Đây được xem là một trong những mối đe dọa lớn, góp phần gây ra những đợt sụt giảm mạnh. Đáng lo ngại hơn, nhiều doanh nghiệp dính phải “tin đồn” đã mất hàng nghìn tỷ đồng vốn hóa chỉ vì hành động bán tháo ồ ạt của nhà đầu tư. Hiện tượng này xuất phát từ tâm lý “không có lửa làm sao có khói”.
Nghìn tỷ đồng bốc hơi vì tin giả
Mới đây, thông tin giả về việc ông Bùi Thành Nhơn thôi làm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va - Novaland (NVL) từ ngày 20/1 đã khiến vốn hóa của công ty này “bốc hơi” 1.053 tỷ đồng chỉ trong 1 ngày.
Cụ thể, tin đồn xuất hiện vào đầu giờ sáng ngày 14/1 khiến mã cổ phiếu NVL trong phiên giao dịch này liên tục chịu áp lực bán mạnh, kết thúc ở mức 8.950 đồng/cổ phiếu - thấp nhất trong lịch sử, giảm 5,69% so với phiên liền trước.
Ngay tối cùng ngày, Novaland phải ra thông cáo lên tiếng về tin đồn trên. Novaland khẳng định, đây là thông tin bịa đặt, hoàn toàn sai sự thật, gây hiểu lầm nghiêm trọng cho khách hàng, đối tác, cổ đông, nhà đầu tư của Novaland, gây xôn xao dư luận.
“Hiện, Novaland vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định và không có bất kỳ sự xáo trộn nào trong đội ngũ ban lãnh đạo công ty”, đại diện Novaland thông tin.
Trước đó ít ngày, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) cũng ra thông báo khẩn về việc đã nhận được thông tin về một số cá nhân lợi dụng mạng xã hội để phát sóng trực tiếp (livestream) đưa thông tin bịa đặt, thất thiệt về lãnh đạo ACB đánh bạc, chuyển tiền ra nước ngoài hàng chục triệu USD…
Theo ACB, các thông tin trên là sai sự thật và có nguy cơ gây xáo trộn, hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến an ninh tài chính, tiền tệ của ngành tài chính, ngân hàng tại Việt Nam. Phía ngân hàng đã thực hiện thu thập toàn bộ những nội dung đăng tải, lan truyền thông tin sai sự thật theo đúng trình tự pháp luật để báo cáo sự việc đến các cơ quan quản lý có thẩm quyền xử lý theo đúng pháp luật.
Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch chứng khoán ngày 6/1, cổ phiếu ACB giảm về mức 24.800 đồng/cổ phiếu, giảm 300 đồng/cổ phiếu so với giá tham chiếu, tương ứng giảm 1,2%. Khối lượng khớp lệnh đạt 11,4 triệu đơn vị. Mặc dù chỉ giảm 1,2% nhưng cũng đã lấy đi của ACB hơn 1.340 tỷ đồng giá trị vốn hóa trong phiên này.
Liên quan đến thông tin giả này, tại buổi họp báo tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội năm 2024 và kế hoạch năm 2025, Công an TPHCM đã khẳng định, vụ việc Chủ tịch Ngân hàng ACB Trần Hùng Huy bị xúc phạm trên mạng xã hội sẽ được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nếu bị hại có đơn tố giác.
Trên thực tế, ACB và NVL không phải là doanh nghiệp đầu tiên bị “bốc hơi” nghìn tỷ trên sàn chứng khoán khi vướng tin đồn thất thiệt. Còn nhớ, giữa tháng 10/2024, trên các trang mạng xã hội lan truyền hình ảnh có ghi nội dung “Đơn kiến nghị và phản ánh khẩn cấp về rủi ro nghiêm trọng dẫn đến mất an toàn hoạt động và nguy cơ sụp đổ hệ thống Eximbank”.
Ngay sau đó, Eximbank (EIB) phát ra thông cáo khẳng định tài liệu lan truyền trên mạng xã hội nêu trên không phải là văn bản của ngân hàng này và không xuất phát từ ngân hàng. Dù vậy, tin đồn đó đã ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu EIB. Kết thúc phiên 14/10/2024, gần 42,7 triệu cổ phiếu EIB được giao dịch khớp lệnh, giá trị tương ứng với gần 780 tỷ đồng, khối ngoại bán ròng với hơn 5,3 triệu đơn vị, tương đương giá trị 97 tỷ đồng.
Xa hơn, trong phiên 8/8/2024, cổ phiếu TCH của Công ty CP đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy cũng bị bán tháo về mức giá 16.600 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa của công ty “bốc hơi” khoảng 1.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân khiến cổ phiếu này bị bán tháo là do có “tin đồn” tại các hội nhóm về việc doanh nghiệp bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước điều tra giao dịch trong giai đoạn 2021 - 2022.
Mức xử phạt chưa đủ sức răn đe
Phản ứng của thị trường chứng khoán với thông tin, tin đồn rất mạnh, đánh vào tâm lý nhà đầu tư, thậm chí tạo hoảng loạn thị trường. Trong khi đó, khi vướng tin đồn, nhiều doanh nghiệp đã ngay lập tức lên tiếng trấn an nhà đầu tư, nhưng sự phục hồi ì ạch của nhiều mã chứng khoán cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào thương hiệu doanh nghiệp đã bị tổn thương nghiêm trọng.
Liên quan trách nhiệm pháp lý đối với đối tượng đưa tin giả, tin sai sự thật, nhiều ý kiến cho rằng quy định tại Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm cá nhân (đối với tổ chức); còn đối với cá nhân có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng được cho là chưa đủ sức răn đe.
Chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, không ít trường hợp, các tin đồn, tin giả đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh và gây tổn hại nghiêm trọng đến thương hiệu sản phẩm. Dù sau đó được “minh oan”, sản phẩm hoặc doanh nghiệp vẫn khó có thể khôi phục vị thế và lấy lại thị phần đã mất.
Trong những tình huống như vậy, tâm lý nhà đầu tư thường rất dễ bị tác động, đặc biệt khi thông tin chưa được kiểm chứng. Việc hoảng loạn, bán tháo cổ phiếu hay rút tiền ngay khi nghe tin đồn thường chỉ dẫn đến những tổn thất không đáng có.
“Tôi cho rằng, chế tài hiện nay phạt người tung tin đồn quá nhẹ nên không đủ sức răn đe. Tôi kiến nghị tăng mức phạt và phải làm rõ về mục đích của việc tung tin đồn bao gồm: Cố tình câu view gây biến động xã hội; nói xấu, trả thù trên mạng; các nhà đầu cơ tạo sóng cho những loại chứng khoán; hoặc những mục đích để thâu tóm hay phá hoại thị trường… nếu nghiêm trọng thì phải xử lý hình sự”, chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, kiến nghị.