Sinh nhật trong âu lo

GD&TĐ - Ba ngày họp cấp cao của NATO được Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì ở thủ đô Washington của nước Mỹ.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Nhưng cũng chính vì những điều này mà NATO kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 trong âu lo nhiều hơn là tưng bừng phấn khởi.

Thật ra, NATO không phải không có lý do xác đáng để vui mừng trong dịp kỷ niệm sinh nhật năm nay. Chẳng gì thì tổ chức đã thu nạp thêm hai thành viên ở Bắc Âu là Phần Lan và Thụy Điển, qua đó khép được vòng cánh cung phía Bắc bao vây Nga.

23 thành viên NATO đã thực hiện cam kết dành ít nhất 2% GDP hàng năm cho ngân sách quốc phòng và quân sự. Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã giúp NATO chấn chỉnh nội bộ và phát huy được vai trò quyết định.

Ngoài ra, NATO hiện có niềm tin chắc chắn là có đủ năng lực thực tế để buộc Nga phải thất bại ở cả cuộc chiến tranh với Ukraine và cuộc đối đầu với phương Tây. Nhờ đó, tổ chức này trở thành một trong những tác nhân quyết định hòa bình, an ninh, ổn định và tương lai của châu Âu.

Nhưng trên thực tế, nhiều mối lo âu và quan ngại phủ bóng đen xuống cuộc gặp cấp cao năm nay của NATO. Nổi bật là tình trạng sức khỏe của ông Biden, bầu cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ và khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại cầm quyền.

NATO càng đánh giá cao ông Biden bao nhiêu về công lao làm cho tổ chức thống nhất và hoạt động hiệu quả trở lại thì càng bất an bấy nhiêu về kịch bản ông Trump thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.

Bởi thế, chủ định của NATO ở cuộc gặp cấp cao năm nay là tranh thủ khi ông Biden còn tại nhiệm để làm những gì có thể cũng như bảo đảm rằng thành quả không bị ông Trump nếu như trở lại cầm quyền Mỹ cũng không thể đảo ngược được, đặc biệt trong vấn đề tiếp tục hậu thuẫn Ukraine về tài chính và quân sự.

Theo tinh thần ấy, NATO đã thông qua gói viện trợ quân sự 43 tỷ USD cho Ukraine, đồng thời quyết định xây dựng những trung tâm huấn luyện mới để giúp Ukraine.

Thật ra, những mối âu lo của NATO đặt ra ở trên chỉ là nhất thời và không phải cơ bản. Ông Trump dẫu có trở lại cầm quyền thì cũng sẽ không đưa nước Mỹ ra khỏi NATO. Trong tương lai, Mỹ vẫn cần NATO và ngược lại. Ông Trump chẳng qua chỉ tiếp tục chơi cái gọi là “con bài NATO” mà thôi.

Mối lo ngại chính mà tổ chức này không muốn để lộ ở cuộc gặp cấp cao năm nay là lo ngại về liệu có thắng nổi Nga hay không, đối phó được Trung Quốc hay không trong tương lai? Đồng thời họ còn có thể tiếp tục đổ tiền của và vũ khí vào Ukraine bao nhiêu lâu nữa?

Trung Quốc là đối thủ mới trong khi Nga là đối thủ cũ của NATO, song tổ chức này lại không thể dùng cách thức cũ để đối phó. Cuộc chiến tranh ở Ukraine bây giờ càng dai dẳng thì thách thức và rủi ro đối với NATO càng lớn, và họ tìm kiếm nhưng chưa thể có câu trả lời cho nhiều câu hỏi đã được đặt ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.