Sinh viên sáng chế thiết bị hỗ trợ giám sát truyền dịch cho người bệnh

GD&TĐ - Với mong muốn tạo ra một thiết bị có thể hỗ trợ giám sát được tốc độ truyền dịch cho người bệnh, nhóm sinh viên đến từ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã nghiên cứu và đang dần hoàn thiện sản phẩm hữu ích này.

Theo các thành viên của nhóm nghiên cứu, nhóm sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp một số tính năng của sản phẩm đảm bảo mục tiêu ban đầu đề ra.
Theo các thành viên của nhóm nghiên cứu, nhóm sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp một số tính năng của sản phẩm đảm bảo mục tiêu ban đầu đề ra.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế

“Thiết bị hỗ trợ giám sát truyền dịch trong y tế kết hợp phần mềm quản lý dữ liệu điều trị” là một trong những dự án lọt vào Vòng chung kết Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2021 (SV START-UP 2021) do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Dự án này của nhóm BK307 gồm 5 thành viên đến từ Phòng thí nghiệm quang cơ điện tử - Lab.307, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại, Vũ Danh Tiến – đại diện nhóm tác giả của dự án trên - cho biết, ý tưởng này xuất phát từ chính nhu cầu thực tế của người dân, nhất là tại các bệnh viện. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam, bệnh nhân phải cách ly và không có người thân chăm sóc. Điều này dẫn đến càng cần nhân lực cho ngành y tế nhiều hơn nữa. Một trong những phương pháp điều trị điển hình có mặt tại mọi bệnh viện cũng như tất cả những cơ sở y tế khác đó là truyền dịch.

Tiến nhận thấy rằng, phương pháp này tuy phổ biến nhưng lại rất cần sự theo dõi sát sao từ đội ngũ y, bác sĩ. Tuy nhiên, một bác sĩ thường sẽ phải chăm sóc số lượng bệnh nhân lớn hơn rất nhiều so với bình thường. Riêng công việc giám sát truyền dịch cũng gây áp lực có thể là nguyên nhân dẫn đến quá tải hệ thống y tế. Trăn trở về gánh nặng của các y, bác sĩ, dự án về thiết bị hỗ trợ theo dõi tốc độ truyền dịch, giám sát dung lượng còn lại của bình truyền, cảnh báo đến y, bác sĩ những sự cố khi truyền dịch kịp thời, kết hợp với quản lý dữ liệu điều trị đã được nhóm nghiên cứu và phát triển.

Ngô Mạnh Tùng - thành viên của nhóm nghiên cứu - cho hay, mục tiêu của dự án nhằm tạo ra một sản phẩm có tính hữu dụng cao, giá thành phù hợp, đáp ứng các nhu cầu về truyền dịch trong ngành y tế của Việt Nam. Đồng thời, tạo sự thuận tiện cho bệnh nhân và các y, bác sĩ như có thể giám sát, theo dõi bệnh nhân trong quá trình truyền dịch hiệu quả và chính xác; giảm tải công việc cho đội ngũ y tế, hỗ trợ quản lý dữ liệu người bệnh; giúp đỡ người nhà bệnh nhân thuận tiện trong quá trình chăm sóc người bệnh.

Sản phẩm có giá thành cạnh tranh với thiết bị nước ngoài, phù hợp để trang bị cho nhiều cơ sở y tế. Thuận tiện trong việc bảo dưỡng, nâng cấp, thay thế. Làm chủ công nghệ, đặc biệt là những sản phẩm liên quan đến y tế, trong khi thị trường về thiết bị y tế đang phụ thuộc phần lớn vào các sản phẩm nhập ngoại.

Hình ảnh về thiết bị hỗ trợ giám sát truyền dịch do nhóm BK307 nghiên cứu, thử nghiệm thực tế.
Hình ảnh về thiết bị hỗ trợ giám sát truyền dịch do nhóm BK307 nghiên cứu, thử nghiệm thực tế.

Tính ưu việt của thiết bị

Sản phẩm có hai nhiệm vụ gồm theo dõi, giám sát tốc độ truyền dịch và cảnh báo tới y, bác sĩ qua 2 kênh trực tiếp trên thiết bị hoặc gián tiếp trên các thiết bị thông minh. Cụm cảm biến thu - phát sử dụng bức xạ hồng ngoại được bố trí đối xứng nhau qua dây truyền dịch.

Ưu điểm của loại cảm biến quang học là không tiếp xúc trực tiếp với chất lỏng trong bình truyền. Khi có giọt nước rơi qua, bộ cảm biến sẽ nhận ra sự thay đổi mức tín hiệu. Tín hiệu từ bộ cảm biến qua quá trình xử lý, tính toán sẽ tính ra được tốc độ truyền dịch, lượng dịch còn lại và thời gian truyền. Dữ liệu này được gửi lên cơ sở dữ liệu và truyền về phần mềm quản lý của máy tính phòng trực hoặc trên các thiết bị thông minh của y, bác sĩ, nhân viên chăm sóc.

Sản phẩm bao gồm hệ thống máy chủ riêng có nhiệm vụ xử lý thông tin và quản lý được hàng trăm bệnh nhân truyền dịch cùng lúc. Thiết bị có cấu tạo nhỏ gọn, dễ lắp đặt, vận hành, tiết kiệm thời gian và chi phí đào tạo nhân lực mới, sử dụng ngay với loại dây truyền cánh bướm phổ thông, không cần dùng dây chuyên biệt như bơm truyền dịch. Thiết bị thông báo cho người dùng tốc độ truyền dịch và thời gian còn lại của bình truyền trên màn hình. Đèn báo nháy sáng mỗi khi có giọt nước rơi qua để dễ dàng kiểm tra sự ổn định của thiết bị. Khi tốc độ truyền dịch vượt quá ngưỡng cho phép, còi báo sẽ kêu một hồi dài.

TS Cao Xuân Bình – giảng viên hướng dẫn nhóm BK307 - nhấn mạnh, điểm thuận lợi khi triển khai dự án này đó chính là hướng đến một sản phẩm có giá thành rẻ, dễ sử dụng và có ích cho người bệnh cũng như các y, bác sĩ. Điểm khó khăn chính của nhóm nằm ở đối tượng tiếp cận của dự án là một ngành đặc thù như y tế.

Đầu tiên là quá trình nghiên cứu, với nguồn thông tin hạn hẹp, nhóm đã phải thu thập dữ liệu, khảo sát thị trường cũng như tìm kiếm và tổng hợp thông tin từ chính những nhân viên y tế và các y, bác sĩ. Ngoài ra, các em cần nhiều thời gian trong công việc đo đạc và xử lý tín hiệu cũng như nghiên cứu xây dựng hệ thống. Đến nay, công việc nghiên cứu, chế tạo sản phẩm cũng kéo dài được gần hai năm liên tục, nhóm vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và cải tiến sản phẩm.

Thầy Bình cũng cho hay, dự án được tiến hành trong bối cảnh dịch bệnh, thành viên nhóm bị chia cắt do giãn cách xã hội cũng là một trong những khó khăn khi không thể tập trung nghiên cứu sản phẩm theo tiến độ, một số linh kiện của sản phẩm, nhóm phải đặt mua hoặc gia công từ nước ngoài nhưng không thể về Việt Nam sớm được nên công việc cũng bị ảnh hưởng. Dù vậy, các thành viên trong nhóm ý thức được lĩnh vực mình nghiên cứu là rất đặc thù, sản phẩm đòi hỏi sự chính xác và an toàn cùng độ tin cậy cao, cũng là cơ hội để nhóm làm việc một cách chuyên nghiệp hơn.

Thời gian qua, sản phẩm mới được thử nghiệm ở trung tâm y tế của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Nhóm vẫn đang tích cực vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh để tiếp tục nghiên cứu nhằm hoàn thiện, nâng cấp thêm một số tính năng cho sản phẩm. Trong thời gian tới nếu gặp thuận lợi, số lượng sản phẩm đầu ra đảm bảo thì nhóm sẽ tiến hành thử nghiệm ở các bệnh viện lớn. Được góp phần giúp đỡ người bệnh cũng như các y, bác sĩ trong công việc cứu người đầy thiêng liêng bằng những thiết bị này, chúng em cảm thấy rất vui và tự hào. - Sinh viên Vũ Danh Tiến

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ