sáng chế tủ điều khiển không khí chuồng trại

Điều khiển không khí, nhiệt độ chuồng trại từ xa

Nhóm AtFarm-S gồm 5 thành viên đến từ các Trường Đại học Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Bách khoa Hà Nội. Nguyễn Khắc Tùng cho hay, nhóm cảm thấy đã trưởng thành hơn rất nhiều, học hỏi được rất nhiều thứ.

Mục tiêu lớn nhất nhóm đã đạt được khi tham gia cuộc thi là đi đến cuối chặng đường, được tham gia đầy đủ các khóa đào tạo, được các anh chị, thầy cô cố vấn đã chỉ ra những điểm còn yếu của đội nhóm và được hướng dẫn cách làm, cách giải quyết vấn đề.

Trịnh Tuấn, CTO của dự án AlFarm-S chia sẻ, sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nên từ nhỏ em đã có niềm đam mê với nông nghiệp. Vì thế, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ngành Tin học công nghiệp, Tuấn dành gần 1 năm làm trong các trang trại lợn để hiểu hơn về ngành chăn nuôi ở Việt Nam.

“Em đã được lắng nghe những câu chuyện đau lòng của các bác nhà nông, như chuyện của bác trai tại Thái Nguyên có 350 con lợn chuẩn bị xuất chuồng với tổng giá 3,5 tỷ đồng đã chết ngạt hoàn toàn chỉ vì sự cố mất điện một pha. Từ những trải nghiệm đó, hệ thống kiểm soát khí hậu chuồng nuôi SACS_V20 đã được ra đời”, Tuấn nói.

Theo giới thiệu của Tuấn, cảm biến chất lượng môi trường của hệ thống SACS_V20 sẽ đo những chỉ tiêu về môi trường trong chuồng nuôi và gửi về tủ điều khiển. Tủ điều khiến sử dụng những dữ liệu này để điều khiển quạt thông gió, sao cho đảm bảo các chỉ tiêu về mặt môi trường mà người dùng đã cài đặt trước.

Hệ thống cảnh báo sẽ được kích hoạt bất cứ khi nào sự cố xảy ra, nhờ đó mà giảm rủi ro về điện đối với chuồng nuôi, giảm chi phí sử dụng điện, giảm chi phí trong vận hành, sửa chữa và thay mới đối với các thiết bị điện, nâng cao hệ số xuất chuồng cho các đàn vật nuôi. CTO của nhóm dự án cho biết, thiết bị này rất dễ dàng lắp đặt, thuận tiện trong sử dụng, giá cả cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu nước ngoài cùng tính năng.

Hệ thống SACS_V20 gồm: Hộp cảm biến, tủ điều khiển trung tâm và hệ thống còi cảnh báo. Hộp cảm biến sẽ đo chất lượng không khí trong chuồng nuôi rồi đưa về tủ điều khiển. Tại đây, tủ điều khiển trung tâm sẽ phân tích các thông số, sau đó xuất lệnh để điều chỉnh tốc độ dàn quạt sao cho không khí lưu thông trong chuồng là thích hợp, tốt nhất theo chế độ đã được cài đặt. Hệ thống còi cảnh báo có vai trò báo động cho người trực, nhân viên kỹ thuật về sự cố dàn quạt rồi nhanh chóng đến trại để kiểm tra, xử lý.

Muốn bán hàng cho những “ông lớn”

Thực tế triển khai cho một trang trại 8 năm tuổi ở Nghệ An cho thấy, sự cố điện áp thấp trong chuồng thường xuyên xảy ra. Khi có mưa gió lớn, các điểm phân chia dây tiếp xúc không tốt và gần như điện áp không được đảm bảo. Tần suất xảy ra trong mùa khô ít hơn nhưng trong những tháng mùa mưa bão, tần suất xảy ra sự cố rất lớn.

Hệ thống máy được lắp đặt nhiều ở khu vực Nghệ An, Cao Bằng và nhận được 90% phản hồi tích cực, 50% số lượng khách hàng quay lại. Áp dụng hệ thống SACS_V20 đã giúp trang trại quy mô 1.500 con lợn giảm số lượng kỹ thuật cứng từ 3 xuống còn 1.

Nguyễn Khắc Tùng, thành viên trong nhóm cho biết, nhóm các nhà sáng lập hướng đến 2 phân đoạn thị trường quan trọng. Thứ nhất là khách hàng B2C (bán trực tiếp cho người tiêu dùng, bao gồm các chủ các trang trại và các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn như CP, Masan, Hoà Phát. Thứ hai là B2B (giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp), bao gồm các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phụ trợ cho ngành chăn nuôi như Dabaco...

Đi cùng với kế hoạch doanh thu là kế hoạch phát triển sản phẩm, từng bước áp dụng công nghệ IoT và sau đó là AI để đưa ra các dự báo sớm về các sự cố tiềm năng, đồng thời mở rộng dòng sản phẩm phục vụ chăn nuôi thuỷ hải sản (đặc biệt là tôm), gà. Nhóm không giấu tham vọng muốn trở thành doanh nghiệp đi đầu tại Việt Nam về chăn nuôi công nghệ cao.

Sản phẩm của nhóm AtFarm-S được thực hiện với mục đích kiểm soát môi trường tiểu khí hậu chuồng nuôi trong chăn nuôi lợn hoặc gà sử dụng kiểu chuồng nuôi kín công nghiệp, cấp không khí chủ động, mang tính khả thi cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ