Sinh viên góp sức vì cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những năm qua, phong trào sinh viên tình nguyện vì cộng đồng luôn được đoàn thanh niên, hội sinh viên các trường đại học, cao đẳng duy trì...

Sinh viên hào hứng tham gia hoạt động “Ngày tình nguyện đỏ 2023”.
Sinh viên hào hứng tham gia hoạt động “Ngày tình nguyện đỏ 2023”.

Các hoạt động cũng ngày càng đa dạng, mới mẻ với nhiều hình thức khác nhau. Tất cả nhằm hướng đến các nhóm đối tượng cần sự giúp đỡ trong cộng đồng.

Giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại

Những năm trước, Covid-19 kéo dài khiến việc tổ chức các điểm hiến máu ở trường đại học không thể thực hiện. Gần đây, ngày hội hiến máu đã được tổ chức trở lại với nhiều tên gọi khác nhau như ngày hội sinh viên hiến máu, ngày tình nguyện đỏ, giọt máu yêu thương, giọt hồng sẻ chia, trái tim xanh giọt máu đỏ..., đồng thời được các bạn sinh viên đón nhận nhiệt tình.

Là một trong những đơn vị tổ chức hoạt động hiến máu thường niên với tên gọi “Ngày tình nguyện đỏ”, tính đến nay, Câu lạc bộ Lửa Tâm - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) đã duy trì hoạt động này được 13 năm, mỗi năm học đều tổ chức từ 1 - 2 lần.

Ở đợt tổ chức ngày 20 và 21/12/2023, Lửa Tâm đã kết hợp với Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM tổ chức cho sinh viên trên địa bàn TPHCM đăng ký hiến máu. Chương trình “Ngày tình nguyện đỏ 2023” thu hút hơn 500 sinh viên đăng ký.

Phạm Trần Thế Vinh - Chủ nhiệm câu lạc bộ cho hay: “Hằng năm, với mục đích nâng cao ý thức tình nguyện vì cộng đồng cùng thông điệp ‘Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại’, chương trình luôn nhận được sự hưởng ứng của sinh viên trong và ngoài trường. Lửa Tâm sẽ cố gắng duy trì và phát triển hoạt động tình nguyện này để khơi dậy tinh thần vì cộng đồng và lan tỏa hoạt động đến với nhiều sinh viên hơn trong tương lai”.

Trần Nguyễn Tuấn Anh - sinh viên năm 2 Khoa Y (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết: “Đây là lần đầu tiên em được tham gia hiến máu. Em quyết định tham gia hoạt động tình nguyện này vì nhận thấy chương trình rất ý nghĩa, bản thân em cũng sẽ có thể giúp đỡ các bệnh nhân đang cần máu. Sau khi hiến máu, em cảm thấy có phần tự hào, vui hơn khi góp được một chút ít phần nào đó để cứu thêm nhiều người”.

Ngoài ra, theo Tuấn Anh, hiến máu còn giúp em biết mình thuộc nhóm máu nào và sau mỗi lần hiến máu sẽ kích thích tái tạo hồng cầu, bản thân có cảm giác có một nguồn năng lượng mới, sức sống mới.

Sinh viên Lê Huyền Trang chuẩn bị hiến máu.

Sinh viên Lê Huyền Trang chuẩn bị hiến máu.

Với tinh thần “San tuổi trẻ – Sẻ yêu thương”, ngày 15/1, Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị cũng đã tổ chức thành công chương trình “Giọt hồng yêu thương”, thu hút đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên tham gia và huy động được 126 đơn vị máu. Mỗi đơn vị máu mà các bạn sinh viên trao tặng sẽ là nguồn dự trữ máu quý giá, mang đến cơ hội sống cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, kém may mắn đang cần sự chung tay giúp đỡ từ cộng đồng, xã hội.

“Em đã tham gia hiến máu 3 lần kể từ khi bắt đầu học đại học và chắc chắn em vẫn sẽ tiếp tục hiến máu ở các lần tiếp theo. Em nghĩ rằng, sẽ thật tuyệt nếu mình có thể giúp một ai đó khi họ cần. Chính vì thế, em sẽ luôn cố gắng sống thật lành mạnh để có thể giúp được nhiều người hơn hoặc vào tình huống khẩn cấp nếu có người cần máu có thể nhận hoặc cùng nhóm máu với em” - Lê Huyền Trang, sinh viên năm 3 ngành Du lịch chia sẻ.

Các diễn viên buổi biểu diễn ballet đương đại gây quỹ - IRIS cùng khán giả. Ảnh: BTC cung cấp

Các diễn viên buổi biểu diễn ballet đương đại gây quỹ - IRIS cùng khán giả. Ảnh: BTC cung cấp

Gây quỹ bằng ngôn ngữ ballet

Với thông điệp “Để buồn trong tim nở hoa trong mắt”, Đoàn Khoa Báo chí và Truyền thông - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) phối hợp cùng Đoàn Nhạc viện TPHCM tổ chức buổi biểu diễn ballet đương đại gây quỹ - IRIS.

Với sự trình diễn của gần 30 diễn viên là các diễn viên, biên đạo múa chuyên nghiệp và tình nguyện viên là sinh viên của Trường Đại học Văn hóa TPHCM, chương trình là sự kết hợp giữa chuyển động hình thể và giai điệu, đưa người xem trải qua những sắc thái của nỗi buồn để tìm đến sự cân bằng trong cảm xúc.

Những tiết mục ballet là sự hữu hình hóa các sắc thái của nỗi buồn dưới góc nhìn mới mẻ, đa chiều và tích cực; từ đó, giúp nỗi buồn được nhìn nhận bằng lăng kính của tình yêu trong mỗi con người.

Võ Thanh Giang - sinh viên năm 3 ngành Truyền thông đa phương tiện, Trưởng ban tổ chức chia sẻ: “IRIS được thực hiện với mong muốn mang đến một không gian trình diễn nghệ thuật ballet gần gũi với giới trẻ, tạo cơ hội cho những người trẻ tiếp xúc với các loại hình nghệ thuật hàn lâm”.

Các diễn viên múa tại buổi biểu diễn ballet đương đại gây quỹ - IRIS.

Các diễn viên múa tại buổi biểu diễn ballet đương đại gây quỹ - IRIS.

Toàn bộ lợi nhuận của chương trình - khoảng 24 triệu đồng đã được gửi đến Khoa Tâm thể, Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM) để góp quỹ cho Chương trình Chăm sóc tâm lý giảm nhẹ và Giao tiếp trắc ẩn cho các bệnh nhân ung thư. ThS Phan Thị Hoài Yến - Phó Trưởng khoa Tâm thể, Bệnh viện TP Thủ Đức cho biết rất xúc động và trân quý những hoạt động của các bạn sinh viên đã làm để gây quỹ cho chương trình.

“Để có thể duy trì và từng bước mở rộng các hoạt động chăm sóc tâm lý này, chúng tôi rất cần sự chung tay chia sẻ của cả cộng đồng để không còn người bệnh ung thư nào còn đơn độc trong hành trình chống chọi với bệnh tật của bản thân mình”, ThS Yến phát biểu tại buổi biểu diễn.

Để sự kiện diễn ra tốt đẹp, sinh viên đã triển khai các cuộc họp lớn nhỏ để có thể chốt được hình thức của chương trình và bắt đầu lên kế hoạch thực hiện. Nội dung của chương trình từ đây cũng được xây dựng một cách cụ thể, chi tiết hóa. Các hoạt động như sản xuất, tìm kiếm tài trợ, dựng vở diễn và tập luyện được các thành viên thực hiện xuyên suốt trong 3 tháng.

“Điều khó khăn nhất trong quá trình thực hiện sự kiện là vấn đề về kinh phí, việc đi tìm nguồn tài trợ trở thành bài toán khó đối với ban tổ chức. Nhưng với sự đồng lòng của ban tổ chức, thay vì chỉ chờ đợi, chúng em quyết định tìm thêm các công việc để kiếm thêm kinh phí thực hiện chương trình” - Hoàng Nguyễn Anh Trung, thành viên ban tổ chức chia sẻ.

Là một trong những khán giả của chương trình đặc biệt này, Trần Thanh Hằng - sinh viên năm 3 ngành Văn hóa học không giấu được nỗi xúc động. “Em khá bất ngờ vì nhận ra cách khai thác nỗi buồn thông qua ballet cũng rất thú vị và mang đến cho em rất nhiều cảm xúc. Việc sự kiện có sự kết hợp giữa trình diễn ballet với hình thức gây quỹ càng khiến cho quyết định tham gia của em trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết” - Thanh Hằng cho biết.

Ban tổ chức buổi biểu diễn ballet đương đại gây quỹ - IRIS trao tổng số tiền gây quỹ cho Khoa Tâm thể, Bệnh viện TP Thủ Đức. Ảnh: BTC cung cấp

Ban tổ chức buổi biểu diễn ballet đương đại gây quỹ - IRIS trao tổng số tiền gây quỹ cho Khoa Tâm thể, Bệnh viện TP Thủ Đức. Ảnh: BTC cung cấp

Triển lãm gây quỹ cho “Ngày mai”

Những năm gần đây, hình thức tổ chức gây quỹ của sinh viên ngày càng trở nên đa dạng hơn, không còn đơn thuần dừng lại ở việc bán những mặt hàng thực phẩm ăn vặt hay các văn phòng phẩm như trước. Các sự kiện có ý nghĩa xã hội cao, kết hợp các hoạt động hỗ trợ các vấn đề về sức khỏe tinh thần cho giới trẻ và gây quỹ thiện nguyện cho cộng đồng được nhiều người đón nhận.

Lấy ý tưởng từ chính những khoảnh khắc mông lung trong cuộc sống hay những lần vô định mà người trẻ tuổi 20 thường trải qua, triển lãm tương tác “Lửng Lơ” là một triển lãm gây quỹ, với chủ đề là sự mông lung, vô định mà người trẻ tuổi đôi mươi đã không ít lần trải qua.

Qua triển lãm, ban tổ chức hy vọng rằng người tham gia có thể nhận diện, chấp nhận cũng như chủ động kiểm soát phần nào trạng thái “lửng lơ” của chính bản thân mình. Đồng thời, 100% lợi nhuận của triển lãm sẽ được trao tặng đến dự án “Ngày mai” với mong muốn hỗ trợ những cá nhân đang gặp khủng hoảng tâm lý. Toàn bộ không gian triển lãm là sự lửng lơ được tái hiện dưới rất nhiều hình thái, rất nhiều mức độ, được tạo ra bởi những con người cũng độc đáo và khác biệt, để mọi người biết được rằng mình không cô độc khi lỡ lạc vào bên trong sự lơ lửng đó.

Lê Bảo Ngọc, Trưởng ban tổ chức cho biết: “Chúng em mong muốn tạo ra được một không gian chỉn chu, an toàn và thoải mái nhất có thể để trân trọng những câu chuyện và sự sáng tạo của các quý tác giả khi chia sẻ trải nghiệm cá nhân đối với trạng thái languishing - lửng lơ”.

Ban tổ chức triển lãm “Lửng Lơ” chụp hình lưu niệm.

Ban tổ chức triển lãm “Lửng Lơ” chụp hình lưu niệm.

Gần 50 tác phẩm đã được trưng bày. Các tác giả đa phần trong độ tuổi 18 - 25, với những tác phẩm giúp cho người tham dự nhận diện trạng thái lửng lơ và hiểu được rằng có nhiều người cũng giống mình. Với tác giả ở độ tuổi lớn hơn, tác phẩm đưa ra được một góc nhìn mới, thậm chí là hàm chứa cả giải pháp. Có thể nói, mỗi tác phẩm đều chứa một câu chuyện, một góc nhìn riêng.

Bên cạnh buổi triển lãm, các lớp workshop thực hành đã diễn ra với sự điều phối của 2 diễn giả là anh Nguyễn Minh Nam với lớp học vẽ chánh niệm và anh Nam Taro với lớp học thực hành Healing Circle (vòng tròn chữa lành). Hai hoạt động đã mang lại cho người tham dự những giây phút thư giãn để lắng nghe những câu chuyện “lửng lơ” của mỗi người, hướng đến sự thấu cảm và không phán xét.

“Cảm nhận đầu tiên của em khi thưởng thức buổi triển lãm là ‘đã’. Em được chiêm ngưỡng những tác phẩm của nhiều tác giả trẻ, họ đã cùng nhau tạo thành một đại dương, một không gian ‘Lửng Lơ’ vô cùng đa dạng và nhiều màu sắc. Bên cạnh đó, em còn có cơ hội được nói, được tâm sự với những người xa lạ nhưng sẵn sàng lắng nghe mình trong buổi workshop, đây là một cơ hội để em hiểu và yêu thương bản thân mình nhiều hơn” - Nguyễn Lâm Quốc Chiến, sinh viên năm 3 ngành Báo chí chiêm nghiệm cho biết.

Dự án cộng đồng, phi lợi nhuận “Ngày mai” được thành lập vào tháng 1/2021 bởi tác giả Đặng Hoàng Giang và chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành. Dự án được triển khai nhằm mục đích nâng cao nhận thức của xã hội về sức khỏe tâm thần và trợ giúp những cá nhân đang gặp khủng hoảng tâm lý (đặc biệt là người trẻ bị trầm cảm và người thân của họ) thông qua hai hoạt động chính của dự án: Đường dây nóng Ngày mai và Quỹ Ngày mai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ