Sinh viên ngành Du lịch - dịch vụ chủ động 'nắm' tương lai

GD&TĐ - Hiện nay, nhiều sinh viên ngành Du lịch - dịch vụ mới học năm thứ hai, thứ ba đã chủ động xin việc làm thêm...

Sinh viên ngành Du lịch chủ động đi làm thêm để cọ xát kinh nghiệm. Ảnh: NVCC
Sinh viên ngành Du lịch chủ động đi làm thêm để cọ xát kinh nghiệm. Ảnh: NVCC

Nhiều sinh viên phụ những anh chị khóa trước đi dẫn đoàn để trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng. Qua đó, các bạn đánh giá được những đòi hỏi thực tế công việc để hoàn thiện những điểm yếu của bản thân.

Không để bị động

Mai Thị Kiều Loan, sinh viên khoa Du lịch, Trường ĐH Mở Hà Nội đang học năm thứ ba nhưng cô nàng đã “bỏ túi” cho mình kha khá kinh nghiệm hướng dẫn khách du lịch đi tour thực tế.

“Em học đúng thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, nhiều hoạt động ngoại khóa thực tế bị hạn chế. Trong khi đó đặc thù của ngành Du lịch là một trong những ngành đào thải rất nhanh, tuổi nghề ngắn đòi hỏi người làm việc luôn phải trau dồi kiến thức kỹ năng và đặc biệt thái độ. Chính vì vậy ngay từ khi còn là sinh viên, em đã cố gắng tham gia hoạt động thực tế do nhà trường, khoa tổ chức”, Loan chia sẻ.

Theo Loan, việc thực tế sớm sẽ giúp cô có nhiều cơ hội việc làm hơn khi còn vài tháng nữa là tốt nghiệp, ra trường. “Thời gian rảnh, em xin đi phụ giúp các anh, chị đi trước hướng dẫn tour thực tế, tour đơn giản hay các tour khách hàng là học sinh để bản thân rèn luyện, kỹ năng nói, thuyết trình trước đám đông, phản biện, cọ xát kiến thức, ngoại ngữ,… Đồng thời, sau mỗi tour em đều tự tổng hợp kiến thức, xem lại tuyến điểm để có thể thuyết minh cho khách, tăng cơ hội việc làm cho bản thân sau khi ra trường”, cô sinh viên năm thứ 3 cho biết.

Đinh Thị Hồng là sinh viên năm cuối khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Hồng cho biết: “Nỗi lo không có việc làm, phải làm trái nghề là động lực thôi thúc em phải hoàn thành tốt việc học trên lớp. Em còn tích cực tham gia các câu lạc bộ trong trường, các chương trình trải nghiệm hay theo học các khóa kỹ năng để có thể giao tiếp, xử lý các tình huống gặp phải trong quá trình làm thực tế để nâng cao kỹ năng mềm của bản thân”.

Với kinh nghiệm 7 năm làm hướng dẫn viên du lịch, anh Nguyễn Đức Mạnh, Công ty lữ hành quốc tế JoyTrip (Hải Phòng) nhắn nhủ: “Nghề du lịch - dịch vụ là nghề yêu cầu sự tinh tế, cách nhìn tổng thể vấn đề để tạo sự hài lòng cho khách hàng. Cũng chính vì điều đó, người làm nghề dịch vụ chỉ đọc sách thôi chưa đủ mà chính kiến thức, trải nghiệm thực tế mới hiểu và biết làm thoả mãn nhu cầu của khách hàng.

Một hướng dẫn viên du lịch cũng vậy, đối vối những bạn đang là sinh viên trong nhà trường muốn gắn bó nghề phải thật sự nghiêm túc mài giũa từ trong nhà trường và thông qua những chuyến đi thực tế để cọ xát. Qua đó, bản thân người học sẽ nắm được ưu điểm, hạn chế cần khắc phục đồng thời mở rộng thêm cơ hội việc làm cho mình sau này”.

Mai Thị Kiều Loan, sinh viên khoa Du lịch, Trường ĐH Mở Hà Nội tham gia tour hướng dẫn khách du lịch trong nước. Ảnh: NVCC

Mai Thị Kiều Loan, sinh viên khoa Du lịch, Trường ĐH Mở Hà Nội tham gia tour hướng dẫn khách du lịch trong nước. Ảnh: NVCC

Sẵn sàng với thách thức

Theo ông Nguyễn Quang - Tổng quản lý khách sạn Grandk Hotel Suites Hanoi (Hà Nội): “Người làm việc trong ngành dịch vụ phải có thái độ, ý thức đặt sự hài lòng, quyền lợi, niềm vui của khách hàng lên hàng đầu. Bởi sản phẩm của ngành dịch vụ là sản phẩm vô hình, không thể cân đo, đong đếm được. Kết quả công việc được đánh giá bằng sự hài lòng của khách hàng, đối tác mới được cho là thành công.

Và ngành Du lịch cũng vậy, khi xã hội ngày càng phát triển, những đòi hỏi khách hàng cũng càng cao. Vì vậy, bản thân người làm khách sạn và lữ hành phải có kiến thức, kỹ năng thực tế tốt và biết cách xử lý tình huống xảy ra trong quá trình làm việc”.

Ông Quang dẫn chứng: “Khi bạn nhận một tour, bạn phải bao quát được toàn bộ mắt xích như món ăn, chỗ ở, sức khoẻ, các địa điểm tham quan của khách hàng trong chuỗi hành trình đó. Chỉ cần một mắt xích trong chuỗi dịch vụ mà khách hàng sử dụng bị lỗi có thể đánh mất sự thiện cảm, cũng như những nỗ lực mà các bạn đã dày công xây dựng”.

Đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến các ngành nghề hiện nay trong đó có ngành Du lịch - dịch vụ, đây cũng là một thách thức lớn đối với sinh viên, người lao động.

“Đối với ngành du lịch nội địa ở Việt Nam sẽ cao điểm vào tháng 6 đến tháng 8, từ tháng 9 trở đi, chúng ta kỳ vọng vào lượng khách quốc tế. Tuy nhiên tác động khủng hoảng kinh tế dẫn đến lượng khách quốc tế đến không nhiều như kỳ vọng đồng nghĩa các công ty lữ hành, dịch vụ khách sạn sẽ phải có bài toán làm sao để tiết kiệm nhất.

Đó cũng là cơ hội và thách thức việc làm mà sinh viên ngành Dịch vụ - du lịch đối mặt hiện nay, đòi hỏi các bạn phải rèn luyện kỹ năng mềm, ngoại ngữ, tích luỹ kinh nghiệm để chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm cho bản thân”, ông Quang đưa ra lời khuyên.

Theo Tổng cục Du lịch: Năm 2023 du lịch Việt Nam đề ra mục tiêu đón 110 triệu khách du lịch, trong đó có khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỉ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ