Mặc dù, nhiều phụ huynh từ lâu lo ngại về việc hệ thống giáo dục gây căng thẳng cho trẻ em nhưng thông tin trên vẫn gặp phải nhiều phản ứng trái chiều.
Có giảm căng thẳng điểm số?
Một số phụ huynh không giấu được lo lắng trên mạng xã hội. Họ cho rằng, khi bỏ kỳ thi trên, làm sao nhà trường biết học sinh đã làm chủ được kiến thức hay chưa? Hay đây chỉ là sự thay thế một hình thức đánh giá khác cũng căng thẳng như vậy? Thậm chí có người lo rằng việc này làm tăng nhu cầu đi học thêm.
Việc bỏ các kỳ thi giữa kỳ không phải là điều bất ngờ. Nó diễn ra sau những thay đổi đối với các chính sách đánh giá trong thập kỷ qua. Tất cả các đợt thi giữa kỳ lớp 1, 2 bị xóa bỏ năm 2010. Các đợt thi giữa kỳ dành cho lớp 3 - 5 và lớp trung học 1 - 3 cũng bị xóa bỏ từ năm 2019 - 2021.
Việc giảm căng thẳng trong hệ thống trường học và giảm cạnh tranh điểm số đã trở thành một mục tiêu chính của hệ thống giáo dục. Một lý do nữa cho sự thay đổi này là tăng cường niềm yêu thích trong học tập bằng cách bỏ đi việc học thuộc lòng và học vẹt.
Bộ trưởng Giáo dục Singapore Chan Chun Sing từng nói tại Quốc hội, những thay đổi như vậy đã có tác động tích cực. Giáo viên có thể tăng tốc độ dạy học và giúp học sinh học sâu hơn. Với vài tuần của chương trình được giải phóng khỏi việc chuẩn bị cho kỳ thi giữa kỳ, giáo viên có thể tập trung vào việc cho học sinh học dựa trên câu hỏi và các kỹ năng sống quan trọng hơn, đồng thời bớt đi việc nhồi nhét kiến thức.
Lý do khiến phụ huynh lo ngại
Nếu bỏ thi cử có thể giúp giải tỏa căng thẳng quá mức cho học sinh, tại sao phụ huynh lại lo lắng đến vậy? Thực tế nhiều phụ huynh xem các đánh giá chủ yếu dựa vào việc phân loại và sự giải trình.
Đánh giá học tập về cơ bản là thu thập thông tin để sắp xếp học sinh vào các lớp hay trường học. Trong đó kỳ thi tốt nghiệp tiểu học (The Primary School Leaving Examination - PSLE) được coi là cơ chế phân loại theo mốc quan trọng. Những đánh giá này thường mang tính tổng kết. Chúng tập trung vào việc tóm tắt lại những gì học sinh đã học và đưa ra đánh giá đầu vào xem học sinh cần học thêm những gì để có kết quả tốt hơn.
Đánh giá cũng cung cấp thêm trách nhiệm giải trình khi thông báo cho phụ huynh về hiệu quả học tập của con cái họ. Từ đây, phụ huynh và học sinh có thể lựa chọn khóa học, trường học hoặc thậm chí con đường sự nghiệp sau này.
Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh đang cảm thấy lo lắng, việc bỏ kỳ thi giữa kỳ làm mất đi một chỉ số đánh giá năng lực. Nó có thể gây bất lợi cho con họ trong quá trình chuẩn bị cho PSLE hoặc các kỳ thi phân loại quan trọng khác. Việc bỏ lỡ một điểm kiểm tra có giá trị thể hiện lỗ hổng trong học tập.
Thay đổi cách nhìn nhận về việc đánh giá
Trong trường học, việc đánh giá được coi là giúp xác định điểm mạnh và điểm yếu của học sinh trong học tập. Chúng giúp giáo viên giải quyết những lỗ hổng của học sinh và tinh chỉnh các chiến lược sư phạm của họ.
Công việc của giáo viên tập trung vào việc kiểm tra sự hiểu biết của học sinh về những gì đã được dạy. Có một khái niệm truyền thống mà tất cả chúng ta đều quen thuộc, đó là đánh giá học tập.
Một khía cạnh khác là đánh giá phục vụ việc học, sử dụng nó như một hình thức phản hồi để giúp học sinh hiểu việc học của mình và hình thành mục tiêu học tập.
Đánh giá phương pháp học tập có thể bao gồm việc thực hiện một bài kiểm tra và trả bài kiểm tra đã chấm điểm cho học sinh. Những nhận xét như: “Làm bài tốt”, “Em cần chăm chỉ hơn” truyền tải tầm quan trọng của việc đạt được một ngưỡng nào đó trong học tập.
Ngược lại, đánh giá phục vụ việc học liên quan nhiều yếu tố khác. Giáo viên phải tìm hiểu xem học sinh đang ở trình độ nào, cung cấp phản hồi về cách cải thiện việc học và sau đó hướng dẫn các em hiểu được thành công trong mỗi nhiệm vụ là như thế nào. Trong trường hợp này, quá trình học tập là vấn đề quan trọng và giáo viên có khả năng điều chỉnh phương pháp của họ để đáp ứng các nhu cầu khác nhau.
Ví dụ, giáo viên có thể chia nhỏ bài tập cộng các phân số thành các mức độ phức tạp khác nhau. Học sinh hiểu khái niệm này tốt hơn có thể hoàn thành các bài cơ bản, trung bình và thậm chí có thể là nâng cao.
Đồng thời, một số học sinh có thể làm tốt các bài cơ bản và trung bình nhưng gặp khó khăn với các bài phức tạp hơn. Trong khi đó, những học sinh khác chỉ có thể xử lý cái bài cơ bản.
Cả học sinh và giáo viên đều có thể xác định đâu là lỗ hổng kiến thức và sau đó giáo viên có thể cung cấp thêm công cụ để đạt được tiêu chuẩn mong muốn. Tại đây, học sinh được khuyến khích độc lập hơn và tự đánh giá mức độ học tập của mình (học có tốt không, gặp khó khăn ở đâu và tiến bộ như thế nào).
Các nghiên cứu đã chỉ ra, phương pháp này cải thiện sự quan tâm và tính độc lập của trẻ. Chúng giúp tăng cường khả năng hành động và củng cố việc học.
Học tập chủ động là mục tiêu
Theo Trung tâm Nghiên cứu và Đổi mới Giáo dục Singapore (CERI), những chiến lược học tập này đặc biệt hữu ích trong việc giúp học sinh có thành tích thấp tăng cường khả năng học tập. Các em cần học cách vượt qua nỗi sợ hãi khi chấp nhận rủi ro và mắc sai lầm.
Hình thức học tập trên giúp học sinh năng động hơn, tham gia vào quá trình học tập tốt hơn, do đó đạt được sự tự tin vào những gì các em sẽ học.
Bộ Giáo dục Singapore đang cố gắng kết hợp nhiều hơn loại hình học tập này vào hệ thống và xác định Đánh giá Đọc viết là một kỹ năng chính cho các nhà giáo dục. Giáo viên sẽ cần phải theo sát những phát triển mới nhất trong việc thiết kế và sử dụng các công cụ đánh giá để cải thiện cách học của học sinh. Điều này cũng được cho là sẽ mất nhiều thời gian.
Phụ huynh còn lo lắng về việc bỏ kỳ thi giữa năm học trên chừng nào Singapore còn bận tâm đến các kỳ thi có tỷ lệ chọi cao. Phụ huynh, học sinh và giáo viên có thể còn mất nhiều thời gian nữa để nhìn xa hơn tầm quan trọng của điểm số đối với tương lai của một đứa trẻ. Công việc của nhà chức trách là phải đưa ra cách đánh giá kết quả học tập và đánh giá công việc học tập song song với nhau để làm cho việc học tập trở nên ý nghĩa hơn, ít gây lo lắng hơn cho học sinh.