Ra đời từ những điểm nóng giao thông
Được thai nghén từ giữa năm 2017 nhưng đến cuối tháng 4/2018, trợ lý ảo Vadi mới chính thức ra mắt. Đứa con cưng của nhóm sinh viên đến từ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội gồm trưởng nhóm Nguyễn Hoàng Kỳ cùng các thành viên Nguyễn Huỳnh Đức, Tô Thu Trang, Hoàng Sơn, Ân Nguyễn Quỳnh Anh ra đời từ chính những điểm nóng giao thông.
Ứng dụng Vadi - Trợ lý ảo dành cho lái xe với hai tính năng được tích hợp là bản đồ giao thông và báo nói. Ứng dụng này được cập nhật trên hệ điều hành Android hoặc iOS. Theo đó người dùng có thể tải miễn phí thông qua máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh.
Để tạo ra ứng dụng này, nhóm đã phát triển giải pháp hội thoại với người dùng bằng tiếng nói trên nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Với công nghệ tổng hợp tiếng nói (chuyển văn bản thành tiếng nói - Text To Speech) chất lượng cao, tự nhiên giống giọng người, Vadi mang đến cho người nghe những bài báo nói ngay tức thì mỗi khi có tin bài mới trên các báo điện tử.
Nguyễn Hoàng Kỳ chia sẻ: Hiện nay, giao thông đô thị Việt Nam đang gặp rất nhiều vấn đề như tắc đường, tai nạn, ngập lụt hay vi phạm luật giao thông, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TPHCM. Trước những bất cập đó, nhóm chúng em đã nghiên cứu và tìm ra giải pháp để khắc phục được vấn đề này, đó chính là Vadi.
Đến nay, ứng dụng đã có hơn 10.000 lượt tải về trên Appstore và Playstore. Vadi đã xuất sắc giành giải Nhì tại Cuộc thi “Học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”.
Trước đó, sản phẩm này cũng giành giải Ba và giải thưởng dành cho sản phẩm có ứng dụng trí tuệ nhân tạo ấn tượng nhất tại cuộc thi sáng tạo các giải pháp công nghệ giao thông thông minh.
Nguyễn Hoàng Kỳ chia sẻ: Hiện nay, giao thông đô thị Việt Nam đang gặp rất nhiều vấn đề như tắc đường, tai nạn, ngập lụt hay vi phạm luật giao thông, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TPHCM. Trước những bất cập đó, nhóm chúng em đã nghiên cứu và tìm ra giải pháp để khắc phục được vấn đề này, đó chính là Vadi.
Tính năng cá nhân hóa dẫn đường, cảnh báo giao thông thời gian thực có thể chỉ đường cho người dùng một cách nhanh chóng.
Đồng thời, ứng dụng cập nhật trạng thái giao thông theo lộ trình cũng như cảnh báo bằng giọng nói các sự cố giao thông. Trên đoạn đường tài xế di chuyển, nơi nào cần cảnh báo giao thông thì ứng dụng sẽ thông tin cho người dùng biết trước 300m bằng giọng nói tiếng Việt tự nhiên.
Cũng được ứng dụng bằng công nghệ trí thông minh nhân tạo Text To Speech, chức năng “Báo nói” cung cấp các tin tức kinh tế, xã hội, văn hóa, giải trí cho tài xế mọi lúc mọi nơi. Những bài viết từ trên 30 đầu báo điện tử hàng đầu Việt Nam sẽ được chuyển sang giọng đọc đa vùng miền và giới tính để phục vụ đội ngũ tài xế.
Để tận dụng được sức mạnh của cộng đồng lớn tham gia giao thông, nhóm sinh viên Bách khoa Hà Nội đã xây dựng mạng xã hội giao thông.
Các tài xế có thể chia sẻ những thông tin giao thông tới những người đang di chuyển bằng bình luận, chụp ảnh gửi lên bản đồ. Từ tính năng này, tài xế dễ dàng biết được tình hình giao thông cũng như những cảnh báo ở đoạn đường mình sắp đi tới để có hướng xử lý kịp thời.
Đến nay, sau hơn 8 tháng đưa ra thử nghiệm, rất nhiều khách hàng đã có những phản hồi tích cực về Vadi.
Tài xế Bùi Minh Tiến chia sẻ sau hơn 1 tháng dùng ứng dụng này: Ứng dụng hoạt động khá tốt. Hay nhất là trợ lý ảo về âm thanh, nhận diện giọng nói của tài xế để điều hướng giao thông. Không những vậy, giọng đọc trên ứng dụng rất truyền cảm, rõ ràng, tạo cho người nghe có cảm giác như đang được giao tiếp.
Hoàn thiện để sản phẩm tốt hơn
Nguyễn Hoàng Kỳ - Teamleader của dự án. Ảnh: Vân Anh. |
Sau khi giành giải Nhì Cuộc thi “Học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2018, trên cơ sở các phản hồi của người dùng, nhóm nghiên cứu VADI gồm 5 thành viên tiếp tục có các buổi họp bàn đưa ra những giải pháp hoàn thiện và phát triển các tính năng.
Nhóm sẽ tiếp tục cải thiện chức năng của ứng dụng, giúp ứng dụng thành một trợ lý ảo thực thụ có thể nói chuyện và tương tác với tài xế một cách tự nhiên nhất.
Theo kế hoạch khởi nghiệp của nhóm khởi nghiệp sáng tạo Vadi, 6 tháng cuối năm 2019, khi sản phẩm hoàn thiện 100% và có cộng đồng phát triển, người dùng thừa nhận tính hữu ích của VADI thì sản phẩm ứng dụng mới được đưa vào kinh doanh.
Nhóm sẽ thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất không có lợi nhuận, kéo dài 6 tháng cần đầu tư tới 75.000 USD để thâm nhập thị trường. Giai đoạn 6 tháng tiếp theo, Vadi sẽ sinh lời từ nguồn phí sử dụng ứng dụng và quảng cáo bằng giọng nói. Giai đoạn 3 là từ 12 tháng cuối, việc kinh doanh sản phẩm sẽ tiến tới hòa vốn và tăng trưởng.
Với những dự định đó, giờ đây các thành viên nhóm Vadi hy vọng sẽ nhận được sự hợp tác, hỗ trợ từ phía các nhà đầu tư để phát triển và đưa dự án Vadi vào hoạt động một cách trơn tru. Chỉ có như thế, mới có nhiều tài xế ô tô biết đến và sử dụng Vadi cũng như góp phần giải bài toán giao thông đô thị của Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu cho biết: “Trong chức năng Báo nói, chúng em sẽ xây dựng thêm chức năng nghe offline, người dùng có thể lưu những bài báo mà họ thích, không dùng mạng vẫn có thể nghe lại. Chúng em sẽ tiến tới xây dựng mạng xã hội của những người tài xế, để khi gặp sự cố trên đường, họ có thể đưa ra những cảnh báo hoặc kêu gọi trợ giúp từ những người tài xế ở xung quanh.
Thêm vào đó, chúng em cũng sẽ xây dựng chức năng Vadi có thể phản hồi trả lời những câu hỏi lệnh của người dùng tới trả lời lại bằng giọng nói tiếng Việt tự nhiên, làm sao để tạo cho Vadi trở thành người trợ lí ảo thực thụ có thể tương tác và nói chuyện với người tài xế”.
Trưởng nhóm Nguyễn Hoàng Kì tiết lộ, trước đây nhóm phát triển là dân kĩ thuật, sau khi mời các bạn sinh viên Trường Đại học Ngoại thương tham gia hỗ trợ các chiến dịch Marketing đã giúp Vadi mạnh hơn nhiều.
Với xu hướng sử dụng ô tô ngày càng gia tăng, trợ lí ảo cho lái xe chắc chắn sẽ là giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán giao thông còn nhiều bất cập hiện nay.