Sinh viên Anh 'thắt lưng buộc bụng' vì khủng hoảng

GD&TĐ -Ngành Giáo dục Anh đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng chi phí sinh hoạt sau Brexit và xung đột Nga – Ukraine. Nhiều sinh viên nước này đã rơi vào tình cảnh vô gia cư và cần được hỗ trợ kịp thời.

Các trường đại học cần tăng cường hỗ trợ sinh viên.
Các trường đại học cần tăng cường hỗ trợ sinh viên.

Lạm phát tăng cao

Đối với nữ sinh Saeda Dahab, 16 tuổi, sống tại Southampton, mỗi ngày đều trôi qua trong căng thẳng và âu lo không hồi kết. Khi Anh đối mặt với khủng hoảng chi phí sinh hoạt do lạm phát tăng cao từ sau xung đột giữa Nga và Ukraine, gia đình Saeda không nằm ngoài vòng ảnh hưởng. Thu nhập của gia đình em vẫn giữ nguyên ở mức trung bình trong khi tiền điện nước, thực phẩm “tăng phi mã”.

Một vài tháng trước, Saeda bắt đầu làm thêm ngoài thời gian học để phụ giúp gia đình. Nữ sinh cũng không đi chơi hay đi học thêm để tiết kiệm. Chưa dừng lại ở đó, Saeda dự định học nghề thay vì học đại học như mong muốn khi tính đến chi phí học đại học hiện nay tương đối đắt đỏ.

“Với tình hình này, tương lai sẽ ngày càng u ám hơn thực tại”, nữ sinh 16 tuổi giãi bày.

Để đối phó với tình trạng khủng hoảng tăng cao, anh James Hazzard, nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Imperial College London, cho biết ngoài thời gian học, anh phải làm thêm theo ca ở quán rượu và đăng ký dạy thêm 300 giờ để trả các hóa đơn.

“Lạm phát đang cướp đi thời gian rảnh rỗi, năng lượng, năng suất và sức khỏe tinh thần của tôi. Nếu tôi bị ốm, tôi sẽ không được nhận bất kỳ khoản trợ cấp nào mà cũng không thể làm thêm để trả tiền sinh hoạt”, anh Hazzard bày tỏ.

Không chỉ học sinh, sinh viên, các trường đại học và ngành Giáo dục Anh nói chung đang phải đối mặt với tình hình tài chính ảm đạm. Theo thông tin từ Viện Nghiên cứu Tài khóa Anh, chi tiêu cho mỗi học sinh vào năm 2025 sẽ thấp hơn so với chi tiêu vào năm 2010 do ngân sách phân bổ cho giáo dục bị bó hẹp sau khủng hoảng.

Đồng tình với kết quả nghiên cứu, lãnh đạo các trường học trên cả nước chia sẻ phải vật lộn để cân đối ngân sách trong khi hóa đơn thực phẩm, năng lượng tăng cao. Nhiều trường thậm chí bị thâm hụt tài chính và phải cắt giảm nhiều khoản chi quan trọng dành cho giáo dục.

Một nữ giáo viên cho biết, hóa đơn tiền điện tại trường của cô đã tăng từ 75 nghìn bảng Anh vào năm 2021 (khoảng 2,1 triệu đồng) lên 213 nghìn bảng Anh vào năm 2022 (khoảng 6 triệu đồng). Chưa kể, giáo viên yêu cầu tăng lương khi khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến điều kiện sống không được đảm bảo. Tuy nhiên, nguồn ngân sách hiện tại của các trường không thể đáp ứng những nhu cầu trên cùng lúc.

Từ sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu vào năm 2020 (sự kiện Brexit), chi tiêu dành cho giáo dục của nước này thường xuyên bị đánh giá nằm ở mức thấp. Nguồn tài trợ của Nhà nước dành cho giáo dục sụt giảm buộc các trường phải cắt giảm chi tiêu đến “tận xương tủy”.

Bộ Giáo dục Anh cho biết, các trường đại học và sinh viên Anh đối mặt với khủng hoảng chi phí do lạm phát tăng “chưa từng có”.

“Để hỗ trợ các trường học, Bộ Giáo dục sẽ tăng thêm 7 tỷ bảng vào nguồn ngân sách phân bổ cho các trường học vào năm 2024 – 2025 so với năm 2021 – 2022. Tổng ngân sách cho trường học dự kiến tăng lên 56,8 tỷ bảng”, đại diện Bộ Giáo dục cho biết.

Sinh viên vô gia cư tăng cao

Những sinh viên vô gia cư luôn phải sống trong chỗ thuê tạm thời hoặc phải chuyển nơi ở liên tục. Thậm chí, có người đã phải chuyển chỗ ở 9 lần. Sinh viên khó tập trung vào việc học vì tâm trí họ luôn phải suy tính sắp tới sẽ ở đâu, thu xếp chỗ ở ra sao.

Theo bà Julia Harndern, thành viên Hiệp hội Các nhà lãnh đạo trường học và đại học (ASCL), tình hình của giáo dục đại học thậm chí còn tồi tệ hơn đánh giá của Bộ Giáo dục hiện nay. Ước tính, tài trợ đại học cho mỗi học sinh vào năm học 2024 – 2025 sẽ thấp hơn 10% so với năm học 2010 – 2011. “Nếu muốn nâng cao trình độ học sinh, chính phủ phải cung cấp các nguồn lực cần thiết để thực hiện tham vọng đó”, bà Harndern nhấn mạnh.

Báo cáo của Viện Chính sách Giáo dục Đại học (Hepi) chỉ ra tình trạng sinh viên trở thành người vô gia cư tại Anh dự kiến sẽ tăng lên. Do không thể trả tiền thuê nhà, nhiều sinh viên rơi vào tình trạng “vô gia cư ẩn” khi chấp nhận ngủ nhờ trên sofa nhà người khác để có nơi che mưa chắn gió.

Là chuyên gia nhà ở và khả năng hòa nhập, PGS Patrick Mulrenan, Trường Đại học Metropolitan London, đã theo dõi tình trạng vô gia cư trong sinh viên ở London. Nghiên cứu của ông chỉ ra nhiều sinh viên phải ngủ trên sàn nhà, ở nhờ nhà bạn bè, người thân, hoặc nhà trọ, khu tá túc tạm thời. Phần lớn trong số họ bị đẩy tới tình trạng vô gia cư do không đủ tiền thuê nhà.

“Mỗi khi tôi giảng về tình trạng vô gia cư, nhiều sinh viên lại liên hệ với tôi sau buổi học để kể về tình trạng các em không có nhà ở. Tôi nghĩ tình trạng này chưa được theo dõi chặt chẽ nên đã gửi email khảo sát sinh viên trong trường”, PGS Patrick Mulrenan cho biết.

Vị chuyên gia rất bất ngờ khi phỏng vấn 16 trong số 29 người tham gia khảo sát. Không chỉ sinh viên quốc tế, sinh viên tại Anh và gia đình họ cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Vấn đề vô gia cư tồn tại rõ ràng và ảnh hưởng rất lớn đến sinh viên và gia đình họ.

Trước tình hình trên, Hepi kêu gọi các trường đại học tăng cường hỗ trợ sinh viên, chấm dứt tình trạng sinh viên vô gia cư theo mọi hình thức.

Ông Greg Hurt, tác giả của báo cáo Hepi, cho biết: “Mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục đại học đồng nghĩa với mở rộng thành phần sinh viên của một trường đại học. Vì vậy, chúng ta cần chấp nhận nhiều người học khó khăn, đối mặt với nguy cơ không có nhà ở cao hơn”.

Ông cũng cho hay khi lạm phát lên đến hơn 9%, bắt đầu từ mùa thu, nhiều sinh viên phải vật lộn để chi trả chi phí ăn uống, sinh hoạt cao hơn. Nhiều trường đại học nên cân nhắc họ đã hành động đủ để ngăn chặn tình trạng vô gia cư trong các sinh viên Anh hay chưa.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.