Sinh viên dễ 'sập bẫy' việc nhẹ, lương cao

GD&TĐ - Chưa có nhiều trải nghiệm, mất cảnh giác nên nhiều sinh viên dễ dàng rơi vào 'bẫy' của những đối tượng lừa đảo với chiêu bài 'việc nhẹ, lương cao'.

Sinh viên cần cảnh giác với những cạm bẫy lừa đảo việc nhẹ, lương cao trên không gian mạng.
Sinh viên cần cảnh giác với những cạm bẫy lừa đảo việc nhẹ, lương cao trên không gian mạng.

Dễ dàng đặt lòng tin

Vào những tháng cuối năm, sinh viên thường tìm việc làm thêm để san sẻ gánh nặng chi phí với gia đình. Đây cũng chính là thời điểm các chiêu trò lừa đảo môi giới “việc nhẹ, lương cao” của nhiều đối tượng xuất hiện trên không gian mạng.

Những ngày qua, em Hoàng Thị Thúy, sinh viên Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, liên tục nhận được những tin nhắn mời tham gia công việc làm thêm tại nhà với mức lương từ 6 đến 36 triệu đồng mỗi tháng.

Gửi tin nhắn tới số điện thoại của Thúy đối tượng quảng cáo mời chào: “Đây là công việc hoàn toàn hợp pháp và bảo đảm thu nhập. Mỗi ngày bạn nhận thấp nhất 600.000 đồng, kiếm tiền tại nhà đơn giản. Nếu bạn có nhu cầu vui lòng liên hệ Zalo ID dịch vụ 1 với 1: 0868423xxxx. Trên 25 tuổi vui lòng không liên hệ tham gia”.

Liên hệ qua Zalo với số điện thoại trong tin nhắn, Thúy được người tuyển dụng thuyết phục bằng nhiều cách và đã bỏ ra số tiền 300.000 đồng để đặt cọc giữ chỗ. Tuy nhiên, ngay sau đó, Thúy không thể liên lạc lại với người tuyển dụng.

Chân ướt chân ráo xuống Hà Nội nhập học, bạn Kiều My (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) sinh viên năm nhất Trường Cao đẳng Công Thương tranh thủ tìm việc làm thêm để trang trải chi phí bởi gia đình rất khó khăn thông qua mạng xã hội Facebook.

Sau thời gian tìm kiếm, My thấy có tuyển dụng bán hàng siêu thị với ca giờ khá phù hợp lịch học của mình. Tìm đến địa chỉ để nộp hồ sơ xin việc, My được hướng dẫn mua bộ sản phẩm gồm nước tẩy rửa, xà phòng giặt với tổng trị giá 399.000 đồng.

My được nhân viên tuyển dụng viết giấy hẹn nhận việc, số điện thoại, nhưng không ghi cụ thể ngày giờ và làm ở đâu. Về nhà trọ chờ cả tuần cũng không thấy tin nhắn đi làm, My đến văn phòng môi giới thì họ đã chuyển đi đâu mất.

Tương tự, Trần Văn Sỹ, sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng bị lừa mất hơn 1 triệu đồng. Sỹ đăng tin cần tìm việc làm thêm trên một nhóm có hàng chục nghìn thành viên về việc làm thêm cho sinh viên.

Sau đó, nhiều tài khoản lạ đã nhắn tin cho Sỹ chào mời các công việc hấp dẫn. Sẵn có kinh nghiệm bán hàng công nghệ online nên Sỹ nhận lời đăng bán hàng cho một công ty.

“Để trở thành cộng tác viên bán hàng, mình phải đặt cọc 1,2 triệu đồng tiền sản phẩm. Họ nói tiền cọc đó sẽ được hoàn trả khi không tiếp tục bán hàng nữa nên mình đã chuyển khoản. Ngay sau đó, người liên hệ đã chặn Facebook của mình, khi đến địa chỉ họ nói thì đó là nhà dân”, Sỹ kể.

Cẩn trọng khi sử dụng mạng xã hội

Theo các chuyên gia, sinh viên thường có ít kinh nghiệm giao dịch, mất cảnh giác nên dễ trở thành “con mồi” cho các đối tượng lừa đảo việc làm. Để tìm được công việc làm thêm phù hợp thì nguồn được giới thiệu phải đủ tin cậy, tránh lấy thông tin từ mạng xã hội không được xác thực rõ ràng…

Ngoài ra, sinh viên cần trang bị các kỹ năng cần thiết để nhận diện được những hình thức việc làm có dấu hiệu lừa đảo. Khi đi làm sinh viên cũng nên chọn những công việc có liên quan đến ngành học để tích lũy kinh nghiệm.

Có thể thấy, cùng với sự phát triển mạnh mẽ và không ngừng của công nghệ là sự tăng lên nhanh chóng của các vụ lừa đảo qua mạng với những thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Nếu ngày trước, các thủ đoạn như hack tài khoản Facebook đóng giả người thân để lừa chuyển tiền, lừa mua hàng online, lừa đảo trúng thưởng, bẫy tình… thì giờ đây hình thức lừa đảo thông qua các hội nhóm trên Telegram, Zalo, Viber, Facebook… đang rất phổ biến và có rất nhiều người bị lừa.

Với tính năng bảo mật tốt, có máy chủ ở nước ngoài giúp các đối tượng lừa đảo ẩn danh và xóa dấu vết khiến cho việc điều tra trở nên khó khăn. Hầu như những người bị lừa bởi hình thức này đều mất trắng tiền cọc.

Chuyên gia Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT cho hay, thời gian gần đây các hình thức lừa đảo tuyển cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử và công ty lớn với mức thù lao hấp dẫn để chiếm đoạt tài sản người dùng đang ngày càng phổ biến.

Theo ghi nhận từ các hệ thống kỹ thuật của Cục An toàn thông tin, các công ty lớn như Amazon, TikTok hay các trang thương mại điện tử Tiki, Lazada, Shopee… đều đã bị các đối tượng mạo danh để dụ người dùng “sập bẫy” lừa đảo.

Trước những hành vi lừa đảo online trên, mới đây Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an đã khuyến nghị người dùng tuyệt đối không tham gia mua bán đơn hàng ảo trên trang thương mại điện tử dưới hình thức cộng tác viên, nhân viên online…; không nhập thông tin vào các đường link lạ gửi qua SMS, Zalo, Facebook.

Bên cạnh đó, tuyệt đối không cung cấp thông tin số thẻ, mã CVC2, mã OTP cho bất cứ đối tượng hoặc đường link nào, kể cả người xưng danh là nhân viên ngân hàng, công an... Ngoài ra, người dùng mạng xã hội cần thực hiện theo 3 nguyên tắc vàng trích từ trang dauhieuluadao.com thuộc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.

Theo đó, nguyên tắc 1 là “chậm lại”, những kẻ lừa đảo thường tạo ra cảm giác cấp bách để chúng có thể vượt qua khả năng nhận định của bạn. Hãy dành thời gian và đặt câu hỏi để tránh bị dồn vào tình huống xấu.

Nguyên tắc 2 là “kiểm tra tại chỗ”, tìm hiểu thêm để xác thực thông tin đang nhận được. Nếu nhận được một cuộc gọi không mong muốn, hãy tra cứu số ngân hàng, cơ quan, hoặc tổ chức đang gọi đến và liên hệ lại trực tiếp.

Cuối cùng là nguyên tắc 3, “dừng lại! không gửi”, bởi không có công ty hay cơ quan hợp pháp nào yêu cầu thanh toán ngay tại chỗ dưới dạng chuyển khoản ngân hàng, ứng dụng chuyển tiền. Nếu cảm thấy giao dịch này không đáng tin, hãy dừng lại vì nó có thể là như vậy đấy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...