Singapore: Biến shophouse cũ thành không gian sống hiện đại

GD&TĐ - Singapore có nhiều phố phường mà trong đó vẫn còn những kiến trúc nhà ở đã trên 100 tuổi. Hầu hết chúng đều xuống cấp nghiêm trọng, nhưng phải được bảo tồn.

Nhà phố thương mại ở Singapore được xây trong thời thuộc Anh, căn cũ nhất khoảng 150 năm tuổi.
Nhà phố thương mại ở Singapore được xây trong thời thuộc Anh, căn cũ nhất khoảng 150 năm tuổi.

Công ty Figment đã đứng ra nhận nhiệm vụ khó khăn này và đang đạt thành tựu đáng nể. 

Quốc đảo shophouse

Từ thế kỷ XIX, Singapore đã nổi tiếng “thiên đường thương mại quốc tế”. Trên các con phố, dạng nhà ở kiêm cửa hàng mọc lên la liệt. Người ta gọi kiểu kiến trúc này là shophouse (nhà phố thương mại).

Đa phần shophouse Singapore là nhà 2 – 3 tầng, tầng trệt dành cho mục đích thương mại còn các tầng trên là nhà ở. Mỗi shophouse đều có hiên sâu và mái che. Thập niên 1940 – 1950, hầu hết các phố phường của Singapore đều được quy hoạch shophouse. Nhờ buôn bán phát triển, Singapore giàu lên nhanh chóng.

Đầu thập niên 1960, Singapore thông qua đạo luật thu hồi đất nhằm phát triển đô thị. Những thập kỷ kế tiếp, nhiều khu phố shophouse bị san bằng. Dù vậy, không ít shophouse đã thoát khỏi số phận bị xóa sổ. Chúng được người sở hữu tận dụng làm khách sạn bình dân, quán trà, rạp chiếu phim…

Trải qua thời gian, các shophouse sống sót trở thành nhà cổ. Bước sang thế kỷ XXI, một số căn còn được xem như kiến trúc cổ điển kiểu mẫu, có giá thành thị trường cao.

Ngày nay, các shophouse Singapore đều có tuổi thọ dài, tối thiểu cũng ngoài 60 năm. Lẽ dĩ nhiên, chúng không tránh khỏi bị xuống cấp, đặc biệt là với những căn có tuổi thọ lên tới 150 năm. 

Nâng cấp để bảo tồn

Phòng ở trong shophouse sau khi cải tạo có giá cho thuê từ 33,7 – 82,5 triệu đồng/tháng.
Phòng ở trong shophouse sau khi cải tạo có giá cho thuê từ 33,7 – 82,5 triệu đồng/tháng.

“Với Singapore, các shophouse cũng quan trọng như lịch sử”, bà chủ của Công ty Figment chuyên nâng cấp và cải tạo nhà phố thương mại - Fang Low nhận định. Nhờ sinh trưởng trong một shophouse, Low hiểu rõ loại hình kiến trúc này cũng như các ưu – nhược điểm của nó.

Mặc dù nằm trong diện kiến trúc cổ cần được bảo tồn, chỉ một phần các shophouse Singapore được quan tâm. “Nhiều căn đã bị bỏ hoang cả 20 – 30 năm hoặc có người sử dụng nhưng không được họ chăm sóc”, Low chia sẻ. Chị hy vọng có thể cứu những shophouse này, cuối cùng quyết định thành lập Figment vào năm 2019.

Figment có tổng cộng 10 nhân viên và công việc của họ là tìm mua, sửa chữa, nâng cấp shophouse. Căn gần nhất mà Figment vừa phụ trách là ngôi nhà được xây vào thập niên 1900. Người thuê shophouse trước đó chỉ dùng các biện pháp tạm bợ, ứng phó vấn đề tường bong tróc và bị thấm nước.

“Ông ấy trát thêm hết lượt tường này đến lượt tường khác. Sau khi tiếp quản, chúng tôi buộc phải đục phá hết để tìm lại khung kiến trúc ban đầu”, Low cho biết.

Cải tạo shophouse là công việc đòi hỏi sức lực, thời gian và kinh phí. Ngoài tốn kém, Low còn phải đối mặt với thực tiễn có một số phần không cách nào khôi phục được.

Shophouse đầu tiên Low sửa chữa chính là ngôi nhà mà chị lớn lên. Tuy vẫn được chăm sóc, nó đầy các vết ố, tróc. Thứ ổn nhất chỉ có phần sàn nhà.

Low phải cho sơn lại tường mỗi 6 tháng/lần, trải thảm bảo vệ sàn, đục bỏ các lớp xi vữa che mất tường gạch ban đầu, thiết kế thêm tường mới… Nói chung, chị cố gắng đưa shophouse trở lại hình dạng ban đầu nhiều nhất có thể. 

Nhân tiện kinh doanh

Tính đến nay, Figment đã thu mua và cải tạo được tổng cộng 25 shophouse khắp Singapore. Sau khi trùng tu kiến trúc, Low cho lắp đặt, kết nối các đường dây, ống phục vụ nhu cầu sinh hoạt như mọi căn nhà bình thường khác. Chị đặc biệt quan tâm hộp điện, luôn kiểm tra kỹ lưỡng hoặc thay mới.

Các phòng ngủ trong shophouse được Figment nâng cấp đều có phòng vệ sinh trong. Một số chúng vốn có từ thiết kế shophouse ban đầu, một số thì được Figment thêm vào trong quá trình sửa chữa.

Nội thất shophouse của Figment mang hơi hướng hoài cổ. Low hợp tác với Hock Siong, công ty chuyên mua bán đồ dùng đã qua sử dụng và tân trang. Chị tin, các món hàng cũ nhưng vẫn tốt này góp phần vào việc tái tạo không gian shophouse vốn có.

Điểm qua các shophouse của Figment, chúng đều có diện mạo như mới, bên ngoài xinh đẹp, bên trong tiện nghi. Mỗi căn shophouse có khoảng 4 – 5 phòng, thích hợp cho thuê.

Figment nhận cả khách đơn lẫn hộ gia đình, tính phí theo tháng, giá từ 2.000 – 4.900 đô la Singapore/phòng (tương đương 33,7 – 82,5 triệu đồng). So với giá thành căn hộ cho thuê ở Singapore, con số này nằm trong mức phí trung bình, nên khá được chào đón.

Hiện, Singapore vẫn còn nhiều shophouse đang trong diện bảo tồn nhưng hệt như bị bỏ không. Low tham vọng sẽ cứu được nhiều shophouse hơn nữa, biến chúng thành không gian sống mà mọi người yêu thích.

Bên ngoài Singapore, shophouse cổ có mặt khắp Đông Nam Á, đặc biệt có nhiều tại các thành phố từng phát triển thương mại rầm rộ trong nửa cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, ví dụ như Johor (Malaysia), Jakarta (Indonesia), Kampot (Campuchia)…

Vì được xây dựng trong thời gian thực dân châu Âu, phát xít Nhật Bản thuộc địa, chúng kết hợp kiến trúc thuộc địa với địa phương, mỗi nơi lại mang một diện mạo, sắc thái riêng.

Giống như ở Singapore, shophouse cổ khắp Đông Nam Á cũng thuộc dạng kiến trúc cần được bảo tồn. Tại Malaysia, các shophouse ở Malacca và Penang còn được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Theo Insider

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.