Sinh viên 'dài cổ' chờ nhận hỗ trợ

GD&TĐ - Chưa có hướng dẫn cụ thể và thống nhất về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm...

Sinh viên Trường ĐH Sài Gòn trong một giờ học nhóm ngoài giảng đường.
Sinh viên Trường ĐH Sài Gòn trong một giờ học nhóm ngoài giảng đường.

Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm có hiệu lực từ ngày 15/11/2020. Tuy vậy, do chưa có hướng dẫn cụ thể và thống nhất nên nhiều nơi vẫn “tắc”, gây ít nhiều khó khăn cho người học.

Chính sách có nhưng vì sao tắc?

“Khi cho con theo học ở trường sư phạm, gia đình tôi đã xác định là chỉ lo và hỗ trợ một phần nhỏ chi phí học tập ở TP vì theo thông tin từ nhà trường cháu được miễn phí hoàn toàn và được hỗ trợ cả phí sinh hoạt. Nhưng đến nay đã gần 2 năm học tại trường, con tôi vẫn chưa nhận được bất cứ đồng hỗ trợ nào. Với chi phí ăn ở học tập bình quân hơn 100 triệu đồng/năm, gia đình tôi không thể xoay xở và gắng gượng thêm được nữa”, chị Y chia sẻ.

Năm học 2022 - 2023 chỉ mới bắt đầu nhưng không ít sinh viên của Trường ĐH Sài Gòn đã gửi đơn cầu cứu vì không thể tiếp tục ứng học phí cho nhà trường. Nêu thực trạng gần 2 năm nay chưa nhận được hỗ trợ chi phí sinh hoạt, học phí theo quy định khiến con là N.H.D đang theo học tại Trường ĐH Sài Gòn có nguy cơ phải dang dở việc học, chị L.T.Y mong muốn tìm được hướng tháo gỡ vì không thể xoay thêm tiền tạm ứng học phí.

Tương tự, nhiều sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM phản ánh, dù năm học 2020 - 2021 đã kết thúc nhưng tới nay, các khoản tạm ứng học phí của sinh viên với nhà trường vẫn chưa được giải ngân. Khoản chi phí sinh hoạt được hỗ trợ theo quy định cũng chưa có khiến người học đứng trước nguy cơ không thể tiếp tục vì khó khăn.

Theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ, sinh viên sư phạm ngoài miễn học phí còn được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Tuy vậy, trong thực tế rất nhiều trường vướng cơ chế nên công tác giải ngân cho hoạt động chi hỗ trợ sinh viên gặp khó.

Đơn cử gần đây, hơn 550 sinh viên sư phạm của Trường Đại học Thủ Đô (Hà Nội) đã kêu cứu vì không nhận được phí hỗ trợ sinh hoạt dù họ có thực hiện ký cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt theo Nghị định 116 (mức hưởng là 3,63 triệu đồng/tháng). Lý do được phía nhà trường đưa ra là vì năm học 2020 - 2021 không có địa phương nào thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng đấu thầu đối với nhà trường theo quy định của Nghị định 116 nên trường chưa có kinh phí hỗ trợ cho sinh viên.

Nhìn nhận đây là vướng mắc lớn trong việc thực hiện giải ngân ngân sách đầu tư và hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm, ThS Lê Phan Quốc, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết, ngoài việc chậm giải ngân cho sinh viên sư phạm vì thủ tục hành chính thì việc các địa phương chưa mặn mà với việc đặt hàng đào tạo sinh viên, khiến trường sư phạm gặp khó.

Em Lê Ngọc Bảo, sinh viên sư phạm khóa 2021, Trường ĐH Kiên Giang và các bạn thuộc khóa học được hỗ trợ từ Nghị định 116 vẫn chưa nhận được phí sinh hoạt. Do khó khăn về sinh hoạt phí, một số sinh viên phải đi làm thêm, số khác chưa có máy tính để soạn giáo án hay làm báo cáo trong khi ngành học rất cần sử dụng.

Sinh viên Trường ĐH Sài Gòn trong giảng đường.

Sinh viên Trường ĐH Sài Gòn trong giảng đường.

Các trường linh hoạt gỡ khó cho sinh viên

Theo cán bộ quản lý đào tạo các trường sư phạm, sinh viên theo học ngành đào tạo giáo viên sẽ được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị định 116/2020 khi có đăng ký và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt nếu sau quá trình học mà không công tác theo sự phân công trong thời gian quy định. Với các trường sư phạm, khi triển khai Nghị định 116 của Chính phủ, ngoài ký cam kết với sinh viên còn phải có hợp tác, ký kết với địa phương để xây dựng cơ chế đào tạo theo đơn đặt hàng…

Thực tế, theo quy định sinh viên sư phạm có thể đăng ký đào tạo theo các hình thức: Giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu theo thông báo nhu cầu của các địa phương; đào tạo theo nguyện vọng của cá nhân/ tổ chức/ doanh nghiệp (đào tạo theo nhu cầu xã hội). Với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội, nếu cam kết làm trong ngành Giáo dục cũng sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt.

Tuy vậy, theo ông La Thanh Hùng - Trưởng phòng Công tác sinh viên và Trung tâm Hỗ trợ người học, Trường ĐH Sài Gòn, cái khó và vướng nhất hiện nay chính là Nghị định 116 của Chính phủ đang chênh với việc xây dựng cơ chế giá theo yêu cầu của Bộ Tài chính rồi mới được đấu thầu, giao nhiệm vụ. Điều này khiến việc thẩm định, phê duyệt và giải ngân cho chương trình hỗ trợ sinh viên sư phạm của các trường và địa phương gặp nhiều khó khăn.

“Trường ĐH Sài Gòn phải linh động làm việc với 2 địa phương là Ninh Thuận và Long An để phối hợp và xây dựng cơ chế đào tạo giáo viên theo đơn đặt hàng. Tuy nhiên, số lượng không nhiều khi tỉnh Ninh Thuận chỉ được phê duyệt 29 chỉ tiêu, tỉnh Long An phê duyệt 5 chỉ tiêu. Tuy đã cơ bản thống nhất và chốt được số lượng đào tạo theo địa chỉ với 2 địa phương, nhưng việc triển khai và tiếp nhận ngân sách hỗ trợ từ địa phương vẫn còn một chặng đường thủ tục trước mắt”, ông La Thanh Hùng chia sẻ, đồng thời thông tin:

Hiện, nhà trường cũng vướng việc giải ngân chi hỗ trợ chi phí sinh hoạt và học phí cho sinh viên. Với sinh viên ở tỉnh, thành, nhà trường có chính sách hỗ trợ (tạm ứng học phí, chi phí sinh hoạt) cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ nguồn quỹ đồng hành và giải ngân sau. Nhưng với số lượng sinh viên cần hỗ trợ quá lớn (chi phí bình quân gần 150 triệu sinh viên/năm) trong khi nguồn lực giải ngân từ ngân sách không nhiều khiến trường rất bị động.

Vừa qua, để giải quyết việc “tắc” giải ngân ngân sách cấp hỗ trợ cho sinh viên, Trường ĐH Sài Gòn đã phối hợp, làm việc với Sở GD&ĐT TPHCM xây dựng cơ chế giá và trình UBND TP xem xét hỗ trợ cho số sinh viên có hộ khẩu tại TPHCM. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa nhận được trả lời từ UBND TP trong việc hỗ trợ, cấp kinh phí đào tạo sư phạm cho trường.

“Trước mắt, Ban giám hiệu chỉ đạo và thông báo với các đơn vị trực thuộc phải linh hoạt hỗ trợ sinh viên tối đa. Sinh viên nào (cả năm 1 và 2) gặp khó khăn trong việc đóng tạm ứng học phí thì làm đơn theo hướng dẫn của trường để được xem xét hỗ trợ. Riêng khoản chi phí hỗ trợ sinh hoạt phí, nhà trường cũng không thể làm cách gì khác ngoài chờ được giải ngân từ trên”, ông Hùng nói.

Em Trần Thanh Ngân, ngành Sư phạm Tiểu học, Trường ĐH Trà Vinh, cho biết: “Em và các bạn được hỗ trợ học phí nên rất mừng, còn sinh hoạt phí vẫn trong giai đoạn làm thủ tục nên chưa ai được nhận. Theo thông tin từ Phòng Đào tạo, em được biết phải chờ tỉnh, sở GD&ĐT xem xét về nhu cầu nhân lực sư phạm và có công văn mới cấp tiền hỗ trợ sinh viên. Điều này khiến em khá lo lắng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ