Sinh viên hỏi xoáy, “Giáo sư Xoay” đáp...không xoay!

GD&TĐ - GS Xoay Đinh Tiến Dũng đã nhắn nhủ những lời chân tình tới các học sinh, sinh viên trong talkshow “Sinh viên với mạng xã hội” được tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội Tân sinh viên 2015 sáng nay (17/10) tại Hà Nội.

GS Xoay Đinh Tiến Dũng và nhà văn Phong Điệp trong talkshow "Sinh viên với mạng xã hội"
GS Xoay Đinh Tiến Dũng và nhà văn Phong Điệp trong talkshow "Sinh viên với mạng xã hội"
  • Anh Đinh Tiến Dũng là một gương mặt quen thuộc với các bạn trẻ qua chương trình Hỏi xoáy Đáp xoay. Cùng nữ nhà văn Phong Điệp, cả hai đã có những chia sẻ chân tình về việc sử dụng mạng xã hội (MXH) của giới trẻ hiện nay.

  • Dùng mạng xã hội như dùng... dao

Hai diễn giả cùng chia sẻ ý kiến: MXH ngày nay, đặc biệt là Facebook, chiếm một phần quan trọng trong cuộc sống của các bạn trẻ hiện nay. Các bạn trẻ sử dụng MXH với mục đích mở rộng quan hệ, kết bạn, kinh doanh… 

Nhà văn Phong Điệp cho rằng: Các bạn trẻ đang dùng MXH như dùng một con dao, nó có thể giúp ích cho bạn, nhưng cũng có thể làm cho bạn đứt tay.

Đồng tình với ý kiến này, anh Đinh Tiến Dũng cũng chia sẻ: “ Sự phát triển của MXH đã làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên trong suốt. Các bạn có thể ngồi một chỗ cũng có thể biết người khác đang làm gì, ăn gì, đi đâu. 

Bản thân các bạn, với chiếc điện thoại, cũng có thể chụp ảnh, quay phim mọi lúc mọi nơi, rồi tung lên trang Facebook cá nhân. Nó tạo cho các bạn một quyền lực “ảo” để phán xét, định đoạt chuyện của người khác. 

Điều này thời gian qua đã gây ra một số hậu quả đau xót, ví dụ như chuyện một cô bé tự tử vì bị bạn bè chê bai trên Facebook. Tôi thấy rằng, nhiều bạn trẻ đang tự cắt sâu vào tay mình với “con dao” MXH”.

Anh Đinh Tiến Dũng trả lời câu hỏi của sinh viên
 Anh Đinh Tiến Dũng trả lời câu hỏi của sinh viên

Đừng hóa đàn vịt lạch bạch chạy theo rổ ngô

Với việc sử dụng MXH như vậy, các bạn trẻ đang ngày càng trở nên thụ động, thiếu sáng tạo, chỉ quen với việc tiếp nhận thông tin. Anh Dũng kể một câu chuyện: 

“Có lần tôi đi dạy lớp viết kịch bản cho các bạn không chuyên, tôi vẽ ra một khung cảnh: Buổi chiều nắng vàng, hàng cây đang chuyển sang thu có đôi chỗ lá đỏ, không khí se lạnh. Tôi hỏi các bạn học viên: Cô gái đứng cạnh khung cửa sổ ở một ngôi nhà ven đường mặc áo màu gì, thì không ai biết. 

Điều đó cho thấy kỹ thuật tưởng tượng của các bạn gần như không có, do các bạn không quen tiếp nhận cái mới, chỉ tiếp nhận những cái đã có. 

Các bạn lướt qua các thông tin trên Facebook một cách vô thức, và cuối ngày thì gần như không còn gì đọng lại trong đầu của các bạn. Điều này rất lãng phí cho tuổi trẻ”.

Ngay cả cách tiếp nhận thông tin của các bạn trẻ bây giờ cũng khá hỗn loạn. Các bạn có thể lao vào bấm “like” cho một bức ảnh, hoặc hùa vào chửi bới, xỉa xói một người nào đó trên MXH, mà không hề biết câu chuyện thực sự phía sau là gì. Các bạn gần như bị “dắt mũi” bởi những người tung thông tin đó ra. 

Anh Đinh Tiến Dũng đưa ra một hình ảnh ví von: “Các bạn lúc đó giống như một đàn vịt, người tung thông tin thì cầm một rổ ngô, họ tung ngô về phía nào thì các bạn chạy về phía đó. 

Các bạn nghĩ rằng mình like hay bình luận như vậy là mình cập nhật, thức thời, nhưng chính hành động của các bạn lại đem lại lợi nhuận cho những người tung thông tin”.

Đông đảo sinh viên tham dự buổi giao lưu
 Đông đảo sinh viên tham dự buổi giao lưu

Không trồng được hoa thì cũng đừng vứt chất thải ra đường!

Tuy nêu ra khá nhiều mặt tiêu cực như trên nhưng anh Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận MXH cũng có nhiều mặt lợi, như chia sẻ các kiến thức miễn phí, tìm lại những người bạn lâu năm không gặp, trao đổi mua bán đồ đạc dễ dàng… 

Tuy nhiên, để phát huy được các mặt lợi, anh Dũng khuyên các bạn trẻ cần hết sức tỉnh táo và có trách nhiệm với các hành động của mình khi sử dụng MXH.

Kết thúc buổi talkshow, “Giáo sư Xoay” đã có một đúc kết đáng giá gửi tới các bạn học sinh, sinh viên: “Mỗi ngày bạn mở cửa ra, có hoa thơm và những chất thải trước nhà bạn. Bạn mang gì vào nhà là sự lựa chọn của bạn. Nếu được, hãy trồng nhiều hoa thơm cho đời và mang nó tới nhà người khác. Nếu không thì ít nhất bạn cũng đừng vứt chất thải ra ngoài đường”.

Hỏi xoáy - Đáp... không xoay
SV ĐH Thủy lợi: “Anh chị định nghĩa thế nào là một người sống ảo?”
Anh Đinh Tiến Dũng: “Nếu bạn ngoài đời thực và bạn trên MXH gần giống thì không sao, còn nếu bạn kỳ công xây dựng một con người trên MXH với hoàn cảnh, tính cách hoàn toàn khác so với bạn ngoài đời thật, và chính bạn không phân biệt được thế nào là ảo nữa, thì đó chứng tỏ là bạn đã sống ảo”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ