Tỉnh cũng có cơ chế thu hút giáo viên giỏi, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng đổi mới dạy học. Đây là cánh cửa rộng mở để những bạn trẻ đủ năng lực, đam mê sư phạm có cơ hội làm đúng ngành nghề sau khi tốt nghiệp.
Thu hút sinh viên sư phạm giỏi
Nguyễn Thị Hường (xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, Nghệ An) vừa nhận kết quả trúng tuyển viên chức của Sở GD&ĐT Nghệ An. Bước vào năm học mới, cô chính thức là giáo viên Tiếng Anh tại Trường THPT Hoàng Mai 2 (thị xã Hoàng Mai). Để có được kết quả này, là sự nỗ lực không ngừng của Hường trong suốt 4 năm học tại Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi. Bên cạnh đó, cô gái trẻ cũng tham gia thi các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, đặc biệt là tiếng Anh C1 - tiêu chuẩn quan trọng đối với giáo viên ở bậc THPT.
“Việc thi lấy chứng chỉ cũng là cách để em tự đánh giá năng lực bản thân và đáp ứng tiêu chuẩn của giáo viên cho mình trong bối cảnh dạy học ngoại ngữ có nhiều đổi mới và yêu cầu cao hơn so với trước đây”, Hường cho biết. Tốt nghiệp ĐH, Hường đã làm việc tại một trung tâm Ngoại ngữ với thu nhập khá cao. Nhưng khi Nghệ An có thông báo tuyển dụng giáo viên, cô gái quyết định quay về nộp hồ sơ ứng tuyển vì muốn được là giáo viên THPT tại quê nhà.
Trong khi đó, Nguyễn Thị Hà – người dân tộc Thổ, (xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa) đã trúng tuyển viên chức, trở thành GV Trường THPT Quỳ Hợp 2 (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) khi mới tốt nghiệp chưa đầy 2 tháng. Hà cũng là một trong những ứng viên có thành tích tốt nhất trong đợt tuyển dụng là tấm bằng sư phạm loại xuất sắc.
Cách đây 4 năm, nữ sinh người dân tộc Thổ đậu vào Khoa Sư phạm Ngữ văn – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội với 25,75 điểm khối C. Với xuất phát điểm này, Hà được đăng ký dự thi vào lớp chất lượng cao và nằm trong danh sách 20 sinh viên có điểm trúng tuyển cao nhất.
Gia đình làm nông nghiệp, không có truyền thống sư phạm, nhưng từ nhỏ Hà đã mơ ước trở thành cô giáo. Cánh cửa gỗ trong nhà cùng vài viên phấn được Hà dùng để “gõ đầu trẻ” lũ em trong nhà và hàng xóm. Vì vậy, khi có cơ hội được đào tạo trong môi trường sư phạm thực sự, Hà đã cố gắng trau dồi cả kiến thức, nghiệp vụ với sự say mê, nhiệt huyết.
Hà nhận làm gia sư, dạy học trực tuyến cho một số trung tâm để lấy kinh nghiệm dạy học thực tế. Nhờ đó, dù chỉ mới tốt nghiệp ĐH, Nguyễn Thị Hà có thể tự tin trả lời phỏng vấn trước hội đồng tuyển dụng. Cuối cùng, cơ hội cũng mở ra với nữ sinh tài năng, tâm huyết.
Theo thông báo của Sở GD&ĐT Nghệ An, năm học 2021 – 2021, cơ quan này đã tuyển dụng 50 viên chức. Trong đó có 3 ứng viên thuộc diện thu hút là sinh viên sư phạm tốt nghiệp xuất sắc, giỏi từng đạt HS giỏi quốc gia hoặc HS giỏi tỉnh giải Ba trở lên khi học phổ thông. Đây là tin vui với sinh viên chọn theo học ngành sư phạm về cơ hội làm việc sau khi tốt nghiệp.
Đặc biệt, chính sách thu hút của tỉnh Nghệ An đã tạo động lực, khuyến khích học sinh giỏi đăng ký theo ngành sư phạm. Thực tế, những năm gần đây, nhiều sinh viên giỏi, xuất sắc được thu hút về giảng dạy tại các trường học trên địa bàn. Trong đó, có ứng viên từng du học hoặc học cao học tại nước ngoài được thu hút về công tác tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh).
Nhu cầu cao, nguồn cung không đủ
Năm 2021, thành phố Vinh thông báo tuyển dụng 158 giáo viên, gồm 36 giáo viên mầm non, 94 giáo viên tiểu học và 28 giáo viên THCS. Số giáo viên được tuyển dụng đợt này tập trung chủ yếu ở các môn Công nghệ (THCS), Tiếng Anh, Tin học và giáo viên văn hóa dạy tiểu học.
Tuy nhiên, theo bà Hoàng Thị Phương Thảo – Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh, số giáo viên hiện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu dạy học thực tế. “Chỉ tiêu 158 giáo viên đợt này, vốn là của năm học 2020 - 2021. Nếu tuyển đủ, thành phố cơ bản đủ giáo viên mầm non và THCS. Còn giáo viên tiểu học vẫn đang thiếu so với tiêu chí 1,4 GV/lớp. Về chỉ tiêu tuyển dụng GV của năm học 2021 – 2022, chúng tôi vẫn đang chờ phê duyệt” bà Hoàng Thị Phương Thảo nói.
Tại nhiều địa phương khác, việc tuyển dụng giáo viên (chủ yếu ở bậc tiểu học) cũng gặp nhiều khó khăn. Huyện Quỳnh Lưu, năm 2020 được tuyển dụng 86 chỉ tiêu giáo viên văn hóa bậc tiểu học nhưng chỉ nhận được 20 hồ sơ. Năm nay, huyện tiếp tục có 138 chỉ tiêu GV tiểu học, trong đó có 55 GV văn hóa nhưng số hồ sơ đăng ký cũng chỉ gần 20. Theo ông Nguyễn Hữu Bộ - Trưởng phòng Nội vụ huyện Quỳnh Lưu, điều này huyện đã dự báo trước bởi dù nhu cầu tuyển dụng cao nhưng số sinh viên đào tạo hàng năm không đáp ứng đủ.
Huyện miền núi Kỳ Sơn nhiều năm liền không tuyển được giáo viên Tin học, Ngoại ngữ dù có chỉ tiêu. Ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng GD&ĐT cho biết: Phòng đã tham mưu cho UBND huyện về cơ chế thu hút, tài trợ cho HS giỏi theo ngành Sư phạm Ngoại ngữ, Tin học và với điều kiện phải quay về địa phương công tác sau khi tốt nghiệp.
TS Phạm Lê Cường – Trưởng khoa Giáo dục, Trường ĐH Vinh cho hay: Qua khảo sát, 90% SV ngành mầm non và tiểu học của trường sau khi tốt nghiệp có việc ngay, bởi hai bậc học này đều thiếu giáo viên trên cả nước. Đây là cơ hội rất lớn cho sinh viên ngành sư phạm. Dự báo nhu cầu những năm tới, thí sinh xét tuyển vào 2 ngành vẫn còn tăng cao.