Bẫy lừa đảo bủa vây tân sinh viên

GD&TĐ - Không chỉ bỡ ngỡ với môi trường học tập mới, tân sinh viên còn đối diện với nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi.

Tân sinh viên nhập học vào Trường ĐH Công đoàn (Hà Nội). Ảnh: TG
Tân sinh viên nhập học vào Trường ĐH Công đoàn (Hà Nội). Ảnh: TG

Ngoài cảnh báo từ cơ sở đào tạo, các em cần đề cao tinh thần cảnh giác và trang bị cho mình kỹ năng ứng phó.

Cảnh giác với những lời mời

Những năm trước, một số tân sinh viên của Học viện Phụ nữ Việt Nam suýt “sập bẫy” lừa đảo việc làm trên mạng. TS Nguyễn Phi Long - Trưởng phòng Đào tạo - chia sẻ và lưu ý, tân sinh viên cần cảnh giác với lời mời theo kiểu: Việc nhẹ lương cao, nhà trọ giá siêu rẻ, hoặc lời mời tham gia vào các hội, nhóm trên mạng xã hội…

Khuyến cáo với tân sinh viên, TS Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội - nhấn mạnh, các em nên tiếp cận với thông tin chính thống được cơ sở giáo dục đại học đăng tải trên website, fanpage hoặc các nhóm chính thức. Bất kỳ thông tin ngoài luồng nào như: Học phí, làm thẻ sinh viên, giới thiệu việc làm, mời tham gia hội nhóm…, các em cần cảnh giác và liên hệ với cố vấn học tập hoặc phòng đào tạo, công tác sinh viên để xác minh, tránh bị lừa.

Chia sẻ một số thủ đoạn mà các tổ chức, cá nhân trên mạng thường sử dụng để lừa đảo, TS Hoàng Xuân Hiệp viện dẫn, chiêu thức phổ biến là đăng tin tuyển dụng, giới thiệu việc làm với chế độ hấp dẫn, thời gian làm việc linh hoạt, thoải mái, không cần bằng cấp, kinh nghiệm nhưng có thu nhập cao.

Đáng chú ý, khi hỏi thông tin về công ty, các em sẽ nhận được câu trả lời không rõ ràng hoặc “Inbox riêng cho anh/chị để biết thêm”. Sau đó, họ sẽ hẹn gặp để nộp một số khoản tiền như đồng phục, làm thẻ nhân viên… Những người này thường “đóng vai” anh/chị học khóa trên, rồi đăng lên diễn đàn để lôi kéo sinh viên tham gia vào nhóm.

“Thường là mời gọi vào nhóm để tư vấn, giới thiệu hoạt động ngoại khóa, kỹ năng, giao lưu với các sinh viên trường khác. Sau khi làm quen, họ sẽ lôi kéo sinh viên vào đường dây đa cấp. Bên cạnh đó, họ yêu cầu gửi thông tin cá nhân hoặc giấy báo nhập học của tân sinh viên… rồi lấy mã tài khoản, ID đăng nhập nhằm mục đích khác…”, TS Hoàng Xuân Hiệp lưu ý.

Tân sinh viên đến nhập học tại Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội. Ảnh: NTCC

Tân sinh viên đến nhập học tại Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội. Ảnh: NTCC

Tránh “sập bẫy”

Mới đây, Trường ĐH Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) phát đi cảnh báo đến phụ huynh, thí sinh về việc tham gia các hội nhóm tân sinh viên tự phát trên trang Facebook của trường. Nội dung thông báo như sau: “Khi có kết quả của hai phương thức xét tuyển sớm của nhà trường, trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo bắt đầu xuất hiện một số hội nhóm không chính thống dành cho các tân sinh viên khóa 2023.

Hiện, nhà trường không tạo bất cứ Fanpage, Facebook, Zalo chính thức nào cho tất cả khóa, đặc biệt là tân sinh viên khóa 2023. Quý phụ huynh và các bạn học sinh cần cẩn trọng khi tham gia hội nhóm tự phát trên mạng xã hội và hạn chế cung cấp thông tin cá nhân như: Số điện thoại, địa chỉ... để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra”.

Từ 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác), Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) phân loại thành 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng; trong đó, lừa đảo trực tuyến là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của toàn xã hội.

Theo đó, các đối tượng xấu lợi dụng bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao, chẳng hạn: Cài ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen… Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp; rao bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử. Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng. Lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa. Lừa đảo tình cảm, dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng…

Bắt đầu cuộc sống tự lập, xa gia đình, người thân, tân sinh viên phải thích nghi với cuộc sống mới, ở đó có những khó khăn và thử thách đặt ra. Từ thực tế này, TS Lưu Hữu Đức - Trưởng ban Công tác Chính trị và Sinh viên (Học viện Tài chính) - lưu ý, có những “cám dỗ” khiến nhiều sinh viên “trượt dốc” bất cứ lúc nào nếu không có kỹ năng sống.

Để hỗ trợ tân sinh viên, TS Nguyễn Phi Long cho biết, Học viện Phụ nữ Việt Nam giao cho Đoàn Thanh niên hỗ trợ tìm nhà trọ giá rẻ. Trước khi giới thiệu cho tân sinh viên, Đoàn Thanh niên, sinh viên tình nguyện sẽ tiến hành thẩm tra thông tin, thị sát thực tế rồi cập nhật vào danh sách. Ngoài ra, trong tuần sinh hoạt công dân, Học viện có mời cán bộ công an đến trao đổi những vấn đề, câu chuyện tình huống xảy ra trong thực tiễn để tân sinh viên cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo.

Về phía tân sinh viên, để thích ứng với môi trường mới, TS Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) - khuyến cáo, các em cần chuẩn bị tốt một số kỹ năng như: Thiết lập và duy trì các mối quan hệ xã hội; quản lý thời gian và tài chính; phòng chống lừa đảo qua mạng xã hội; quản lý kế hoạch phát triển cá nhân; học tập hiệu quả trong môi trường đại học.

Theo TS Hoàng Xuân Hiệp, hiện có một số chiêu thức lừa đảo phổ biến mà tân sinh viên cần tránh, đó là: Bán hàng đa cấp, mời mua đồ nhân đạo, “cò” nhà trọ giá rẻ; lớp kỹ năng, tiếng Anh giá rẻ hoặc miễn phí, nhờ bấm hộ điện thoại…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.