Sinh viên Đông Nam Á muốn đi đâu du học?

GD&TĐ - Các yếu tố về kinh tế, nhân khẩu học là nguyên nhân chính làm gia tăng nhu cầu về giáo dục quốc tế tại Đông Nam Á.

Sinh viên Đông Nam Á ngày càng quan tâm du học châu Á.
Sinh viên Đông Nam Á ngày càng quan tâm du học châu Á.

Trong đó, thanh thiếu niên ở khu vực này ngày càng quan tâm đến du học châu Á.

Tổ chức giáo dục quốc tế Acumen, Australia, mới đây công bố Xu hướng giáo dục chính ở Đông Nam Á năm 2024, trong đó dự đoán thanh niên Đông Nam Á ngày càng quan tâm du học châu Á.

Ông Haike Manning, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á tại Acumen, cho biết báo cáo là “cái nhìn toàn cảnh” về sự phát triển giáo dục quốc tế trong khu vực, nhất là tại những nước có số lượng sinh viên du học cao như Malaysia, Việt Nam hay Indonesia.

Theo báo cáo, trong khu vực Đông Nam Á, đến nay Việt Nam là quốc gia có số lượng sinh viên du học lớn nhất, theo sau là Indonesia, Malaysia và Philippines. Vào năm 2022, hơn 350 nghìn sinh viên từ Đông Nam Á đang du học, đưa khu vực này trở thành nơi có số lượng sinh viên di chuyển ra nước ngoài lớn thứ 3 toàn cầu, sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Nguyên nhân dẫn đến sự phát triển trên được cho là do tình trạng bùng nổ thanh thiếu niên ở Đông Nam Á, thúc đẩy nhu cầu giáo dục đại học ngày càng tăng. Trong khi đó, tầng lớp trung lưu đang gia tăng, có đủ năng lực tài chính để theo đuổi giáo dục quốc tế.

Theo báo cáo tài chính Manning, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Indonesia, Việt Nam làm tăng quy mô thu nhập của tầng lớp trung lưu. Điều này được phản ánh qua số lượng trường tư thục, trường quốc tế với chi phí đắt đỏ “mọc lên” ở các đô thị lớn tại Đông Nam Á. Khi người dân đầu tư mạnh tay cho giáo dục từ nhỏ, đây sẽ là bệ phóng cho giáo dục đại học.

Năm 2022, có 1.905 trường quốc tế ở Đông Nam Á, tăng gần 25% so với năm 2017, phục vụ nhu cầu của gần 600 nghìn học sinh trên toàn khu vực. Các trường cung cấp chương trình giảng dạy quốc tế bằng tiếng Anh hoặc chương trình giảng dạy kép.

Một nguyên nhân khác đến từ việc làm trong tương lai. Những người lựa chọn du học muốn tìm được việc làm tốt hơn. Đơn cử, nhiều sinh viên Đông Nam Á du học Hàn Quốc, Nhật Bản mong muốn ở lại làm việc cho các quốc gia này. Điều đó cũng phù hợp với nhu cầu giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực do già hóa dân số ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là lý do Nhật Bản, Hàn Quốc là những điểm đến du học thu hút sinh viên Việt Nam.

Tuy nhiên, báo cáo lưu ý hệ thống giáo dục ở một số quốc gia Đông Nam Á đang đối mặt với hạn chế cả về chất lượng lẫn nguồn lực. Đơn cử, tỷ lệ bỏ học ở Philippines tương đối cao, nhất là sau dịch Covid-19. Nước này đang tìm mọi cách đưa học sinh trở lại trường để không gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục nói chung của đất nước.

Theo khảo sát của ISC Research, trong 5 năm từ tháng 7/2018 đến tháng 7/2023, số lượng trường quốc tế ở Singapore tăng 34% và số lượng học sinh tăng 19%. Nhiều học sinh chọn học chương trình quốc tế làm bước đệm để đăng ký vào các trường đại học tại Australia, Canada, New Zealand, Vương quốc Anh, Mỹ.

Theo UWN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ