Xét trên giới tính, tỷ lệ nam sinh viên chơi tiền điện tử cao hơn nữ sinh. 3 nguyên nhân chính khiến sinh viên Hàn Quốc tham gia vào “canh bạc” tiền ảo: Ít tiền (25,2%), tin tưởng (52,9%) và ảo vọng (15,1%).
60% thua lỗ
Tiền điện tử hay tiền ảo là tiền kỹ thuật số, được phát hành và quản lý bởi phần mềm công nghệ, chỉ có giá trị trong phạm vi cộng đồng có chung sự đồng thuận. Bên ngoài phạm vi này, nó không có giá trị về mặt tài chính. Nói cách khác, tiền ảo không có giá trị nội tại.
Tại Hàn Quốc, cơn sốt đầu tư tiền ảo bắt đầu từ năm 2017. Đa phần người chơi là Thế hệ Y (1981 - 1996) và Gen Z (1997 - 2012). Vào tháng 4/2021, Hàn Quốc lập bảng thống kê số lượng người chơi tiền ảo theo độ tuổi. Họ kinh hoàng nhận thấy, 60% thuộc nhóm tuổi từ 20 - 30. Tính ra, cứ trong 10 người “đánh bạc” với tiền ảo thì có tới 6 người là thanh niên.
Từ ngày 17 - 19/5/2021, nền tảng cung cấp thông tin việc làm bán thời gian Alba Heaven ở Hàn Quốc tiến hành khảo sát trên 1.750 sinh viên. Họ nhận được kết quả gây chấn động: 1/4 “nướng” hết tiền lương làm thêm vào đầu tư tiền ảo.
Tiền ảo không giới hạn số lượng ít nhất có thể mua, nên hầu hết các sinh viên đều đủ khả năng tài chính để bắt đầu từ khoản chơi nhỏ. Vì thế chỉ cần muốn, họ đều có thể chơi.
Tuy dễ chơi, tiền ảo đích thực là canh bạc, lắm người thua hơn kẻ thắng. Cũng theo kết quả khảo sát từ Alba Heaven, có tới 60% sinh viên chơi bị thua lỗ. Trung bình, khoản tiền bị thất thoát của họ là 740.000 won/người (khoảng 15 triệu đồng).
Vẫn “cược tất”
Trong số các sinh viên chơi tiền điện tử, trung bình mỗi người đang đầu tư khoảng 1,41 triệu won (khoảng 29 triệu đồng). 2/3 nguồn đầu tư tiền ảo của sinh viên đến từ tiền làm thêm, do đầu tắt mặt tối làm bán thời gian kiếm được. 1/3 còn lại từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có một nửa là xin cha mẹ.
Vào năm 2018, Hàn Quốc chứng kiến sự bùng nổ của tiền ảo và hàng loạt người chơi thành đạt. Nhờ đầu tư đúng loại tiền gia tăng, họ đột ngột đổi đời, từ “chân đất” lên thành tỷ phú.
Tuy nhiên, vừa bước sang năm 2019, thị trường tiền ảo Hàn Quốc tuột dốc thê thảm. Ước tính, trên 70% người chơi rơi vào tình trạng thua lỗ, nhiều người thua nghiêm trọng tới mức trắng tay.
Sau khi Hàn Quốc bị Covid-19 tấn công, thị trường tiền điện tử càng ảm đạm. Thế nhưng đột ngột, nó trỗi dậy và phồng to đến mức chính phủ lo sợ nguy cơ vỡ bong bóng.
Quay trở lại với 3 nguyên nhân khiến sinh viên Hàn Quốc phát sốt vì tiền điện tử, họ tuyên bố “cảm thấy có niềm tin vào loại tiền tệ này”. Hàn Quốc là đất nước thịnh hành tiền điện tử thứ 3 toàn cầu, chỉ xếp sau Mỹ và Nhật Bản. Họ cũng nổi tiếng là đất nước có tốc độ đường truyền nhanh và phạm vi mạng Internet phủ rộng nhất hành tinh.
Tỷ lệ sinh viên Hàn Quốc sở hữu và sử dụng điện thoại thông minh là gần 100%. Họ thông thạo thanh toán, quét mã, mua nạp, đầu tư... thông minh thông qua đa dạng các ứng dụng tương ứng.
Nhờ sự thông thạo này, Hàn Quốc hoàn toàn tự tin bước vào thời đại không cần tiền mặt. Vào năm 2020, tỷ lệ thu hồi tiền giấy ở đây xuống thấp nhất mọi thời đại, với chỉ 40%.
Ngược lại, thanh toán “paycoin” (tiền điện tử do Tập đoàn Danal Fintech phát hành, cho phép sử dụng tại trên 70.000 cửa hàng khắp cả nước Hàn Quốc) gia tăng chóng mặt. Chỉ trong tháng 4/2021, ứng dụng Paycoin có thêm 1,5 triệu lượt tải.
Cũng trong năm 2020, trung bình lượng tiền điện tử được giao dịch toàn quốc lên đến 705,5 tỷ won/ngày (khoảng 14.400 tỷ đồng), tăng 32,7% so với năm 2019.
Giới trẻ Hàn Quốc nói chung và sinh viên Hàn Quốc nói riêng lạc quan tin tưởng, tiền điện tử là xu hướng và tương lai của tiền tệ. Họ chắc mẩm chỉ cần kiên trì theo đuổi, thế nào cũng có ngày lời to.
Nghiện và đổ bệnh
Trong số 40% sinh viên đầu tư tiền ảo thắng lợi, trung bình mỗi người lời được 1,67 triệu won (khoảng 34 triệu đổng). Chỉ cần nhìn vào những người này, sinh viên Hàn Quốc thua lỗ lại “vực dậy lòng tin”, tiếp tục dấn sâu vào canh bạc tiền ảo.
Nhiều người điên cuồng tới mức dốc luôn tài khoản tiết kiệm ra chơi. Hiện tại, cứ trong 10 sinh viên đầu tư tiền ảo ở Hàn Quốc thì có 1 người dùng tiền tiết kiệm tham gia.
Phải thừa nhận, đầu tư tiền điện tử là canh bạc nhanh, đã thắng là thắng gấp và thắng lớn. Như mọi kiểu bài bạc trên thế giới, nó hấp dẫn người chơi bằng hứa hẹn “mất 1 được 10”.
33% sinh viên Hàn Quốc thừa nhận, thích chơi tiền điện tử vì lợi tức cao. Nếu thành công, họ duy trì đầu tư để kiếm được nhiều hơn nữa còn nếu thua, họ phải cố bám đuổi để hồi vốn.
Kết quả, 68,3% sinh viên chơi tiền ảo “muốn phát điên” vì sự lên xuống của đồng tiền kỹ thuật số. Họ theo dõi tình hình của chúng sát sao, căng thẳng đến mức mắc hàng loạt các vấn đề về tâm lý.
Trong số gần 70% sinh viên bị tiền ảo ám ảnh này, có tới 1/3 rơi vào “stress” nặng. Sức khỏe tinh thần của họ vô cùng bất định, thăng trầm theo độ bất ổn của đồng tiền kỹ thuật số đầu tư.
Nó nghiêm trọng đến nỗi không thể tập trung vào học hành hay làm việc, thậm chí mất ăn mất ngủ. Người Hàn Quốc gọi “căn bệnh” mới này là “nghiện tiền điện tử”.
Lý giải nguyên nhân thứ 3, “ảo vọng”, sinh viên nghèo Hàn Quốc vẫn còn nặng tự ti “phận thìa đất”. Họ cho rằng, xã hội phân biệt đẳng cấp, không cho thanh niên nghèo bất cứ cơ hội đổi đời nào.
Vì thế, cược hết vào tiền ảo là giải pháp thoát “số bần hàn” duy nhất. Chỉ có thắng lợi ở đây mới nhanh và nhiều, đưa họ “một bước lên hàng thượng lưu”.