Singapore: Lao động trẻ giảm khả năng đọc viết

GD&TĐ - Singapore là một trong những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến và được đánh giá cao trong các kỳ thi quốc tế.

Tỷ lệ đọc viết ở lao động trưởng thành tại Singapore nằm ở mức thấp.
Tỷ lệ đọc viết ở lao động trưởng thành tại Singapore nằm ở mức thấp.

Tuy nhiên, khảo sát gần đây cho thấy khả năng đọc viết của người trưởng thành tại quốc gia này đang có dấu hiệu giảm sút, tác động tiêu cực đến lực lượng lao động trong tương lai.

Theo Khảo sát Kỹ năng của Người lớn (PIAAC) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện, khả năng đọc viết của người lớn tại Singapore đang suy giảm theo độ tuổi. Mặc dù, tỷ lệ điểm thi đọc viết và toán học của học sinh 15 tuổi của Singapore luôn đạt mức cao nhất, mức điểm này rất thấp ở độ tuổi trưởng thành.

Trong khi phần lớn các quốc gia tham gia khảo sát chỉ ghi nhận sự giảm sút về khả năng đọc viết của người trưởng thành khi họ có tuổi, Singapore lại có sự suy giảm rõ rệt ngay cả ở những người có trình độ học vấn cao và người lao động trong độ tuổi 27 - 34.

Nguyên nhân khiến kỹ năng đọc viết của người trưởng thành tại Singapore suy giảm là do sự chênh lệch học tập giữa các nhóm độ tuổi. Nhóm tuổi lao động chính từ 27 - 34 có xu hướng bỏ bê học tập, ngừng trau dồi kỹ năng khi bắt đầu con đường sự nghiệp, dẫn tới suy giảm trình độ đọc viết.

Sự suy giảm kỹ năng đọc viết có thể tác động nghiêm trọng đến khả năng duy trì và phát triển của lực lượng lao động Singapore. Khả năng đọc viết là một yếu tố cơ bản giúp người lao động có thể tiếp thu thêm kiến thức và kỹ năng, từ đó duy trì được khả năng làm việc và cạnh tranh trong thị trường lao động. Trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia này đang chuyển mình mạnh mẽ, người lao động cần thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng trong công nghệ và yêu cầu công việc.

Do đó, việc duy trì và phát triển khả năng học tập liên tục là điều cần thiết, không chỉ đối với những người lớn tuổi mà còn đối với thế hệ lao động trẻ.

Để giải quyết vấn đề trên, PGS Terence Ho, làm việc tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, cho rằng Chính phủ Singapore cần tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến giáo dục và đào tạo lao động trưởng thành.

Chương trình trợ cấp nâng cao giữa sự nghiệp SkillsFuture của nước này hiện tại hướng đến những người lao động lớn tuổi từ 40 tuổi trở lên và nên mở rộng để hỗ trợ cả những người lao động trẻ. Các sáng kiến như Phong trào Đọc sách quốc gia do Hội đồng Thư viện quốc gia khởi xướng, cùng với các sự kiện như Lễ hội Nhà văn Singapore hàng năm cũng có thể giúp xây dựng văn hóa đọc ở nước này.

Là một nền kinh tế tiên tiến với hệ thống giáo dục đổi mới, Singapore nên đặt mục tiêu trở thành một trong những xã hội “thạo chữ” trong tương lai gần. Điều này có thể đạt được thông qua nỗ lực chung của tất cả các bên liên quan, từ chính phủ đến doanh nghiệp và cộng đồng, cùng hợp tác để xây dựng nền tảng học tập suốt đời. Việc duy trì và phát triển kỹ năng đọc viết sẽ không chỉ giúp người lao động duy trì công việc, mà còn góp phần củng cố vị thế cạnh tranh của Singapore trên trường quốc tế.

Các nhà tuyển dụng và doanh nghiệp Singapore cần khuyến khích phát triển cơ hội học tập thông qua các hoạt động như hội thảo, dự án nhóm để duy trì khả năng đọc viết cho nhân viên. Một số tổ chức có buổi họp mặt câu lạc bộ sách hàng tháng, nơi các thành viên trong câu lạc bộ có thể thảo luận về những cuốn sách kích thích tư duy.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ