Nhiều sinh viên Mỹ không nộp đơn hỗ trợ tài chính: Không chỉ là nhận thức cá nhân

GD&TĐ - Có tới một phần tư HS trung học không hoàn thành Đơn xin Trợ cấp SV liên bang miễn phí (FAFSA), khi đăng ký hồ sơ vào ĐH. Đây là mẫu đơn xin hỗ trợ tài chính tự động, được coi là một phần không thể thiếu trong việc tiếp cận ĐH tại Mỹ - nơi có mức chi trả học ĐH đắt đỏ hàng đầu thế giới.

Có nhiều nguyên nhân khiến một phần tư HS trung học Mỹ không hoàn thành FAFSA, dù nó rất quan trọng trong việc tiếp cận GD ĐH
Có nhiều nguyên nhân khiến một phần tư HS trung học Mỹ không hoàn thành FAFSA, dù nó rất quan trọng trong việc tiếp cận GD ĐH

“Sự thờ ơ đáng ngạc nhiên”

Theo quy định của luật pháp Mỹ, ngay cả khi SV không có kế hoạch vay tiền từ chính quyền liên bang để chi trả học phí ĐH (vốn là một khoản chi nặng gánh đối với ngay cả những gia đình trung lưu), việc hoàn thành FAFSA trước đó (khi nộp hồ sơ vào ĐH) sẽ giúp họ được tự động xem xét các loại viện trợ, trợ cấp và học bổng được cung cấp bởi các tiểu bang, tổ chức và nhà tài trợ tư nhân.

Những ưu đãi đó khiến FAFSA trở thành một phần không thể thiếu trong việc tiếp cận GD ĐH đối với bất cứ SV nào, kể cả khi họ xuất thân từ gia đình khá giả. Thế nhưng, có tới một phần tư SV ĐH ở Mỹ không quan tâm đến vấn đề này, theo báo cáo từ Trung tâm Thống kê GD quốc gia (NCES) - một cơ quan nghiên cứu của Bộ GD Hoa Kỳ.

“Việc điền vào FAFSA, đưa ra các đề xuất cụ thể và xin hỗ trợ tài chính, nói chung là một trong nhiều bước quan trọng mà SV có thể thực hiện trong quá trình chuyển đổi từ GD trung học sang GD ĐH” - báo cáo của NCES kết luận - “Thế nhưng, những thách thức với các cân nhắc hỗ trợ tài chính, bên cạnh hàng loạt rào cản khác, có thể làm giảm khả năng tiếp cận GD ĐH của người học”. 

Báo cáo của NCES cũng tìm cách lý giải sự thờ ơ đáng ngạc nhiên về tài chính này, đặc biệt ở một xã hội hết sức thực dụng như Mỹ. Báo cáo nhận ra nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ nhận thức của người học, khi rất nhiều người không tin mình đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính; một số khác cho rằng các hình thức và quy trình nộp đơn quá nặng nề; ngoài ra còn có một bộ phận lại lo ngại về vấn đề nợ nần đối với chính phủ.

NCES cũng chỉ ra tỷ lệ hoàn thành FAFSA thay đổi theo chủng tộc và tình trạng kinh tế của người học: Tỷ lệ hoàn thành cao hơn ở HS da đen so với HS da trắng; tương tự với số HS có cha mẹ trình độ học vấn thấp hơn so với HS có cha mẹ trình độ học vấn cao hơn. HS trường công cũng có tỷ lệ hoàn thành cao hơn so với HS trường tư.

Rào cản tài chính

Báo cáo sử dụng dữ liệu từ bản cập nhật năm 2013, trên cơ sở các kết quả nghiên cứu được triển khai từ mùa thu năm 2009 về HS đang học lớp 9 trong năm này. Bản cập nhật được thực hiện vào mùa hè và mùa thu năm 2013, khi phần lớn HS nói trên đã tốt nghiệp trung học, bắt đầu bước vào ĐH.

Nhìn chung, trong số các SV này, 65% báo cáo hoàn thành FAFSA, 24% không thực hiện. Sự chênh lệch khá rõ rệt theo điều kiện kinh tế. Khoảng 29% đến từ các gia đình thu nhập thấp không hoàn thành FAFSA, so với 23% từ gia đình trung lưu và 22% là con nhà giàu.

Trong số những SV báo cáo không hoàn thành FAFSA, 33% nghĩ rằng bản thân hoặc gia đình có đủ khả năng chi trả cho việc học tập mà không cần thêm sự hỗ trợ. 32% nghĩ rằng có thể sẽ không đủ điều kiện để được nhận hỗ trợ tài chính (do vấn đề cá nhân hay gia đình). 28% cho biết không muốn vướng vào nợ nần với chính phủ (vốn sẽ rất phức tạp và mang nhiều hệ lụy đối với sự nghiệp nếu không giải quyết đúng hạn).

Đối với những SV báo cáo không điền đơn vì nghĩ rằng có thể sẽ không đủ điều kiện để được nhận hỗ trợ tài chính, 62% cho biết nguyên nhân là thu nhập của gia đình quá cao.

Đi sâu vào những vấn đề cụ thể theo chủng tộc, NCES nhận thấy 34% SV gốc Tây Ban Nha và 27% SV da đen không hoàn thành FAFSA, chủ yếu là do người học hoặc gia đình họ không có đủ thông tin về cách hoàn thành đơn; trong khi đối với SV da trắng, tỷ lệ này chỉ là 18%.

Rắc rối thủ tục

Đáng chú ý, có 23% trong số những người không điền đơn nói rằng, họ không có đủ thông tin về cách hoàn thành biểu mẫu; 15% cho biết họ không chắc chắn về cách hoàn thành đơn; 9% nghĩ rằng các biểu mẫu quá nhiêu khê hoặc quá tốn thời gian để thực hiện. Cả ba phản ánh này đều là những vấn đề lớn của FAFSA mà các nhà lập pháp ở cấp liên bang đã cố gắng giải quyết, nhưng xem ra vẫn chưa triệt để.

Những rắc rối trên cũng là lý do mà dù mỗi năm có hàng trăm triệu đô la (theo một con số ước tính độc lập, số tiền này thậm chí hơn một tỷ đô la) được cung cấp để hỗ trợ học tập, viện trợ SV và cấp học bổng, nhưng không được công bố cụ thể. Các nhà lập pháp cũng như các quan chức cấp liên bang đã cố gắng giải quyết những bất cập này trong nhiều năm qua. Gần đây nhất, họ đã đơn giản hóa biểu mẫu của FAFSA, giản lược hơn và ra mắt phiên bản ứng dụng di động, cho phép việc đăng ký qua điện thoại cá nhân.

Các báo cáo của NCES chỉ ra số liệu một phần tư HS trung học không hoàn thành FASFA trước khi vào ĐH; đồng thời phân tích những nguyên nhân dẫn đến điều này, như đã nêu cụ thể ở trên. Thế nhưng, con số ấy cũng chỉ ra một thực tế quan trọng khác mà NCES muốn nhấn mạnh: Thái độ của HS trung học Mỹ hiện nay đối với số tiền phải bỏ ra để học ĐH: 25% HS đang học lớp 9 ở năm học 2009 - 2010 cho rằng học phí ĐH quá cao; tỷ lệ tăng lên 33% khi HS lên lớp 11.

Theo US.News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ