Sinh viên cần nhiều hơn ở những hội chợ việc làm

Sinh viên cần nhiều hơn ở những hội chợ việc làm
(GD&TĐ)- Ngày 5/12, Trung tâm giới thiệu việc làm Thanh niên Hà Nội (TTGTVLTNHN)-Thành đoàn Hà Nội phối hợp với ĐH Quốc tế Bắc Hà tổ chức  phiên chợ việc làm tháng 12/2010.
Đây là phiên chợ việc làm lần thứ 8 do TTGTVLTNHN phối hợp với các cơ sở đoàn tổ chức cho Thanh niên là sinh viên có cơ hội tìm được việc làm. Đã có gần 40 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng tại hội chợ.
Những kỳ vọng
Hội chợ việc làm sáng nay tại ĐHQT Bắc Hà, rất chật chội. Ảnh, gdtd.vn
 Hội chợ việc làm sáng nay tại ĐHQT Bắc Hà, rất chật chội. Ảnh, gdtd.vn
Phó Giám đốc TTGTVLTNHN Hoàng Anh Tuấn cho biết: mục đích của các phiên chợ được Thành đoàn phối hợp với các đơn vị cơ sở là cho các Doanh nghiệp và Thanh niên có cơ hội tiếp xúc trực tiếp để tìm hiểu nhu cầu và cơ hội giữa hai bên. Qua đó Doanh nghiệp có thể trực tiếp tuyển dụng được những vị trí cần tuyển đồng thời sinh viên cũng tìm được cơ hội việc làm dễ dàng hơn.
Ông Tuấn cho biết thêm, trong thời gian tới, TTGTVLTNHN sẽ thường xuyên đưa các phiên chợ như thế này về các cơ sở Đoàn tại các huyện, thị với quy mô lớn hơn để các Thanh niên tại đây có nhiều cơ hội việc làm hơn, bên cạnh đó, các Doanh nghiệp cũng có nhiều lựa chọn hơn trong việc tuyển dụng người lao động (NLĐ).
Anh Quản Trọng Lan, Phó bí thư đoàn- cán bộ P.Tổ chức-Tổng Công ty CP Sông Hồng cho biết: phiên chợ việc làm lần này, đơn vị đã huy động gần 20 cán bộ và bộ máy tuyển dụng đào tạo của trường Trung cấp nghề Vĩnh Phúc để phục vụ cho công tác tuyển dụng. Với số lượng tuyển dụng không giới hạn ở 16 ngành việc làm và trên 20 ngành đào tạo, anh Lan cho biết: bên cạnh nhân sự phục vụ, đơn vị đã chuẩn bị một phòng rất lớn cho công tác tuyển dụng. Với mong muốn đem lại cho NLĐ những thông tin hữa ích và tìm được việc làm phù hợp. 
Tuy nhiên, cho đến buổi sáng nay, số lượng Sinh viên và các đối tượng khác tìm đến gian hàng tuyển dụng của Tổng Công ty không nhiều, số người đăng ký được việc làm lại càng ít hơn. Anh Lan cho biết thêm: không riêng gian tuyển dụng của Tổng Công ty, các đơn vị khác cũng không có tình trạng tương tự như vậy và thành công của phiên chợ lần này là không lớn.
Để NLĐ và Doanh nghiệp tìm được tiếng nói chung
Theo ông Hoàng Anh Tuấn có nhiều nguyên nhân dẫn đến thành công của một phiên chợ. Ví dụ minh họa ở đây là, Công ty May 10 đem đến phiên chợ 200 suất việc làm có tay nghề nhưng kết quả tuyển dụng được NLĐ không nhiều. 
Nguyên nhân trong trường hợp này, ông tuấn đưa ra nhận định: đó là mức lương khởi điểm không hấp dẫn NLĐ. Ông cho biết: tại phiên chợ lần này, các Doanh nghiệp đem đến cho NLĐ nhiều cơ hội ở các ngành nghề khác nhau: quản lý, tư vấn tài chính, kế toán, xây dựng, may công nghiệp, tư vấn du học... Tuy nhiên, các mức lương khởi điểm đưa ra chỉ ở quanh mức trung bình từ 1,5-1,6 triệu đồng/tháng. "Nếu thu nhập với lương khởi điểm thì NLĐ sẽ không đủ trang trải cuộc sống với mức giá tiêu dùng tăng cao như hiện nay", ông Tuấn cho hay.
Sinh viên cần nhiều hơn ở những hội chợ việc làm ảnh 2
 Doanh nghiệp và NLĐ hiện nay đang rất khó tìm được những tiếng nói chung, lương khởi điểm. Ảnh, gdtd.vn
Để minh chứng cho việc tại sao các doanh nghiệp lại luôn rơi vào vòng xoáy thiếu hụt nhân lực, nhất là các ngành như may mặc, xây dựng tư vấn tài chính, bảo hiểm ông Tuấn cho biết: NLĐ mới nhận việc, lương thấp, mất mấy tháng làm quen với công việc mới, tay nghề chưa cao, không đủ sống nên sinh ra tâm lý chán nản, bỏ việc rất nhiều. 
Mặc dù đang làm việc tại một Công ty chuyên về các thiết bị điện tử văn phòng (xin giấu tên) tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long nhưng Nguyễn Thị Thu Hằng cùng một số công nhân nữa vẫn rủ nhau đi chợ việc làm. Hằng và các bạn cho biết: mặc dù làm ở đơn vị này khá lâu, hơn 2 năm nhưng lương bình quân của bọn em chỉ 1,6-1,8 triệu đồng/tháng, tùy vị trí công việc. 
Hằng khẳng định, với mức lương như trên tạm gọi là đủ sống nhưng sống với tiện nghi không cao, không có tích lũy. Lý do tại sao có việc mà vẫn đi hội chợ việc làm được Hằng cùng các bạn đưa ra rất giản đơn: đó là tìm việc có lương cao hơn. Nhưng chúng em hoàn toàn thất vọng vì mức lương đưa ra ở đây, thôi thì cứ làm ở vị trí cũ đợi Công ty có nhiều đơn hàng chịu khá đăng ký làm tăng ca thì vẫn có thêm tiền cải thiện cuộc sống. 
Nguyễn Hoàng Trung sinh viên năm cuối khoa Công nghệ thông tin- Trường ĐH Bắc Hà cho biết: đã may mắn tìm được việc làm tại hội chợ lần này. Vị trí mà Trung đăng kí làm việc là nhân viên bảo trì, lắp đặt và sửa chữa tại Công ty TNHH Dịch vụ tin học FPT. Trung cho biết lương khởi điểm chỉ 1,6 triệu xong đây là việc làm ban đầu để mình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm nên khi mới ra trường đáng để bỏ ra một thời gian theo làm. Khi đã có nhiều kinh nghiệm rồi, thu nhập sẽ cao hơn, sẽ kiếm được việc tốt hơn. 
Với tư cách là cán bộ Phòng Tổ chức của một đơn vị trực tiếp sản xuất và tham gia tuyển dụng, anh Lan cho biết: vòng luẩn quẩn: việc mới, lương thấp, không đủ sống, bỏ việc tìm việc khác là có thật và rất nhiều đơn vị gặp phải. Với Tổng công ty Sông Hồng, do có chiến lược liên kết đào tạo và tổ chức cho các sinh viên năm cuối đến các đơn vị trực thuộc Tổng công ty làm quen với công việc. Do vậy rất nhiều sinh viên ra trường đã trở lại đơn vị xin việc và đương nhiên sẽ dễ dàng hơn. Anh Lan cho biết, đây chính là nguồn lao động bền vững nhất.
Về cách thức tổ chức phiên chợ hôm nay, anh Lan phàn nàn về địa điểm tổ chức bất tiện cho sinh viên và NLĐ. Đây là địa điểm thực học của trường ĐH Bắc Hà nên nằm khuất khá sâu nên không ít người gặp khó khăn khi tìm đến. Cơ cấu việc làm tại phiên chợ này cũng không ổn. Theo anh Lan: những lần tới đây, TTGTVLTTN nên tổ chức những phiên chợ chuyên sâu hơn về tay nghề như: hội chợ việc làm có bằng cấp, tay nghề cao, hội chợ phổ thông, hội chợ ngành (may, xây dựng)...
Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ