Sinh viên Anh vướng vào đường dây buôn người

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Các trường đại học Anh kêu gọi cảnh giác cao độ với nạn buôn người sau khi nhiều nạn nhân bị nghi ngờ đến Anh bằng thị thực sinh viên rồi biến mất và được tìm thấy bị bóc lột lao động ở các khu vực cách trường hàng trăm km.

Trường Đại học Teesside, Anh.
Trường Đại học Teesside, Anh.

Báo cáo gần đây của Cơ quan Quản lý vấn đề lạm dụng Lao động Anh (GLAA) cho biết du học sinh Ấn Độ theo học tại các trường đại học Greenwich, Chester và Teesside đã nghỉ học dù mới đến Anh một thời gian ngắn.

Những người này được tìm thấy đang làm việc cho một trung tâm chăm sóc người cao tuổi tại Wales và sống trong điều kiện tồi tàn. 12 người chen chúc trong một căn phòng nhỏ, hẹp chỉ có 3 chiếc giường. Du học sinh phải làm việc đến 80 tiếng/tuần, nhiều hôm tăng ca gấp đôi nhưng chỉ nhận lương dưới mức tối thiểu.

“Các sinh viên hầu như không đến trường hoặc bỏ học hoàn toàn. Một số sinh viên thuê người lạ học trực tuyến để đánh lừa trường rằng họ vẫn đang theo học”, báo cáo của GLAA chỉ ra.

Báo cáo dựa trên cuộc điều tra của tờ báo Observer, Anh, phản ánh nạn bóc lột lao động phổ biến trong các trung tâm chăm sóc người già, người khuyết tật tại Anh.

Nạn nhân chủ yếu là người Ấn Độ, Philippines và các quốc gia châu Phi. Họ có thể là sinh viên hoặc người lao động giả thị thực sinh viên và đăng ký theo học tại các cơ sở giáo dục Anh.

Họ phải trả phí tuyển dụng bất hợp pháp lên tới 18 nghìn bảng Anh (khoảng 500 triệu đồng). Một số người bị ép làm việc không lương để trả số nợ này và bị tịch thu hộ chiếu.

Trong một trường hợp khác, các sinh viên được phát hiện sống trong một khu nhà ở Birmingham. Họ cũng bị tịch thu hộ chiếu và buộc phải làm việc trong điều kiện khổ cực.

Tổ chức từ thiện Unseen UK đánh giá đây là đường dây nô lệ hiện đại. Những người này đến từ Ấn Độ, vốn tiếng Anh kém, bị buộc phải làm việc theo ca 24 giờ không nghỉ và được trả lương thấp đến mức không đủ tiền ăn uống. Vụ việc đã được chuyển cho cơ quan điều tra Anh.

Bà Meri Ahlberg, Giám đốc Nghiên cứu tại tổ chức từ thiện Focus on Labour Exploitation, cho biết trong bối cảnh Anh thiếu người lao động, mối lo về nạn bóc lột người nước ngoài sang làm việc bất hợp pháp theo thị thực sinh viên ngày càng gia tăng.

“Nhiều người chịu áp lực, phải làm việc trái với quy định trong thị thực dành cho sinh viên. Nhưng họ không thể phản kháng vì nếu chủ lao động báo cáo lên cơ quan quản lý nhập cư, họ sẽ bị tước quyền sống tại Anh” bà Meri Ahlberg phân tích.

Khi vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng, các tổ chức kêu gọi tăng cường giám sát thị thực sinh viên và các trường đại học cần siết chặt kỷ luật, quy định. GLAA kiến nghị các cơ sở giáo dục cần sàng lọc kỹ việc đăng ký xét tuyển, quá trình nhập học của du học sinh để phát hiện sớm nạn bóc lột lao động núp bóng du học.

Là một trong những trường có sinh viên quốc tế bị bóc lột lao động, Trường ĐH Teesside vẫn khẳng định họ có quy định nghiêm ngặt về an toàn và phúc lợi cho sinh viên. Họ thường xuyên theo dõi mức độ chuyên cần của người học, đồng thời có kênh hỗ trợ sinh viên.

Cơ quan Thống kê Giáo dục Đại học cho biết sinh viên quốc tế là nguồn thu chính của các trường đại học. Năm học 2020 - 2021, Anh có hơn 600 nghìn du học sinh, trong đó, 3/4 người đến từ các nước ngoài Liên minh châu Âu. Viện Nghiên cứu Tài khóa ước tính học phí từ sinh viên quốc tế chiếm khoảng 17% tổng thu của ngành giáo dục.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Động lực nâng cao chất lượng

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh 2024, ĐHQG TPHCM tiếp tục dành từ 5% đến tối đa 20% tổng chỉ tiêu cho phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của đại học này.