Thượng đỉnh và cánh cửa NATO

GD&TĐ -Trong 10 năm nữa, cánh cửa NATO cũng không mở ra với Ukraine, giờ đây, Kiev phải học cách nhận lấy chứ không phải đòi hỏi ở hội nghị Thượng đỉnh NATO

Ukraine sẽ không gia nhập NATO trong vòng 10 năm tới, đón tin không vui ở hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Washington.
Ukraine sẽ không gia nhập NATO trong vòng 10 năm tới, đón tin không vui ở hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Washington.

Truyền thông Pháp trích dẫn các nguồn tin cho biết, hội nghị thượng đỉnh của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tới đây ở Washington sẽ đưa Kiev đến những cảm xúc hụt hẫng.

Nguồn tin nói với AFP rằng, NATO dự kiến sẽ gửi tín hiệu rõ ràng tới Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky rằng, Ukraine sẽ không sớm trở thành thành viên của khối quân sự hàng đầu thế giới và Ukraine sẽ phải chấp nhận bất cứ điều gì mà phương Tây đưa ra vào thời điểm này.

Các nhà lãnh đạo NATO sẽ tái khẳng định thiện chí tiếp tục ủng hộ Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington vào cuối tuần này.

Tuy nhiên, "họ sẽ không trao cho Zelensky thứ mà ông ấy mong muốn nhất: lời mời chắc chắn để đất nước đang bị chiến tranh tàn phá của ông gia nhập liên minh sở hữu vũ khí hạt nhân của họ trong thời gian tới".

Các quan chức phương Tây giấu tên cho biết, họ hy vọng điều này sẽ tránh được sự rạn nứt công khai với Ukraine tại sự kiện này, tương tự như sự kiện đã xảy ra vào năm ngoái khi ông Zelensky chỉ trích NATO vì chính sách "chưa từng có và vô lý" khi không đặt ra khung thời gian cho việc Ukraine gia nhập.

Theo một số nhà ngoại giao, “Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nêu ra những nội dung được đưa ra trong cuộc họp với nhà lãnh đạo Ukraine trước đó”.

Một nguồn tin nói: "Bối cảnh hiện tại đã khác. Zelensky sẽ phải chấp nhận bất cứ điều gì được đưa ra."

Truyền thông Pháp cũng trích dẫn lời các quan chức Ukraine rằng Kiev đã chấp nhận thực tế là họ sẽ không nhận được lời mời gia nhập NATO tại hội nghị thượng đỉnh ở Mỹ sắp tới. Đồng thời, họ nói thêm rằng Ukraine có ý định thúc đẩy "cảm giác tội lỗi" giữa các thành viên NATO để đạt được các mục đích khác.

Về các cam kết cụ thể của NATO, nguồn tin nói rằng, khối sẽ đưa ra lời hứa với ông Zelensky trong việc cung cấp hệ thống phòng không mới, cùng các biện pháp khác nhằm hỗ trợ Ukraine được "đặt trên nền tảng quân sự vững chắc hơn".

Theo một nhà ngoại giao, lời hứa về hệ thống phòng không mới trong trường hợp không có các cam kết thực chất khác, sẽ cho phép ông Zelensky tuyên bố hội nghị thượng đỉnh là chiến thắng cho Kiev.

"Bạn muốn gì hơn? Những lời hay ý đẹp trong một tuyên bố không có nhiều ý nghĩa hay là sự hỗ trợ quân sự của NATO?" - nguồn tin nói.

Trong một cuộc phỏng vấn với CBS News vào hôm 7/7 mới đây, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đã đề cập đến khả năng Ukraine gia nhập khối là câu chuyện khó có thể xảy ra trong thập kỷ tới. Ông Stoltenberg nói thêm rằng tư cách thành viên của Kiev phụ thuộc vào việc liệu nước này có giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga hay không.

“Chà, không ai nói chính xác là 10 năm nhưng rõ ràng đây là vấn đề rất nghiêm trọng cần phải đưa Ukraine vào. Ukraine hiện là một quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh" - vị Tổng Thư ký sẽ hết nhiệm kỳ vào tháng 10 năm nay nói.

Ông nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất đối với NATO hiện nay là “tăng cường hỗ trợ cho Ukraine để đảm bảo Ukraine chiến thắng. Đó là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ tư cách thành viên nào trong tương lai của Ukraine”.

Các quốc gia thành viên NATO lần đầu tiên đồng ý rằng Ukraine cuối cùng sẽ gia nhập NATO vào năm 2008 mà không đưa ra mốc thời gian cụ thể. Sau cuộc đảo chính do phương Tây hậu thuẫn ở Kiev năm 2014, Ukraine đã chỉ định tư cách thành viên NATO là mục tiêu chính sách đối ngoại chiến lược.

Vào mùa thu năm 2022, nước này đã nộp đơn chính thức lên khối sau khi 4 khu vực trước đây của Ukraine bỏ phiếu và quyết định gia nhập Liên bang Nga.

Moscow coi việc NATO mở rộng về phía biên giới của mình là mối đe dọa hiện hữu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rằng ý định gia nhập khối của Ukraine là một trong những lý do chính dẫn đến xung đột. Moscow cũng nói rằng sự trung lập của Kiev là điều kiện tiên quyết quan trọng cho hòa bình bền vững với nước láng giềng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.