Trong tham luận của cô Bạch Thị Lan Anh và Trịnh Thị Hà (Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương) tại hội thảo “Tăng cường cơ hội tiếp cận thị trường lao động cho thanh niên và sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp” tổ chức mới đây tại Hà Nội đã làm rõ vấn đề này.
Cơ hội và thách thức
Sinh viên nghệ thuật có nhiều cơ hội về việc làm không khi mà trụ cột 4.0 là kỹ thuật? Trả lời câu hỏi này, trong tham luận ghi rõ: Dưới tác động của những đột phá về công nghệ, máy móc tự động xuất hiện sẽ dôi dư nguồn nhân lực, buộc lao động phải cạnh tranh tạo ra áp lực tâm lý ngày càng nhiều, con người càng ít thời gian để chăm sóc tinh thần, thiếu quan tâm đến các hoạt động làm cân bằng cuộc sống.
Âm nhạc, công nghệ giải trí... trên các thiết bị công nghệ số sẽ là cứu cánh, giải pháp tự làm phong phú đời sống tinh thần để cân bằng với áp lực của con người.
Công nghệ sản xuất âm nhạc dựa trên thành quả kỹ thuật số sẽ lên ngôi. Âm nhạc trực tuyến không chỉ mang lại nguồn doanh thu cho ngành giải trí mà nó còn giúp cho việc quảng bá du lịch và xuất khẩu hàng tiêu dùng.
Đây là cơ hội mà mọi sinh viên nghệ thuật có thể tự chủ động khởi nghiệp, thử thách bản thân.
Cách mạng công nghệ cũng kéo nghệ thuật thị giác phát triển theo. Vẽ điện tử bao gồm cả tranh và hoạt hình có thể được thiết kế nhanh và chi tiết nhiều màu sắc hơn nhiều so với truyền thống, nên ngày càng được ưa chuộng hơn.
Sinh viên có tài năng sẽ có thể có cơ hội trở thành một “animator” cho các hãng phim hoạt hình. Hoặc đơn giản thành nghệ sĩ tự do, chia sẽ các tác phẩm sáng tạo, truyện tranh hay “fan art”.... trên các trang mạng.
Sự bùng nổ ngành công nghiệp giải trí với các sản phẩm văn hóa xuất hiện ngày càng đa dạng, phong phú. Doanh thu của ngành công nghiệp giải trí ngày càng gia tăng. Đó là cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên mỹ thuật...
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của thương mại điện tử, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu, dự báo Thiết kế đồ họa sẽ tiếp tục là lĩnh vực hot thu hút nhân lực trong tương lai.
Ngoài ra, sinh viên nghệ thuật, có thể mở ra hướng đi mới trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc bằng công nghệ thực tế ảo.
Tuy nhiên, có thể thấy thách thức rất rõ của sinh viên nghệ thuật, trước hết từ quá trình đào tạo còn nặng truyền tải tri thức xem nhẹ dạy sáng tạo. Cơ cấu các ngành đào tạo về cơ bản tự phát, chạy theo độ hót và dựa trên những cái mà nhà trường đang có.
Công tác hướng nghiệp ở trường phổ thông chưa làm tốt, chưa chú ý đúng mức đến tiềm năng, kỳ vọng cá nhân, xu hướng phát triển của thời đại và yêu cầu của xã hội.
Sinh viên nghệ thuật nói riêng và sinh viên nói chung đều đang phải đối mặt với các thách thức như yếu về kỹ năng làm việc trong môi trường hợp tác: chưa quan tâm đến việc trải nghiệm và thực hành; thiếu kỹ năng làm việc và hợp tác trong môi trường đa văn hóa; hạn chế về ngoại ngữ…
Sinh viên nghệ thuật cần làm gì để chủ động trong cách mạng 4.0?
Trước thuận lợi và thách thức như trên, tham luận có những chia sẻ giúp sinh viên nghệ thuật chủ động hơn trước những thay đổi, đặc biệt do cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, cụ thể:
Các trường ĐH đào tạo nhóm ngành nghệ thuật cần đổi mới đào tạo và nghiên cứu để đào tạo đội ngũ lao động có đủ tri thức và kỹ năng thích ứng với thời đại mới, với cách mạng 4.0. Chuyển quá trình dạy, từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất và phát triển năng lực người học đặc biệt là năng lực sáng tạo- đặc trưng của nghệ thuật.
Cùng với đó, xây dựng chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận các chương trình giảng dạy trong khu vực và quốc tế. Có thể “nhập khẩu” chương trình,giáo trình chuyên ngành nghệ thuật ở các nước và tích hợp vào các chương trình đào tạo. Khuyến khích giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh ở các môn nghệ thuật
Cải thiện năng lực tiếng Anh cho sinh viên thông qua dạy chương trình tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh chuyên ngành. Chú trọng công tác thực hành, thực tập và tăng cường các hoạt động nhằm trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên.
Tăng cường mối quan hệ hợp tác hai chiều giữa các trường đại học với các doanh nghiệp. Khi học đề cao giá trị nghệ thuật, nhưng khi hợp tác với doanh nghiệp thì tính thương mại, tính hữu ích là yếu tố quan trọng. Nên thay đổi chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận nhiều hơn với doanh nghiệp.
Về phía sinh viên, tham luận nhấn mạnh: Muốn có được cơ hội việc làm tốt và tiến xa phải xác định tiếng Anh là yếu tố then chốt.
Ngoài ra, sinh viên nghệ thuật phải có lòng đam mê, tự hào với nghề nghiệp lựa chọn. Rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp theo các chuẩn mực, thông lệ quốc tế như: kỹ năng sáng tác và thể hiện, tôn trọng bản quyền; thể hiện cá tính, phong cách riêng.
Bên cạnh đó, cần tự rèn luyện một phong cách làm việc chuyên nghiệp, có khả năng lập kế hoạch tổ chức làm việc, kỹ năng nắm bắt tâm lý khách hàng, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng đàm phán, kỹ năng lãnh đạo... Có phông văn hóa cao để các sáng tác có cùng sự rung cảm giữa các chủng tộc, đạo giáo, tôn trọng luật pháp tại nhiều quốc gia.