Nguyễn Ngọc Trung đã chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại về quá trình thực hiện bài báo, những thuận lợi và khó khăn trong thời gian nghiên cứu khoa học cùng những dự định trong tương lai.
- Em có thể cho biết chủ đề, nội dung của bài báo vừa được công bố trên tạp chí Q1 Journal of Molecular Liquids?
Chủ đề và nội dung chính của bài báo là Chế tạo vật liệu hấp phụ mới trên cơ sở vật liệu nano nhôm oxit được biến tính bề mặt bằng polyme mang điện âm thân thiện môi trường polystyrene sulfonat (PSS) để tăng cao khả năng xử lý kháng sinh Ciprofloxacin, một trong những kháng sinh phổ biến thuộc họ Fluoroquinolone.
Công trình đã nghiên cứu hoàn chỉnh từ việc chế tạo, xác định đặc tính của vật liệu nano alpha nhôm oxit. Biến tính vật liệu bằng PSS. Tối ưu các điều kiện xử lý kháng sinh, đề xuất được cơ chế và áp dụng xử lý thử nghiệm nước thải bệnh viện đạt hiệu quả cao trên 75%.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng biến tính bề mặt vật liệu đóng vai trò quan trọng hơn so với cấu trúc vật liệu, chứng tỏ nghiên cứu hoàn toàn có thể phát triển sử dụng các vật liệu tự nhiên có chứa nhôm oxit để xử lý dư lượng kháng sinh trong môi trường nước.
Hiểu đơn giản chính là hoạt hóa, giúp tăng mật độ điện tích trên bề mặt nhằm xử lý các chất thải hữu cơ phân cực trong nước. Các phương pháp xử lý môi trường truyền thống (keo tụ, xử lý sinh học) thường không hiệu quả trong việc loại bỏ các hợp chất phân cực trong nước thải.
- Em có thể chia sẻ quá trình nghiên cứu để hoàn thành bài báo này?
Bài báo là kết quả quá trình nghiên cứu trong khoảng 2 năm kể từ thời điểm em kết thúc năm thứ hai tại Đại học. Lúc bắt đầu làm việc tại phòng thí nghiệm của thầy Phạm Tiến Đức (Bộ môn Hoá Phân tích, Khoa Hoá học, Trường Đại học KHTN, ĐHQG HN).
Trước khi bắt tay vào làm đề tài cho bài báo này, thầy đã giao nhiệm vụ cho em cần đọc hiểu, phân tích một số tài liệu, bài báo chuyên ngành liên quan đến hướng nghiên cứu em dự định làm.
Số lượng bài báo em đã đọc tuy không quá nhiều (cỡ 10 bài) nhưng sự khác biệt giữa việc đọc, dịch được nội dung và việc hiểu ý nghĩa, cách tiến hàng thí nghiệm trong các bài báo là không nhỏ.
Ngoài việc đọc các bài báo khoa học, em cũng đã xin được tham khảo luận văn tốt nghiệp của các anh chị đi trước, những người đã thực hiện các nghiên cứu về hấp phụ xử lý chất thải.
- Em đã gặp những khó khăn nào và khắc phục ra sao?
Thời gian đầu, em gặp khó khăn trong việc đọc các bài báo khoa học vốn bao gồm nhiều từ vựng chuyên ngành khó và cũng cảm thấy bối rối trong việc trả lời các câu hỏi như mình sẽ làm các bước như thế nào, thiết kế thí nghiệm ra sao, mình có những công cụ, phương pháp nào để làm.
May mắn là em có một “tổ ấm” để nghiên cứu, học hỏi. Đó chính là phòng thí nghiệm, nơi có thầy giáo, có các chị là sinh viên, học viên của thầy cùng tham gia nghiên cứu. Em được các chị chỉ bảo, không biết đến đâu, hỏi đến đấy. Thầy cũng giám sát, hỗ trợ, chỉ bảo bất cứ lúc nào em cần.
Viết báo cáo cũng không dễ dàng chút nào, nhất là khi làm thí nghiệm nhiều lần mà kết quả, số liệu thu được thường xuyên lặp lại kém ổn định, không như kì vọng hoặc thất bại nên lại phải tiếp tục làm lại.
Dần dần các kết quả thí nghiệm em làm ra cũng khả quan hơn, tiếp thêm chút niềm vui và động lực để em có thể tiếp tục làm nghiên cứu mặc dù đôi khi phải làm việc với cường độ cao và trở về nhà lúc tối muộn.
- Ngoài thời gian học, nghiên cứu, em thường làm gì?
Thỉnh thoảng em nghe nhạc, đọc sách để thư giãn, cân bằng cuộc sống. Đặc biệt, em thích chơi bóng đá và các môn thể thao khác để rèn luyện sức khoẻ và quan trọng giúp tinh thần em cảm thấy thoải mái hơn sau một ngày học tập, làm việc liên tục. Em đã từng tham gia đội tuyển trường thi đấu một số giải bóng đá.
Em nghĩ điểm mạnh của bản thân là có thể dễ thích nghi với môi trường mới mặc dù lúc đầu không thể tránh khỏi những khó khăn. Bên cạnh đó, em còn có một sự tò mò nhất định với các môn thuộc ngành khoa học tự nhiên nên luôn thích được khám phá những lĩnh vực khác nhau của ngành.
Ngoài ra, vì là người có kế hoạch và muốn có sự thành công nhất định nên khi muốn theo đuổi một điều gì đó, em luôn đặt mục tiêu, tìm hiểu phương pháp, làm việc chăm chỉ, phấn đấu từng chút một cho tới khi đạt được mục tiêu đã đề ra.
- Em có dự định gì sau khi tốt nghiệp?
Em muốn được theo học Thạc sĩ/Tiến sĩ tại một trường đại học ở nước ngoài. Điều này em đã ấp ủ từ lâu vì em nghĩ rằng môi trường học tập ở nước ngoài sẽ cho em phát triển khả năng của bản thân cũng như cách nhìn nhận vấn đề, trải nghiệm về cuộc sống sẽ phong phú, sâu sắc hơn.
Lĩnh vực em muốn theo đuổi là nghiên cứu, phát triển các loại vật liệu mới để ứng dụng trong các lĩnh vực môi trường và năng lượng – những vấn đề cấp thiệt cho nhân loại trong thập kỉ mới này.
Để chuẩn bị cho dự định của mình, em nghĩ là cần phải có cả kiến thức chuyên ngành và các kĩ năng mềm để hoà nhập với cộng đồng, thích nghi với môi trường học tập. Khả năng ngoại ngữ đặc biệt quan trọng, vì thế, em luôn tận dụng cơ hội và môi trường để rèn luyện thêm khả năng sử dụng ngoại ngữ.