Anh: Cắt giảm sinh viên do khủng hoảng học phí

GD&TĐ -Các cơ sở giáo dục đại học tại Anh có thể buộc phải cắt giảm số lượng sinh viên, đội ngũ nhân viên và gộp lớp học trong năm học mới.

Sinh viên Anh có thể phải nhường suất học cho sinh viên quốc tế.
Sinh viên Anh có thể phải nhường suất học cho sinh viên quốc tế.

Trước tình hình trên, các trường kêu gọi chính phủ can thiệp để ngăn chặn khủng hoảng khi học phí giảm mạnh.

Nhóm các trường đại học danh tiếng Russell cho biết các trường đã lỗ 1.750 bảng/học sinh/năm trong thời gian dạy trực tuyến vì học phí giữ nguyên trong một thập kỷ và không theo kịp lạm phát. Ước tính, số tiền này sẽ lên tới 4.000 bảng vào năm 2024. Do đó, một số trường sẽ phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh trong nước, mở rộng tuyển sinh quốc tế hoặc học viên cao học.

Năm 2012, mức giới hạn trần học phí đại học tại Anh là 9.000 bảng, sau đó được tăng lên thành 9.250 bảng kể từ năm 2017 và giữ nguyên đến nay. Ước tính, mức trần học phí vẫn giữ nguyên cho đến năm học 2024 – 2025. Nhưng mức học phí hiện nay được các trường nhận xét là “thấp” trong bối cảnh khủng hoảng chi phí.

GS Steve West, Chủ tịch Hội đồng các trường đại học Vương quốc Anh, cho biết nếu học phí giữ nguyên, các trường đại học sẽ phải xem xét mở rộng quy mô như gộp các lớp học nhỏ thành lớp học lớn, cắt giảm nhân viên...

Nhiều trường đại học chọn tăng số lượng sinh viên quốc tế, học viên cao học bởi học phí của nhóm đối tượng này không bị giới hạn trong mức trần của chính phủ. Trong tương lai nếu các khoản lỗ lớn dần, các trường buộc phải cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh sinh viên trong nước, đặc biệt với những ngành học quan trọng như khoa học, kỹ thuật và công nghệ vì chi phí giảng dạy cao.

Ông Mark Corver, đồng sáng lập Công ty Tư vấn tuyển sinh dataHE, nhận định tỷ lệ cạnh tranh vào các trường đại học Anh năm 2022 sẽ tăng cao so với các năm trước đó khi các trường giảm chỉ tiêu tuyển sinh trong nước.

“Học sinh trung học năm 2022 có điểm GCSE cao vượt trội so với các năm khác nên các em mong đợi có thể trúng tuyển các trường đại học tốp đầu. Tuy nhiên, với tình hình này chúng tôi không rõ các trường sẽ tính điểm xét tuyển ra sao, có bất lợi nào cho thí sinh năm nay hay không”, ông Mark chia sẻ.

Theo chuyên gia này, giáo dục đại học Anh luôn được đánh giá cao trên thế giới nhưng nguồn tài chính của các trường chưa cân xứng. Nếu được chính phủ đầu tư tốt hơn, các trường có thể nâng cao khả năng giảng dạy và kỹ năng cho thế hệ sinh viên.

Ngược lại, nếu thiếu sự đầu tư kịp thời, giáo dục đại học Anh có thể không giữ vững phong độ. Khi chi phí giảm, các trường buộc phải cắt giảm nhân sự dẫn đến một giảng viên phải giảng dạy nhiều lớp hơn, khối lượng công việc cao hơn. Từ đó, họ không có nhiều thời gian tư vấn, hỗ trợ sinh viên. Chưa kể đến cơ sở vật chất, phòng học không được đầu tư cải thiện làm giảm trải nghiệm học tập.

Trong khi người phát ngôn của Bộ Giáo dục Anh cho biết, chính phủ đang hỗ trợ các trường đại học với khoản tài trợ bổ sung là 750 triệu bảng Anh trong ba năm tới. Bộ Giáo dục cũng sẽ tăng tài trợ cho các trường đào tạo ngành học có chi phí cao lên 817 triệu bảng Anh.

“Hệ thống tài chính phải công bằng với tất cả sinh viên. Việc chúng ta giữ mức trần học phí là chính sách phù hợp, giúp giảm gánh nặng học phí và nợ học phí cho sinh viên.

Chúng tôi mong đợi các trường đại học tiếp tục cung cấp chất lượng giảng dạy tốt. Đây cũng là điều sinh viên mong muốn và xứng đáng được hưởng”, người phát ngôn của Bộ Giáo dục Anh cho biết.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.