Thu hồi kinh phí hỗ trợ sinh viên sư phạm: Giải mã những băn khoăn

GD&TĐ - Sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí (học phí và sinh hoạt phí), nhưng sẽ phải bồi hoàn nếu ra trường không làm trong ngành Giáo dục. Tuy nhiên, việc thu hồi kinh phí này cũng là vấn đề nan giải.

 Sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí là: Học phí và sinh hoạt phí. Ảnh minh họa: TG
Sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí là: Học phí và sinh hoạt phí. Ảnh minh họa: TG

Thu hồi có dễ?

Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ GD&ĐT), Luật Giáo dục 2005, quy định sinh viên sư phạm không phải đóng học phí. Nhà nước miễn học phí cho sinh viên sư phạm thông qua cơ chế cấp ngân sách trực tiếp cho các cơ sở đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện chính sách này đã bộc lộ một số nhược điểm như: Không công bằng với ngành học khác; không thu hút được học sinh khá, giỏi vào ngành sư phạm, đào tạo không gắn với nhu cầu sử dụng…

Việc Chính phủ ban hành Nghị định 116/2020/NĐ-CP với những chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm nhằm khắc phục những hạn chế trên. Theo tính toán, với định mức sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng, sau 4 năm học tập, sinh viên sư phạm được hỗ trợ trên 140 triệu đồng. Cùng với học phí, một sinh viên sư phạm sẽ được Nhà nước “nuôi” khoảng 200 triệu đồng cho đến khi ra trường.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, quyền lợi phải đi kèm với trách nhiệm và nghĩa vụ. Vì thế với những trường hợp không làm việc theo đúng cam kết, trách nhiệm bồi hoàn như thế nào? Chúng ta sẽ giải quyết bài toán này ra sao? Một cán bộ tỉnh Quảng Nam cho biết, trước đây tỉnh cũng cử nhiều người theo diện đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng sau đó việc thu hồi ngân sách hỗ trợ với một số trường hợp không thực hiện đúng cam kết rất khó khăn. Thực tế này cũng diễn ra ở một số địa phương, thậm chí có những nơi phải khởi kiện ra tòa vì người được thụ hưởng chính sách hỗ trợ sau khi ra trường không về địa phương công tác và cũng không bồi hoàn kinh phí.

Ông Dương Xuân Huyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn viện dẫn: Tỉnh có khoảng 10 sinh viên thuộc diện cử tuyển vi phạm quy định và phải bồi hoàn chi phí đào tạo. Tỉnh đã giao cho các sở đôn đốc thu hồi kinh phí đào tạo, nhưng sau 5 lần thông báo vẫn chưa thu hồi được.

“Việc này rất khó khăn bởi không có chế tài để xử lý. Việc thu hồi kinh phí đào tạo sinh viên sư phạm này cũng vướng mắc tương tự nếu không có chế tài cụ thể” – ông Huyên nói, đồng thời đặt vấn đề: Với trường hợp không trúng tuyển khi tuyển dụng, hoặc sinh viên sư phạm của tỉnh này được hỗ trợ kinh phí đào tạo nhưng lại trúng tuyển vào làm giáo viên ở địa phương khác thì có phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ trong thời gian học tập hay không?

Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ góp phần thu hút học sinh vào ngành sư phạm. Ảnh minh họa: Internet
Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ góp phần thu hút học sinh vào ngành sư phạm. Ảnh minh họa: Internet

Rõ ràng, minh bạch

GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tán thành với quy định, nếu sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp không công tác trong ngành Giáo dục sẽ có trách nhiệm nộp trả kinh phí đã được hỗ trợ. Việc thu hồi áp dụng theo quy định Luật Giáo dục 2019 và các quy định của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ; trong đó gắn trách nhiệm của cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu trong việc thu hồi kinh phí hỗ trợ, ra thông báo thu hồi cho sinh viên sư phạm và gia đình về việc phải bồi hoàn kinh phí.

Tại Hội nghị triển khai thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí với sinh viên sư phạm, ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT) trao đổi:

Mục tiêu của Nghị định là hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu thực tế của địa phương, chứ không phải để thu hồi kinh phí. Do đó, nếu sinh viên sư phạm làm trong ngành Giáo dục bất cứ ở đâu trên cả nước, dù là môi trường công lập hay ngoài công lập, hoặc có xác nhận công tác trong ngành Giáo dục đều không phải bồi hoàn kinh phí. Chỉ với những trường hợp vi phạm cam kết, cố tình không bồi hoàn có thể áp dụng chế tài dân sự. Nếu 3 lần thông báo không nộp lại kinh phí có thể dùng các giải pháp theo quy định của Luật Dân sự để xử lý.

Ông Khánh nhấn mạnh: Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định chi tiết các trường hợp phải hoặc không phải bồi hoàn kinh phí đào tạo. Theo đó, sinh viên sư phạm phải bồi hoàn kinh phí đào tạo gồm những em không công tác trong ngành Giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp; làm việc không đủ thời gian công tác theo quy định; hoặc sinh viên sư phạm chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo, bị kỷ luật buộc thôi học.

Cũng theo ông Khánh, trách nhiệm thu hồi chi phí được giao cho UBND cấp tỉnh (ra thông báo thu hồi và thông báo cho sinh viên sư phạm, gia đình với các trường hợp phải bồi hoàn kinh phí).

Trường hợp sinh viên hoặc gia đình chậm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn quá thời hạn quy định phải chịu lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định đối với khoản tiền chậm bồi hoàn. Tối đa trong thời hạn 4 năm, kể từ ngày nhận được thông báo thu hồi kinh phí sinh viên sư phạm, sinh viên và gia đình các em có trách nhiệm nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn. Số tiền thu hồi từ kinh phí bồi hoàn được nộp vào ngân sách Nhà nước.

Với những sinh viên sư phạm thuộc các trường hợp như: Nghỉ học tạm thời, bị đình chỉ học tập tạm thời sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời gian nghỉ học hoặc bị đình chỉ học. Sinh viên dừng học do ốm đau, tai nạn, học lại, lưu ban (không quá một lần), dừng học vì lý do khác không do kỷ luật, được cơ sở đào tạo giáo viên xem xét cho tiếp tục học tập theo quy định, tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.