Zing trích dịch bài đăng trên New York Times, đề cập đến xu hướng lựa chọn nơi ở của sinh viên Mỹ khi nhiều trường chuyển sang hình thức dạy trực tuyến.
Khi học kỳ mùa thu bắt đầu, sinh viên Mỹ có nhiều sự lựa chọn cho bản thân: tham gia lớp học trực tuyến tại nhà hoặc sống trong khuôn viên trường đại học. Ngoài 2 xu hướng trên, một số khác đang theo đuổi lựa chọn thứ 3 là thuê nhà có diện tích lớn để sống cùng bạn bè.
Đa số sinh viên chọn cách thứ 3 đều đến từ các trường đại học hàng đầu của xứ cờ hoa như Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Columbia, Harvard, Yale... Nhóm này thường chọn những ngôi nhà lớn ở Hawaii, Ore, Montana cho học kỳ tiếp theo.
Những ngôi nhà này có quy mô đa dạng, nội thất xa hoa, đắt tiền, trang bị đủ các thiết bị thông minh nhưng vẫn vừa túi tiền với sinh viên không có điều kiện kinh tế tốt.
Erik Boesen (19 tuổi), sinh viên năm 2 tại ĐH Yale, đang sống tại Durango cùng những người bạn chung trường, chia sẻ: “Lý do những người trẻ bị thu hút bởi lựa chọn này là vì họ muốn có thêm trải nghiệm mới. Mọi người dường như bị nhốt trong nhà quá lâu nên chúng tôi muốn làm điều gì đó độc đáo một chút”.
Một số sinh viên giải thích lý do chọn sống ngoài khuôn viên trường học là để thoát khỏi sự kiểm soát của gia đình nhưng vẫn không bỏ lỡ những trải nghiệm quý giá thời đại học.
Xây dựng ngôi nhà mơ ước
Được sống và làm việc cùng bạn bè trong một ngôi nhà đồ sộ là mơ ước của nhiều bạn trẻ.
Ngoài ra, việc rời khỏi ký túc xá cũng là một cột mốc quan trọng. Họ xem đây là cách để khẳng định sự độc lập của bản thân.
Yoni Altman-Shafer (20 tuổi), sinh viên năm 2 tại ĐH George Washington, nhận được thông báo tất cả lớp học của anh sẽ chuyển sang hình thức trực tuyến vào học kỳ tới.
Viễn cảnh bị nhốt trong một khu ký túc xá nhỏ ở giữa thủ đô Washington khiến Altman-Shafer cảm thấy chán nản. Nhưng anh không muốn về quê và trải qua thêm một năm mắc kẹt ở nhà với bố mẹ.
“Hầu hết sinh viên đại học đều không muốn ở nhà nữa”, Altman-Shafer nói.
Vì vậy, Altman-Shafer và 5 người bạn của mình đã nhanh chóng lên kế hoạch. Họ sẽ thuê một ngôi nhà lớn ở nơi nào đó có đủ các yếu tố “mạo hiểm, đẹp, ấm áp và quan trọng nhất là giá rẻ”.
Nhóm đã tập hợp tất cả lợi ích trong một bản PowerPoint để thuyết phục gia đình đồng ý. Đồng thời, họ còn đưa ra phương án giải quyết cho những mối quan tâm của bố mẹ. Chẳng hạn như việc lên kế hoạch ăn uống, tuân thủ các biện pháp phòng dịch, hoàn thành bài tập ở trường và tổ chức ngày lễ quan trọng của người Do Thái.
“Con cái của quý vị sẽ sống tốt khi ở cùng bạn bè trong một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi mà vẫn đảm bảo được việc học. Ở đây có cảnh đẹp, không gian thoải mái, được trang bị wifi và những thứ họ cần”, bản PowerPoint ghi.
Chọn nơi xa nhà, có phong cảnh đẹp
Phần lớn sinh viên đều tìm nhà thông qua Airbnb, nơi có nhiều chủ sở hữu đang giảm giá mạnh cho các kỳ nghỉ dài hạn.
Bang Utah là một trong những điểm tập trung nhiều ngôi nhà chung dành cho giới trẻ. Đa số sinh viên đổ xô đến khu vực này đều mang hy vọng sẽ tìm được một căn nhà có thể tận dụng được khu vực ngoài trời.
“Nhà của tôi có 8 người. Xung quanh đó cũng có rất nhiều nhóm sinh viên”, Lucas Igel, sinh viên năm nhất trường M.I.T, nói.
Sinh viên xuất thân từ gia đình khá giả chi nhiều tiền hơn cho những ngôi nhà đắt đỏ ở các khu nghỉ mát hàng đầu nước Mỹ như Lake Tahoe, California, Aspen, Colo. Đối với sinh viên có thu nhập thấp, thuê nhà giá rẻ là một cách để tiết kiệm tiền.
“Chi phí là một yếu tố được cân nhắc kỹ lưỡng vì nhiều người trong số chúng tôi thuộc diện hỗ trợ tài chính”, Phillip Pyle (20 tuổi), sinh viên năm nhất tại Đại học Williams, đang lên kế hoạch thuê nhà cùng 6 người bạn ở Maine hoặc Massachusetts, nói.
Nhiều sinh viên xem những năm xa nhà là cơ hội để tận hưởng cuộc sống mơ ước. Một số khác sống ở ngoại ô thì có xu hướng chuyển vào các thành phố, siêu đô thị như New York, Chicago.
Làng đại học cũng là một điểm đến lý tưởng. Myrha Qadir (21 tuổi) và 4 sinh viên khác đến từ ĐH Princeton đã thuê một ngôi nhà lớn ở Chapel Hill cho học kỳ sắp tới.
“Chúng tôi tìm kiếm một nơi nào đó có phong cảnh đẹp như bãi biển hoặc đồi núi nhưng cuối cùng lại quyết định ‘hạ cánh’ tại Chapel Hill vì muốn sống trong làng đại học, mặc dù xung quanh đó không có trường của chúng tôi”, Qadir nói.
Để đảm bảo an toàn cho những thành viên trong nhà và hàng xóm, nhiều nhóm sinh viên tự đặt ra những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, tuân thủ tự cách ly 2 tuần sau khi chuyển đến nơi ở.
Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ, đã có hơn 26.000 ca nhiễm đến từ các trường đại học, cao đẳng. Một số ngôi nhà tập thể đã lập kế hoạch chi tiết nếu một thành viên bị ốm.
Anika Beamer (19 tuổi, sống tại Grinnell) - vừa tốt nghiệp trung học - nói rằng việc tự thu xếp cuộc sống mới ở Utah khiến cô cảm thấy tràn đầy hy vọng.
"Chúng tôi biết là kế hoạch này có chút điên rồ, nhưng hiện tại có điều gì mà không cần mạo hiểm chứ? Cuộc sống của chúng tôi đã bị xáo trộn, nhưng tôi hy vọng sẽ tìm thấy sự thoải mái và một chút phiêu lưu", Anika Beamer kết luận.