(GD&TĐ) - Được triển khai từ năm 2006 dựa trên những nền tảng có sẵn về kinh nghiệm và cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên nên chương trình tiên tiến của trường ĐH Bách khoa TP.HCM lĩnh vực chuyên ngành Hệ thống năng lượng, hệ thống thông tin được triển khai rất thuận lợi. Ban đầu, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ về kinh phí từ Bộ. Nhưng đến năm 2009 khi Bộ cắt kinh phí thì tính bền vững của chương trình vẫn được đảm bảo. Bởi Trường ĐH Bách khoa ngoài tiềm lực con người, nguồn kinh phí từ các công nghệ chuyển giao chúng tôi vẫn có thể tự tạo ra kinh phí từ chương trình để nuôi chương trình. Đây là một thành quả lớn nhất.
Giờ học của thầy và trò Trường ĐHBK TP.HCM |
Đạt được những thành quả như vậy, theo tôi nhận thấy trường Bách khoa đã rất linh hoạt trong mọi vướng mắc, chất lượng chương trình ngày càng tăng lên khi số sinh viên của chương trình ngày càng tăng, thu hút được nhiều sinh viên, sức lan tỏa của chương trình rất lớn. Đồng thời chất lượng giảng dạy cũng tăng theo. Chương trình ra đời là một đòi hỏi thực tế, giúp cho sinh viên được trải nghiệm nhiều hơn, có điều kiện nghiên cứu và phát huy năng lực nhiều hơn. Số giảng viên được cử đi sang các trường đối tác cũng tăng, mà cụ thể là trường Hoa Kỳ. Vì mục tiệu chương trình, và quy định của Bộ GD-ĐT mỗi một học kỳ chúng tôi đều có mời giáo sư ở Mỹ- trường đối tác qua giảng dạy. Trung bình có 3 – 4 giáo sư /học kỳ. Việc thỉnh giảng những giáo sư hàng đầu qua Việt Nam giảng dạy có tác dụng rất lớn khi nó tạo nên môi trường học tập, chương trình tiên tiến với phương pháp giáo dục hiện đại là có thật, việc thật; Giúp cho sinh viên cảm thấy tự tin hơn, thích hơn.
Để đạt được chất lượng thật sự và có hiệu quả trong việc triển khai các chương trình đào tạo, tôi thấy chúng ta cần có một hệ thống quản lý chặt chẽ, có đội ngũ trợ giảng đi vào quy cũ. Riêng với sinh viên theo học chương trình tiên tiến của Bách khoa, chúng tôi tạo điều kiện cho các em theo học chương trình của Hoa Kỳ một cách nhiều nhất, tiếp cận một phong cách học tập, giảng dạy mới, giáo trình từ Hoa Kỳ… Để sinh viên có điều kiện được tôi luyện tiếng Anh tốt hơn so với sinh viên chính quy.
Bên cạnh đó, để đạt được hiệu quả, chúng tôi còn tạo ra học bổng để khuyến khích SV với mong muốn thu hút được sinh viên đến với chương trình. Mức học bổng tùy theo vào năng lực của SV như 25%, 50%, 70% thậm chí 100%. Từ những thực tế mà chúng tôi đang triển khai, những ngành và chuyên ngành trong chương trình tiên tiến theo tôi nên hướng đến nhu cầu nhiều đối với sinh viên. Những ngành đang được ưa chuộng ở thời điểm hiện tại và những năm tới cần phát huy, những ngành cổ điển nên hạn chế vì nếu mở cũng sẽ rất khó thu hút SV.
Đối với khóa đầu tiên bắt đầu ra trường, chương trình tiên tiến thật sự là cơ hội lớn để chúng tôi thực hiện được chủ trương của Bộ: Đó là đem áp dụng hệ thống đào tạo của các trường ĐH tiên tiến vào Việt Nam. Sức lan tỏa ra bên ngoài nhiều, nhiều SV hệ chính quy (hệ SV bình thường) bị ảnh hưởng sâu sắc từ chương trình tiên tiến. Nhờ có chương trình tiên tiến, tạo ra được kinh phí nhất định để mời các giáo sư nước ngoài tạo sự trải nghiệm cho SV. Và nhờ có kinh phí đó, nên có thể gởi giáo viên qua nước ngoài đào tạo hàng tháng.
PGS.TS Nguyễn Hữu Phúc
(Trưởng khoa Điện - Điện tử, Phụ trách CTTT-ĐH Bách khoa TP.HCM)
Anh Tú (Ghi)