Hàn Quốc
Không khí Tết tràn ngập khắp Hàn Quốc từ những ngày cuối năm âm lịch. Buổi tối trước lúc giao thừa, người Hàn Quốc thường tắm nước nóng để tẩy trần. Họ còn có truyền thống đốt các thanh tre trong nhà vào lúc giao thừa để xua đuổi tà ma và mang lại bình an.
Trong những ngày tết, họ mặc trang phục truyền thống Hanbok để đi chúc tết. Nhiều gia đình còn có truyền thống khởi đầu năm mới theo nghi thức Charye. Đại gia đình sẽ tụ tập ở nhà người trưởng nam, đồng thời chuẩn bị sẵn một chiếc bàn thấp, trên đó đặt tờ sớ và nhiều món ăn. Mỗi gia đình sẽ cúng bốn đời ông bà tổ tiên, sau khi thực hiện xong nghi lễ linh thiêng này sẽ đến phần ăn cỗ và vui Tết.
Ngày Tết, người Hàn Quốc thường ăn món canh bánh gạo tteokguk, kim chi, chigae và bulgogi với ý nghĩa mang lại nhiều may mắn trong năm mới.
Mông Cổ
Mông Cổ cũng là một trong số ít các quốc gia ở châu Á đón Tết cổ truyền theo âm lịch. Vào đêm giao thừa, người Mông Cổ thường ăn thật no để có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong năm mới. Tiếp theo, họ làm lễ xuất hành và đi về những hướng mà tử vi mách bảo. Sáng sớm, họ còn nhóm lửa để xua tan cái lạnh của mùa đông, khởi đầu một năm mới.
Vào ngày Tết Tsagaan Sar, họ thường diện trang phục truyền thống và quây quần ở nhà của người lớn tuổi nhất trong gia đình để chúc tết. Khi đó, các thành viên sẽ cầm vào những dải vải dài màu xanh da trời gọi là khadag (tượng trưng lòng thương yêu và điềm lành cho năm mới).
Sau khi thực hiện nghi thức này, họ cùng ăn món buuz (một loại bánh bao có nhân là thịt cừu, bò băm nhỏ), uống rượu arkhi và trao quà cho nhau.
Bhutan
Ngày đầu năm, người dân Bhutan thường tổ chức nghi lễ truyền thống có tên gọi “Mưa hạnh phúc”. Hầu hết người dân Bhutan đều tắm gội sạch sẽ trong ngày cuối cùng của năm cũ để gột rửa hết tội lỗi và điều xấu trước khi chào đón năm mới.
Người dân Bhutan tổ chức các trò chơi dân gian đặc sắc vào dịp Tết Losar. Điển hình nhất là trò chơi khuru (dạng trò chơi giống ném phi tiêu).
Lễ hội “Múa cùng mặt nạ” và thi bắn cung cũng là hoạt động không thể thiếu. Trong ngày mùng Một, người Bhutan chuẩn bị ăn sáng rất chu đáo. Các món sơn hào hải vị đều được dọn ra và mọi người trong gia đình cùng nhau thưởng thức.
Nhật Bản
Người Nhật Bản treo shimenawa trước cửa nhà để đón tiếp vị thần năm mới và trừ ma quỷ. Bên cạnh đó, họ còn đặt kadomatsu (được làm bằng ba ống tre tươi với một vài cành thông) bên cạnh lối ra vào. Cành thông tượng trưng cho sự thanh khiết và sức sống, đồng thời lá thông sắc nhọn có thể diệt trừ ma quỷ.
Ngoài ra, họ còn treo hình lật đật daruma để phù hộ buôn bán phát đạt, treo chữ khai bút đầu năm kakizome để mong viết chữ đẹp và học giỏi.
Thêm nữa, họ đặt wakazari (dây thừng quấn thành vòng tròn nhỏ) trong bếp để tạ ơn các thần hỏa và thủy đã giúp đỡ họ trong cuộc sống hàng ngày.
Vào ngày tết, người Nhật Bản thường ăn món canh bánh giầy ozoni với ý nghĩa tăng thêm sức khỏe và sự trường thọ.