Kỷ niệm khó quên
Yazan Ayaydeh là lưu học sinh quốc tịch Palestine, hiện đang học khoa Việt Nam học của Trường Đại học Hà Nội. Vì thời gian nghỉ Tết Nguyên đán ngắn, anh thường không về nước, tận hưởng không khí vui tươi, náo nức của kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất Việt Nam.
Yazan chia sẻ: Nhiều năm trước, trong những ngày giáp Tết, tôi thấy ở làng Yên Phúc, quận Hà Đông hay một số ngõ xóm khác, người dân quét dọn phố sá, trang trí đèn lồng ngoài đường. Nhờ đó, các ngõ phố đẹp lung linh làm tôi rất ấn tượng. Tôi đợi đến sáng mùng 1 xem người ta tổ chức Tết thế nào nhưng hóa ra, ngày đó, mọi người đều ở trong nhà hoặc đi chùa, đi chúc Tết người thân.
Ngày mùng 1 không còn vẻ ồn ào, náo nhiệt, song Yazan rất thích không khí yên tĩnh, vắng lặng của đường phố. Anh ra đường để cảm nhận một Hà Nội yên bình, tĩnh lặng. Giống nhiều người Việt Nam, Yazan coi Tết là quãng thời gian để bản thân nghỉ ngơi sau một năm học tập, làm việc.
Tết Nguyên đán năm 2020, Yazan về quê một người bạn tại Quảng Ninh từ 29 đến mùng 6 Tết. Trong thời gian này, anh có cơ hội tìm hiểu sâu về văn hóa, phong tục đón Tết cổ truyền của người Việt như cách thắp hương trên bàn thờ gia tiên, cách bày mâm cỗ và trang trí mâm ngũ quả. Anh còn được tham gia lễ mừng thọ 80 tuổi ông của người bạn. Chứng kiến những người thân, họ hàng của bạn quây quần, vừa ăn uống, trò chuyện, Yazan cảm thấy rất nhớ gia đình nhưng cũng thấy ấm áp vì được chào đón tại Việt Nam.
Trong 6 năm học tập tại Việt Nam, Meng Jun, quốc tịch Trung Quốc, học viên Thạc sĩ tại Trường ĐH Hà Nội, từng ba lần đón Tết Nguyên đán. Kỷ niệm "không thể nào quên" với Meng Jun là Tết Canh Tý 2020 bởi trời mưa bão vào đêm Giao thừa. Đến sáng mùng 1, Meng Jun không thể đi chùa cầu bình an như thói quen hàng năm vì lo ngại dịch Covid-19.
Từng đón Tết tại Việt Nam và Trung Quốc, Meng Jun thấy rõ một số điểm khác biệt trong cách đón năm mới tại hai nước. Ở tỉnh Tứ Xuyên, quê anh, nhà nhà đều chuẩn bị lạp xưởng, thịt xông khói cho Tết. Còn ở Việt Nam, mọi người cùng gói bánh chưng, luộc gà. Ngày đầu năm mới, người Việt tặng lì xì cho trẻ nhỏ để “lấy may" trong khi tại Trung Quốc, tiền mừng tuổi tương đối lớn.
Những ngày giáp Tết, Meng Jun thấy phố phường nhộn nhịp hơn bình thường bởi dọc vỉa hè, người dân bày bán hoa đào, hoa mai hay cây quất. Tại Tứ Xuyên, người dân thường không mua hoa trang trí ngày Tết mà thường mua pháo hoa, dán câu đối đỏ trước cửa nhà.
Kế hoạch đón Tết Tân Sửu
Đêm Giao thừa, Meng Jun dự định gọi video call với mẹ tại quê nhà để chúc mừng năm mới, cập nhật cuộc sống tại Việt Nam. Dự định những ngày nghỉ lễ đi du lịch Phú Quốc, Sóc Trăng, song anh đành hủy kế hoạch vì dịch Covid-19 bùng phát. Anh sẽ rủ bạn bè là sinh viên nước ngoài đến nhà liên hoan đón mừng năm mới.
Năm nay, Yazan dự định sẽ đón Tết khác với mọi năm vì ảnh hưởng của Covid-19. “Tôi thấy hơi buồn vì phải hủy kế hoạch đi du lịch, đi chơi. Tôi sẽ rủ bạn bè đến nhà và chơi game”, Yazan chia sẻ.
Lần đầu tiên đón Tết tại Việt Nam, Yasuko Suzumori, quốc tịch Nhật Bản, sinh viên khoa Việt Nam học, Trường ĐH Hà Nội, thích thú khi chứng kiến cảnh người dân chở những cây quất lớn sau yên xe máy. Yasuko Suzumori nhận xét những cây quất hay cành đào hồng đã tô điểm thêm vẻ náo nức cho phố phường Hà Nội. Nữ sinh Nhật Bản cũng nhận thấy Tết cổ truyền có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với người Việt Nam.
“Năm nay, tôi sẽ đón Giao thừa cùng một vài bạn người Việt Nam. Những ngày sau đó, tôi sẽ về nhà một người bạn tại huyện Hoài Đức, Hà Nội, đón Tết. Tôi rất mong chờ kỳ nghỉ lần này vì là năm đầu tiên trải nghiệm không khí Tết cổ truyền tại Việt Nam", Yasuko Suzumori cho biết.