Sìn Hồ vượt khó bắt nhịp chương trình giáo dục phổ thông mới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau gần 1 học kỳ, các trường phổ thông huyện vùng cao Sìn Hồ đã nỗ lực khắc phục những điểm mới, khó để đưa Chương trình GDPT 2018 vào guồng.

Tiết học của học sinh lớp 10 trường DTNT THPT huyện Sìn Hồ.
Tiết học của học sinh lớp 10 trường DTNT THPT huyện Sìn Hồ.

Tự chọn môn học

Sìn Hồ là một trong những huyện vùng khó của tỉnh Lai Châu. Mấy năm trở lại đây, phong trào học tập của huyện vùng cao này đã có nhiều khởi sắc. Điều đó thể hiện ở tỷ lệ học sinh đăng ký theo học cấp THPT sau khi tốt nghiệp THCS ngày càng cao.

Năm học này, trường THPT huyện Sìn Hồ đã tiếp nhận 197 học sinh lớp 10. Trường hiện có 577 học sinh, đang theo học tại 13 lớp. Trong đó, học sinh lớp 10 được chia thành 4 lớp.

Thầy Trần Văn Tuấn – Phó hiệu trưởng trường THPT huyện Sìn Hồ cho biết: “Số lượng học sinh đầu cấp theo lớp hiện đang vượt quá quy định. Tuy nhiên, theo cơ cấu giáo viên hiện có và cơ sở vật chất, nhà trường chỉ tổ chức các em theo học ở 4 lớp”.

Là năm đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với cấp THPT, thầy và trò trường THPT huyện Sìn Hồ đã xác định được những điểm mới và khó. Chính vì vậy, ngay từ những bước đầu tiên, nhà trường đã chủ động bắt nhịp với chương trình.

“Ngay từ đầu năm học, chúng tôi đã tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh để các em biết được những thay đổi của Chương trình mới. Các em sẽ được lựa chọn môn học theo khả năng, năng lực của mình. Trên cơ sở đó, chúng tôi xếp các em từng vào nhóm lớp theo nguyện vọng” – thầy Tuấn cho biết.

Theo thầy Tuấn, nếu học sinh không được lựa chọn môn thì sẽ không thực hiện đúng mục tiêu của chương trình GDPT mới. Vì thế, dù khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn lực giáo viên thì nhà trường cũng đang nỗ lực tìm giải pháp để triển khai chương trình mới theo điều kiện thực tế.

Lớp 10A1 của trường THPT huyện Sìn Hồ hiện chỉ có 39 học sinh. Bên cạnh những môn chung, các em lựa chọn tổ hợp 4 môn gồm: Lý, Hóa, Sinh, Tin để học. Trong khi đó, ở 3 lớp còn lại, mỗi lớp đều trên 50 học sinh.

Để việc tự chọn môn học phù hợp với học sinh, các trường THPT cần nắm được xu hướng nghề nghiệp của các em. Đồng thời, định hướng, phân luồng học sinh ngay từ năm đầu của bậc học phổ thông.

Tiết Hóa học của lớp 10A2, trường DTNT THPT Sìn Hồ.

Tiết Hóa học của lớp 10A2, trường DTNT THPT Sìn Hồ.

Theo thầy Lương Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng trường DTNT THPT huyện Sìn Hồ: “Việc cho phép học sinh được lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp là một bước đổi mới của chương trình GDPT mới. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng tôi cũng đánh giá thực tế tuyển sinh của các trường đại học và nhu cầu công việc để định hướng cho các em lựa chọn môn học như thế nào cho phù hợp”.

Năm học này, trường DTNT THPT huyện Sìn Hồ có 108 học sinh lớp 10, chia thành 3 lớp. Trong đó, có 2 lớp theo học các môn Khoa học tự nhiên và 1 lớp Khoa học xã hội.

Em Điêu Như Quỳnh, học sinh lớp 10A2, trường DTNT THPT huyện Sìn Hồ cho biết: “Chúng em được nhà trường cho lựa chọn môn học để phân lớp. Qua xem xét thấy yêu thích các môn tự nhiên hơn nên em chọn theo học lớp Khoa học tự nhiên. Đây cũng sẽ là những môn để em đăng ký thi hoặc xét tuyển đại học sau này”.

Vào guồng chương trình mới

Sau gần một kỳ học triển khai, thầy và trò trường THPT huyện Sìn Hồ đã dần bắt nhịp được Chương trình mới bằng các phương pháp học tập hiệu quả.

Thầy Trần Văn Tuấn chia sẻ: “Nhà trường thường xuyên bồi dưỡng tăng cường về chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên. Khuyến khích phát huy năng lực tự nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Bên cạnh đó, chúng tôi đa dạng các hình thức tập huấn, quan tâm đến giao lưu học tập kinh nghiệm, tổ chức hội thảo chuyên đề để truyền đạt ý tưởng, tạo động lực cho giáo viên chủ động bắt nhịp Chương trình một cách thiết thực và hiệu quả”.

Ghi nhận tại lớp 10A1, trường THPT huyện Sìn Hồ, chúng tôi thấy lớp học được bố trí bảng tương tác thông thông minh, bảng trượt, ti vi, máy chiếu siêu gần và hệ thống âm thanh phục vụ cho việc dạy và học.

Theo thầy Tuấn, việc được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và công nghệ thông tin là điều kiện cần để triển khai dạy học theo Chương trình mới. Đây cũng là cơ sở để giáo viên có những phương pháp giảng dạy mới phù hợp với mục tiêu bài dạy.

Thầy Trần Văn Tuấn cho biết: “Nhà trường đã bám theo các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT hướng dẫn về việc tổ xây dựng kế hoạch dạy và học. Cùng với đó, chúng tôi phân công các thầy cô có chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng được nhu cầu của môn học”.

Theo cô Nguyễn Thị Hạnh – Giáo viên môn Tiếng Anh, trường THPT huyện Sìn Hồ chia sẻ: “Chương trình mới có nhiều điểm đổi mới về phương pháp cũng như kiến thức. Điều đó đòi hỏi giáo viên phải xây dựng phương pháp giảng dạy phù hợp".

Tiết học hướng nghiệp, trải nghiệm của trường THPT huyện Sìn Hồ.

Tiết học hướng nghiệp, trải nghiệm của trường THPT huyện Sìn Hồ.

Còn cô Phạm Thị Yến, giáo viên môn Hóa, trường DTNT THPT huyện Sìn Hồ cho biết: “Môn Hóa học theo Chương trình mới có thêm nội dung chuyên đề. Cùng với đó, điểm khác so với chương trình cấp THCS là các vật chất, nguyên tố hóa học đều có tên tiếng Anh. Tôi đã tìm hiểu cách đọc, cách phiên âm để truyền tải cho học sinh nắm được tên gọi và tiếp thu bài học một cách tốt nhất”.

Trong các tiết học, cô Yến thường áp dụng kỹ thuật "Khăn trải bàn" và kỹ thuật "Các mảnh ghép" để bài dạy thêm lôi cuốn. Từ đó, thu hút hứng thú của học sinh vào bài dạy.

“Kỹ thuật "Các mảnh ghép" là hình thức học tập hợp tác kết hợp giữa cá nhân, nhóm và liên kết giữa các nhóm để giải quyết một nhiệm vụ có nhiều chủ đề. Còn kỹ thuật "Khăn trải bàn" là hình thức tổ chức hoạt động mang tính hợp tác kết hợp giữa hoạt động cá nhân và hoạt động nhóm nhằm tăng cường tính độc lập, trách nhiệm của cá nhân học sinh. Cả 2 kỹ thuật đều góp phần khơi dậy hứng thú cho học sinh” – cô Yến cho biết.

Mặc dù đã chủ động bắt nhịp nhưng nhìn chung Chương trình GDPT mới vẫn còn nhiều điểm mới và khó. Điều đó đòi hỏi giáo viên và học sinh phải nỗ lực tiếp cận.

“Riêng với môn tiếng Anh, do đặc thù của học sinh là người dân tộc thiểu số nên việc tiếp cận với ngôn ngữ mới còn khó khăn. Chính vì vậy, tôi phải tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp để truyền đạt kiến thức dễ hiểu, dễ nhớ cho các em. Tôi cũng trau dồi, học hỏi kinh nghiệm đồng nghiệp để nâng cao chất lượng dạy và học", cô Nguyễn Thị Hạnh nói.

Còn em Chu Phương Linh – Học sinh lớp 10A1, trường THPT huyện Sìn Hồ cho biết: "Khi học Chương trình mới, em gặp phải một số khó khăn vì lượng kiến thức tương đối nặng. Tuy nhiên, sau khi được thầy cô hướng dẫn và nắm được phương pháp học tập mới, em cũng dần chủ động để tìm hiểu kiến thức trọng tâm mình cần học và đạt được”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ