Singapore: Đã Tết là “mạnh” chi

GD&TĐ - Vào Tết Kỷ Hợi (2019), Singapore từng khiến cả thế giới chấn động vì tổng khoản chi “nghênh xuân” cao kỷ lục: 2,3 tỷ USD (hơn 53.000 tỷ đồng).

Với người Singapore, Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất.
Với người Singapore, Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất.

Năm sau (2020), họ có chi ít hơn vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng vẫn vượt xa các nước khác trong khu vực. 

Cuồng Tết Nguyên Đán

Singapore có diện tích 721,5 km2 và dân số khoảng 5,64 triệu người. Theo báo cáo từ chính phủ Singapore, 74,2% dân số trong nước là người gốc Hoa. Từ xưa, người Singapore đã nổi tiếng yêu thích Tết Nguyên đán. Họ gần như “copy – paste” Tết cổ truyền của Trung Quốc, giống nhau đến 99,9%. 

Với người Singapore, Tết Nguyên đán là sự kiện văn hóa trọng đại nhất của năm. 

Trước Tết Nguyên đán một tháng, các khu phố của người Hoa ở Singapore đã nhộn nhịp trưng bày và buôn bán đồ Tết. Nhà nhà lo sửa sang mặt tiền, sơn màu đỏ tươi, treo đèn, kết hoa, trưng chậu cây cảnh... Các món ngon ngày Tết cũng được giới thiệu và bán sớm. Mỗi món đều mang ý nghĩa cầu chúc năm mới thịnh vượng, an lành. 

Tiêu Tết “tẹt ga”

Cư dân Singapore đã sắm Tết là tiêu tiền “thả phanh”.
Cư dân Singapore đã sắm Tết là tiêu tiền “thả phanh”.

“Tôi vẫn còn nhớ, Tết là thời điểm duy nhất trong năm, mình có thể quăng bộ quần áo cũ rách sang một bên, chọn những bộ quần áo mới may mà diện”, Annie Tan (nhà văn Singapore) kể. 

“Với chúng tôi, may hoặc mua quần áo mới trước Tết là chuyện cực kỳ quan trọng, tuyệt đối không thể bỏ qua” - bà nói thêm - “Đã sang năm mới là quần áo nhất định phải mới”. Chính vì lẽ này, mặt hàng đầu tiên “bán chạy nhất” trước Tết Nguyên đán ở Singapore là các sản phẩm thời trang. Người đảo quốc thích và khuyến khích con cháu mặc đồ đỏ vào ngày Tết. 

Sau quần áo là làm đẹp. Các mặt hàng đồ trang điểm đắt hàng hơn cả. Ngoài ra, các dịch vụ làm tóc, sơn sửa móng tay, móng chân… cũng tấp nập khách hàng. 

Đối với vấn đề ăn uống ngày Tết, người Singapore càng hào phóng. Họ không ngại mua các mặt hàng dù tăng giá trong dịp Tết. “Nhà tôi vốn rất nghèo” - Tan kể tiếp - “Sau khi mẹ tôi đột ngột qua đời, cha một mình gà trống nuôi con. Ông phải biến chiếc xe hơi của gia đình thành taxi, nhận chở khách kiếm tiền.

Thế nhưng cứ mỗi dịp Tết đến, bếp của cha con chúng tôi không bao giờ thiếu thịt. Tôi vẫn nhớ ông ân cần gắp những miếng ngon nhất, đặt vào bát các con. Cân thịt ngày Tết đắt lắm, nhưng cha luôn cố “giàu ba ngày”, để chúng tôi vui vẻ đón năm mới”.

Ngày nay, hầu hết các nhà hàng ở Singapore đều tăng giá gấp đôi (hoặc hơn) tiền đặt bàn vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Dù vậy, người dân vẫn nô nức đặt tiệc, mời mọc nhau ăn uống linh đình.

Vào năm 2019, Singapore khiến cả thế giới giật mình vì tổng chi Tết “khủng” nhất: 2,3 tỷ USD, cao gấp 2,5 lần Lễ hội Mua sắm toàn cầu cùng năm. 

Tết Nguyên đán ở Singapore đích thực là “thời cơ vàng” của 3 lĩnh vực thương mại: Ẩm thực, trang trí, thời trang. Theo kết quả khảo sát từ Google, sự quan tâm đối với các sản phẩm và nhãn hiệu mới cao hơn các thời điểm khác trong năm 44%. 

Áp lực… rác Tết

Rác ngày Tết là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng tại Singapore.
Rác ngày Tết là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng tại Singapore.

Singapore là quốc đảo giàu có, thu nhập bình quân trên đầu người lên tới 69.000 USD (tương đương 1,6 tỷ đồng). Mặc dù, người dân ở đây không bị áp lực về tiền, họ bị áp lực về “đồ thừa sau Tết”. 

Theo báo cáo tổng kết năm 2018 từ Cơ quan Môi trường Quốc gia (National Environment Agency) của Singapore, rác thực phẩm cả năm lên đến 636.900 tấn. Trong đó, rác thực phẩm Tết Nguyên đán chiếm đến 20%, tức 127.380 tấn. 

Bên cạnh đó, rác may mặc cũng lên đến 205.800 tấn, khiến 4 nhà máy đốt rác phải hoạt động với công suất tối đa, xử lý hơn 7.000 tấn rác/ngày. Dự đoán, bãi chôn lấp rác Semakau (lớn nhất Singapore) sẽ đầy vào năm 2035, sớm hơn dự kiến đến 1 thập kỷ. 

Đến cả “rác phong bao lì xì” cũng trở thành vấn đề lớn. Người Singapore thích hồng bao và hào phóng với tiền mừng tuổi. Họ tặng phong bao lì xì cho từ trẻ em đến thanh niên chưa kết hôn, người già. Sau mỗi cái Tết, “rác hồng bao” lại ngập các ngõ phố. Đến nỗi, chính quyền địa phương phải đưa ra hướng dẫn thu gom, tái chế “rác hồng bao”.

Những năm gần đây, Singapore nỗ lực khuyến khích người dân tiết kiệm thực phẩm ngày Tết. Họ giảm giá các sản phẩm hộp, hũ đựng thực phẩm, kêu gọi mọi nhà chịu khó bảo quản thức ăn thừa. Một số tổ chức phi lợi nhuận thì tiến hành “xin lộc Tết”, đem thực phẩm Tết dư thừa chia cho người nghèo. 

Ngân hàng Thực phẩm Singapore (Food Bank Singapore) thu gom các sản phẩm thực phẩm không sử dụng đến từ các hộ gia đình, quán ăn, nhà hàng, khách sạn… quyên góp cho các viện dưỡng lão, trung tâm dịch vụ gia đình. 

Vài nhóm “xin lộc Tết” ở Singapore thậm chí lên luôn danh sách những thực phẩm mong muốn và chấp nhận, để khỏi tốn công sàng lọc. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.