Một tuần một lần, Rayana Plancarte, sinh viên năm hai tại khu vực Stanislaus (California, Mỹ), lại tìm đến phòng dự trữ đồ ăn được đặt trong khuôn viên trường để lấy những món ăn thiết yếu.
“Đôi khi, tôi không thực sự đủ tiền để mua đồ ở tiệm tạp hóa. Nếu không ăn đủ, tôi khó giữ nổi sức tham gia đội bóng đá của trường”, cô gái cho biết.
Rayana không hề cô đơn. Tại khu vực nơi cô học, cứ 4 sinh viên thì có 1 người phải giảm khẩu phần ăn hoặc bỏ bữa vì không có đủ tiền để mua thực phẩm.
Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu Wisconsin Hope Lab, có đến 36% số sinh viên tại xứ cờ hoa không đủ tiền để trang trải tiền ăn uống mỗi ngày.
Hiện tại, ngôi trường Rayana theo học đã lên kế hoạch mở cửa phòng dự trữ đồ ăn cho sinh viên suốt cả tuần, với các món khô và ăn liền. Ban giám hiệu cũng định trang bị thêm tủ lạnh, tủ đông đựng thực phẩm cho khu canteen.
Ăn bữa nay lo bữa mai
Justice Butler, sinh viên năm hai tại Cao đằng Cộng đồng Houston, cũng chật vật mỗi ngày để lấp đầy chiếc bụng đói. Với số tiền eo hẹp, Justice chọn vừa học vừa làm nhằm trang trải các chi phí đắt đỏ ở đại học.
Khó khăn càng chồng chất khi Justice mất việc làm thêm, tình thế đẩy cô gái trẻ vào tình trạng vô gia cư và nghèo đói. Có thời điểm, cô sống lay lắt trên đường phố với vài đồng tiền lẻ trong túi.
“Không được ăn uống đầy đủ khiến cuộc sống càng mệt mỏi hơn. Tôi kiệt sức và không thể tập trung vào chuyện học hành”, Justice nhớ lại.
Học phí đắt đỏ, sinh viên Mỹ nhịn đói, bỏ bữa để có tiền trang trải-1Chi phí sinh hoạt đắt đỏ buộc nhiều sinh viên Mỹ phải nhịn ăn, bỏ bữa để tiết kiệm. Ảnh: The Atlantic.
Nhờ một người bạn giúp đỡ, cô gái quay trở lại trường học, song tình hình vẫn không dễ dàng hơn. Justice lấy lại được số cân nặng ban đầu dù cảm giác ăn ngon khó quay lại như trước.
“Tôi đang học cách ăn uống sao cho có lợi cho sức khỏe. Sự thiếu thốn ở quãng thời gian túng thiếu dường như làm dạ dày co lại, khiến tôi khó ăn được nhiều”, Justice chia sẻ.
Để tiết kiệm, cô gái liên tục theo dõi các sự kiện cung cấp thức ăn miễn phí và chia sẻ thông tin này với các sinh viên vô gia cư hoặc sống trong cảnh đói khát khác.
May mắn hơn các bạn đồng trang lứa, Sierra (Brooklyn, New York) được nhận học bổng của chính phủ và dễ dàng nhập học vào Đại học Công nghệ New York.
Tuy nhiên, để kiếm đủ tiền mua thức ăn và trang trải các chi phí cơ bản khác, Sierra buộc phải làm nhiều công việc khác nhau. Bận rộn đi làm, cô cũng cắt giảm một nửa số lượng lớp học đăng ký trong học kỳ.
“Tôi chẳng hề thích thú gì khi phải làm thế. Nhưng giữa việc phải bỏ lỡ một số lớp để đi làm với sự căng thẳng không biết ngày mai mình sẽ ngủ ở đâu hay bữa ăn tiếp theo có gì khiến tôi buộc phải lựa chọn vậy”, cô gái bộc bạch.
Hoàn cảnh hiện tại khác xa những gì Sierra từng mường tượng khi cô lên kế hoạch học đại học. Ban đầu, cô gái đã hy vọng chuyển đến một trường ở ngoại ô, song điều kiện gia đình không cho phép cô tự do theo đuổi mơ ước.
Thầy cô ra tay cứu giúp
Nắm rõ hơn ai hết tình trạng người trẻ phải “thắt lưng buộc bụng” đến mức nhịn đói, Cherie Taylor thường xuyên phải ra tay giúp đỡ những sinh viên đang ở độ tuổi 20.
Là một cố vấn cho các chương trình việc làm tại Cao đẳng San Diego, Cherie tiếp xúc, trò chuyện với sinh viên mỗi ngày.
“Không hiếm trường hợp các bạn trẻ tìm đến trong trạng thái đói đến mức họ sẽ hỏi tôi về quả táo tôi vừa cắn dở. Bụng của họ sôi lên, còn đầu óc thì quay cuồng. Chả còn cách nào khác, tôi phải kiếm cho họ cái gì đó để bỏ vào bụng”, Cherie kể lại.
Thầy cô và nhiều trường học buộc phải ra tay trợ giúp sinh viên với các bữa ăn miễn phí. Ảnh: Market Watch.
Hỏi thăm xung quanh, người cố vấn nhận thấy không ít câu chuyện tương tự xảy ra. Nhiều đồng nghiệp của cô thường xuyên phải cho sinh viên 5 USD để mua bữa trưa, bữa tối.
“Khi thấy các nhân viên trong trường tụ họp bên bàn ăn, nhiều người trẻ xung quanh bắt đầu nhìn với ánh mắt thèm thuồng”, Cherie nhớ lại.
“Trong khi nhu cầu ăn uống của những người đang ở ngưỡng tuổi 20 rất lớn, các sinh viên này lại không có đủ tiền mua thức ăn. Vậy nên, tôi quyết định giúp đỡ họ”, Cherie nói.
Các chương trình phát đồ ăn miễn phí do Cherie tổ chức dần xuất hiện tại các trường học ở bang Florida, Oregon, phần nào cải thiện tình trạng thiếu dinh dưỡng trầm trọng của những con người đang ở bậc đại học.
Bữa ăn miễn phí bao gồm một số loại thực phẩm chứa protein, trái cây, một chai nước và vài món ăn nhẹ.
Trung bình một ngày, có khoảng 10 bữa trưa được phát. Do nguồn lực hạn chế, sinh viên chỉ có thể tận dụng dịch vụ ăn trưa một lần một tuần, nghĩa là khoảng 50 người được sử dụng chương trình mỗi tuần.
Hàng triệu sinh viên phải nhịn đói mỗi ngày
Không đưa ra con số chính xác, song báo cáo mới nhất của chính phủ Mỹ cảnh báo khả năng hàng triệu sinh viên Mỹ đang trong tình trạng ăn uống thiếu thốn mỗi ngày.
Gần 50% học sinh tại 100 trường học trên khắp nước Mỹ không đủ khả năng ăn một bữa đầy đặn và 35% bỏ bữa hoàn toàn vì không đủ tiền mua thực phẩm, theo khảo sát của nhóm nghiên cứu tại Đại học Temple.
Theo các chuyên gia, nhóm người trẻ đang ngồi trên giảng đường là đối tượng dễ lâm vào cảnh thiếu thốn đồ ăn nhất vì nhiều người đang phải tiêu hầu hết khoản tiền cho các chi phí về tiền học, nhà ở.
22% số sinh viên được hỏi cho biết họ gặp rắc rối tài chính cả về tiền ăn lẫn tiền thuê nhà.
Sinh viên thường xuyên nhịn ăn, bỏ bữa khiến kết quả học tập giảm sút không ít. Ảnh: CNBC.
Công việc bán thời gian chỉ đem lại đồng lương ít ỏi, phụ huynh cũng không thể trợ giúp gì hơn. Mặt khác, nhiều trường học còn tăng mức học phí khiến vấn đề càng khó giải quyết.
Chưa kể, mức độ cạnh tranh việc làm gay gắt khiến duy trì một công việc ổn định càng khốc liệt hơn với giới trẻ xứ cờ hoa.
Việc liên tục lo lắng về tình trạng thiếu chỗ ở và đồ ăn ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập của người trẻ.
Một nghiên cứu tại Đại học Florida chỉ ra sinh viên sống trong cảnh túng thiếu có xu hướng nhận điểm dưới mức trung bình nhiều hơn những người chỉ cần tập trung cho việc học.
Không hiếm các trường hợp người trẻ chọn hoãn tốt nghiệp, dẫn đến chính họ lại mang thêm một khoản nợ khác nếu muốn hoàn thành việc học. Trong một số tình huống, sinh viên buộc phải bỏ học, bắt đầu đi làm để trả các khoản vay từ trước mà vẫn không có trong tay bằng cấp nào.
Tháng 7 vừa qua, trong nỗ lực cải thiện vấn đề, một dự luật mới đã được chính quyền bang Connecticut thông qua, với nội dung chính là các cơ quan có thẩm quyền cần thu nhập dữ liệu về tình trạng thiếu thốn lương thực và chỗ ở của sinh viên.
“Việc điều tra thông tin có vai trò quan trọng, giúp những người làm chính sách xác định vấn đề xảy ra ở đâu và cách thức hữu hiệu nào cẩn triển khai. Bộ trưởng Bộ Giáo dục cũng được chỉ đạo làm việc với các cơ quan liên bang để tiếp cận với những sinh viên có đủ điều kiện nhận trợ cấp”, thống đốc bang Chris Murphy phát biểu.
“Sinh viên cũng không thể chỉ dựa vào sự hào phóng của các chương trình phát đồ ăn miễn phí nhằm duy trì việc học. Chúng ta cần ưu tiên giải quyết các rào cản mang tính hệ thống để người trẻ có điều kiện lấy bằng đại học”, ông Murphy nói thêm.