Khoảng 4 triệu công dân Singapore có thể truy cập trực tuyến vào các dịch vụ công trực tuyến quốc gia bằng cách sử dụng giải pháp xác thực khuôn mặt.
Singapore sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng xác thực khuôn mặt để truy cập các dịch vụ của chính phủ. Khoảng 4 triệu công dân Singapore có thể truy cập trực tuyến vào các dịch vụ công trực tuyến quốc gia bằng cách sử dụng giải pháp xác thực khuôn mặt.
Trong khuôn khổ chương trình tiên phong Nhận dạng số quốc gia (NDI), do iProov và Toppan Ecquaria cung cấp cho Cơ quan công nghệ chính phủ Singapore (GovTech) - một cơ quan chính phủ, có vai trò thúc đẩy việc chuyển đổi chính phủ số và sáng kiến Quốc gia Thông minh của Singapore. Hệ thống tự động cho phép bốn triệu người dùng SingPass xác thực nhân thân và chứng minh rằng họ thực sự có mặt khi truy cập các dịch vụ công trực tuyến trên máy tính hoặc tại các ki-ốt.
Như vậy, từ năm 2021, người Singapore có thể truy cập vào các cơ quan chính phủ, dịch vụ ngân hàng và các tiện ích khác thông qua tính năng quét khuôn mặt nhanh chóng. Việc kiểm tra sinh trắc học này sẽ loại bỏ nhu cầu nhớ mật khẩu hoặc khóa bảo mật khi thực hiện nhiều tác vụ hàng ngày, theo những người tạo ra nó cho biết. Đây là một phần trong nỗ lực khai thác công nghệ của trung tâm tài chính lớn trên thế giới, từ việc tăng cường sử dụng thanh toán điện tử đến nghiên cứu về phương tiện giao thông không người lái.
“Chúng tôi muốn đổi mới trong việc áp dụng công nghệ vì lợi ích của công dân và doanh nghiệp của chúng tôi”, Kwok Quek Sin, người làm việc về nhận dạng kỹ thuật số tại Cơ quan công nghệ GovTech của Singapore nói với AFP. Nhận diện khuôn mặt đã được áp dụng dưới nhiều hình thức trên khắp thế giới, với việc Apple và Google triển khai công nghệ này cho các tác vụ nhỏ như mở khóa điện thoại và thanh toán. Các chính phủ cũng đã triển khai công nghệ tại các sân bay để kiểm tra an ninh đối với du khách.
Tuy nhiên, kế hoạch triển khai của Singapore là một trong những lần triển khai đầy tham vọng nhất và là lần đầu tiên gắn xác minh khuôn mặt vào cơ sở dữ liệu chứng minh thư quốc gia. Công nghệ này chụp một loạt ảnh khuôn mặt của người được quét dưới nhiều ánh sáng khác nhau. Những hình ảnh này sẽ được làm khớp với các dữ liệu khác đã có sẵn cho chính phủ như chứng minh thư quốc gia, hộ chiếu và thẻ việc làm.
Lee Sea Lin của Công ty tư vấn kỹ thuật số Toppan Ecquaria, công ty đang hợp tác với GovTech để triển khai công nghệ này cho biết, các biện pháp bảo vệ đảm bảo quy trình được bảo mật. “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng người đứng sau thiết bị là người thật... chứ không phải là hình ảnh hay video. Công nghệ này đang được tích hợp vào chương trình nhận dạng kỹ thuật số của đất nước và hiện đang được thử nghiệm tại một số văn phòng chính phủ, bao gồm cơ quan thuế và quỹ hưu trí của thành phố”.
Công nghệ quét khuôn mặt vẫn còn gây nhiều tranh cãi mặc dù đang được sử dụng ngày càng nhiều và các nhà phê bình đã nêu lên những lo ngại về đạo đức trong công nghệ ở một số quốc gia. Các nhà chức trách Singapore thường xuyên bị cáo buộc chủ động nhắm vào những người chỉ trích chính phủ và có quan điểm cứng rắn đối với những người bất đồng chính kiến, và các nhà hoạt động lo ngại về cách công nghệ quét khuôn mặt sẽ được sử dụng.
Những người đứng sau chương trình Singapore nhấn mạnh việc xác minh khuôn mặt khác với nhận diện chủ động vì công nghệ có đòi hỏi sự đồng ý của người dùng, nhưng những người ủng hộ quyền riêng tư vẫn hoài nghi trước câu trả lời này. Tom Fisher, quan chức nghiên cứu của Privacy International trả lời AFP: “Các hệ thống trong kế hoạch của Singapore có rất nhiều cơ hội khai thác vì mục đích xấu. Chẳng hạn như sử dụng dữ liệu để theo dõi và lập hồ sơ từng người”.