Nơi dự kiến phương án, nơi chưa có kế hoạch
Thời điểm này, có địa phương sớm dự kiến phương án, kế hoạch cho kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện/tỉnh sao cho phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó, không ít địa phương thông tin chưa có kế hoạch cho việc này.
Với Phú Thọ, thông tin từ Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phùng Quốc Lập, sở GD&ĐT đang dự thảo xin ý kiến về kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 từ năm học 2024 - 2025. Theo đó, dự kiến tổ chức thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh không tách đơn môn mà sẽ thi môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Xác định ban đầu có khó khăn nhất định, sở GD&ĐT sẽ xây dựng đề minh họa gửi các huyện tham khảo; đồng thời tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên dạy bồi dưỡng đội tuyển.
Ông Trịnh Văn Ngoãn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long - cho biết: Vĩnh Long và nhiều địa phương trên cả nước tổ chức thi học sinh giỏi cấp THCS cấp huyện, tỉnh đối với một số môn như: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Tin học. Từ năm học 2024 - 2025, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai đến lớp 9. Việc không còn môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý (thay bằng môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý) có thể dẫn đến thay đổi về môn thi học sinh giỏi.
Để chuẩn bị cho thay đổi này, ông Trịnh Văn Ngoãn cho rằng, việc cần làm sớm là đề thi. Đề thi phải dựa vào ma trận đặc tả, trong đó có cơ cấu hợp lý kiến thức từng phân môn. Cần có ngân hàng đề đủ lớn, có độ tin cậy, tính phân hóa, phù hợp với mục tiêu chọn học sinh giỏi. Ngành Giáo dục Vĩnh Long và các cơ sở giáo dục đã và đang xây dựng ngân hàng đề phục vụ dạy học, kiểm tra đánh giá và các kỳ thi, trong đó có thi học sinh giỏi.
Sở GD&ĐT Bắc Giang mới đây ban hành kế hoạch nâng cao kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi trên địa bàn tỉnh năm học 2023 - 2024 và những năm tiếp theo. Kế hoạch có phân tích kết quả công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và những nội dung còn hạn chế, đưa bài học kinh nghiệm và nhiệm vụ, giải pháp nâng cao kết quả công tác này. Kế hoạch không nhắc đến phương án môn thi học sinh giỏi ở THCS theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ảnh minh họa ITN. |
Sớm chuẩn bị ngân hàng đề
Theo ông Phạm Viết Phúc - quyền Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, tổ chức thi học sinh giỏi là biện pháp thúc đẩy phong trào chuyên môn trong các nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Với sự thay đổi về môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tổ chức thi học sinh giỏi sẽ có sự khác biệt so với trước đây và dự báo gặp khó khăn nhất định.
Để thực hiện được hoạt động này, ông Phạm Viết Phúc cho rằng, phòng GD&ĐT nhanh chóng tổ chức các cuộc hội thảo chuyên môn; thành phần mời là cán bộ quản lý đúng chuyên ngành đào tạo, đội ngũ cốt cán của ngành và giáo viên các trường để lấy ý kiến, trao đổi những ý tưởng, cách thức thực hiện.
Với đề thi, cách thứ nhất là dựa trên mạch kiến thức nội dung của chương trình môn học, căn cứ vào tỷ lệ từng phân môn để xây dựng. Như vậy, đề thi là các hợp phần của kiến thức, kỹ năng từng phân môn. Tuy nhiên, do lượng kiến thức rộng nên cần tính mức độ, số lượng câu hỏi để phù hợp với lứa tuổi, khả năng học sinh.
Căn cứ vào kết quả giải quyết vấn đề để công nhận là học sinh giỏi của môn học (cần bàn sâu để đưa ra quy định). Cách thứ 2 là căn cứ vào môn học của từng phân môn, tổ chức thi từng phân môn riêng lẻ theo năng lực của học sinh và công nhận kết quả học sinh giỏi chỉ là một phương diện của môn học đó.
Nếu tổ chức thi học sinh giỏi (cấp quận/thành phố) môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, cô Đào Thị Hồng Hạnh - Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội) - cho rằng, cần chuẩn bị sớm đề thi, ngân hàng câu hỏi phù hợp.
Là môn học mới, với đặc thù tích hợp, có từ 2 - 3 giáo viên phụ trách nên công tác ra đề khó khăn hơn. Chia sẻ từ thực tế nhà trường, theo cô Đào Thị Hồng Hạnh, đầu tiên, 3 thầy cô là nhóm trưởng, được đào tạo chuyên sâu từng phân môn phải cùng ngồi lại để tính toán ma trận đề, phân phối tỷ lệ kiến thức các phân môn (Vật lý, Hóa học, Sinh học) phù hợp với thời lượng dạy học.
Sau đó, thầy cô cùng lựa chọn ngữ liệu, bảo đảm mỗi nội dung kiến thức đều có tỷ lệ câu hỏi ở mức nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao phù hợp. Trong đề cũng có câu thưởng điểm cho học sinh giỏi. Đây thường là câu hỏi yêu cầu học sinh nắm vững kiến thức cả 3 phân môn.
“Có thể nói, xây dựng đề kiểm tra môn Khoa học tự nhiên rất kỳ công. Với đề thi học sinh giỏi càng cần đầu tư nhiều hơn và phải có thời gian chuẩn bị từ sớm”, cô Đào Thị Hồng Hạnh cho hay.
Hiện, một số địa phương vận dụng quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia để tổ chức thi chọn học sinh giỏi cấp THCS, THPT nên nhiều khi chưa đồng bộ về quy trình và các điều kiện đảm bảo như quá trình ra đề, bảo mật cũng như các điều kiện về thiết bị, kinh phí thực hiện.