Vừa dạy vừa điều chỉnh triển khai Chương trình mới lớp 10

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Năm học 2022 - 2023 triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10 - giai đoạn giáo dục hướng nghiệp.

Giờ học tiếng Anh tại Trường THPT Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An.
Giờ học tiếng Anh tại Trường THPT Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An.

Mặc dù đã lường trước khó khăn và tình huống phát sinh, nhưng quá trình triển khai tại các trường THPT vẫn gặp một số vướng mắc, vất vả. Vừa dạy học, vừa từng bước điều chỉnh, rút kinh nghiệm và tổ chức dạy học đạt hiệu quả, mục tiêu đề ra là giải pháp được nhiều trường thực hiện.

Ổn định tình trạng xin chuyển lớp

Sau khoảng 3 tháng kể từ khi có kết quả tuyển sinh lớp 10 và hơn 1 tháng dạy học chương trình mới, Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh) có ít nhất 3 lần họp tư vấn cho phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, đây cũng là năm nhà trường tiếp nhận nhiều nguyện vọng xin chuyển lớp nhất.

Cô Lê Thị Mai Hương được giao chủ nhiệm lớp 10A (lớp IELTS) của Trường THPT Hà Huy Tập. Theo sắp xếp, đây là lớp định hướng khoa học xã hội, nhưng các môn chủ đạo tương tự như lớp khối D truyền thống. Bên cạnh đó, học sinh được ưu tiên dạy chương trình tiếng Anh tăng cường với cam kết đầu ra đạt mức điểm IELTS nhất định. Lớp phù hợp với học sinh định hướng xét tuyển đại học khối D, khối A1.

"Tôi cho rằng, sự chủ động và thân thiện của giáo viên chủ nhiệm sẽ tạo không khí mới, sôi động cho lớp học mà cô trò sẽ gắn bó với nhau trong 3 năm tới”, cô Hương cho biết.

Ngược lại, nếu các em muốn học khối A, hoặc khối C nên đăng ký các lớp khác cùng trong khối xã hội. “Cũng chính vì có sự định hướng này, sau khi nhập học, một số em đã xin chuyển sang lớp khác. Đổi lại, cũng có học sinh sau khi cân nhắc đã xin chuyển về lớp tôi chủ nhiệm (10A). Bản thân cũng có các bài viết trên fanpage của trường để giới thiệu về lớp và mời các em gia nhập vào tập thể 10A.

Trước đó, căn cứ vào số môn học của Chương trình GDPT 2018, Trường THPT Hà Huy Tập đã sắp xếp và phân chia khối 10 thành các lớp Tự nhiên 1 (thiên về khối A và các ngành kỹ thuật); Tự nhiên 2 (thiên về khối A và các ngành nông nghiệp, y, hóa sinh); Xã hội 1 - 2 (thiên về khối D); Xã hội 3 (thiên về khối C).

Bên cạnh đó còn có 1 lớp IELTS và 2 lớp Tự nhiên – tiếng Anh. Tuy nhiên, quá trình học tập thực tế, nảy sinh một số băn khoăn dẫn đến học sinh xin thay đổi, chuyển lớp. Theo thống kê, từ đầu năm học tới nay có gần 40 học sinh xin chuyển học. Trong số này, có trường hợp đặc biệt đã 4 lần xin chuyển lớp và hiện học tại lớp Xã hội 2.

Em Nguyễn Thị Bình là trường hợp đặc biệt. Em vốn giành giải Nhì học sinh giỏi tỉnh môn Địa lý và từng thi đậu vào trường THPT chuyên trên địa bàn. Khi nhập học vào Trường THPT Hà Huy Tập, em đăng ký lớp Tự nhiên 1, nhưng có nguyện vọng tiếp tục theo đuổi môn Địa lý, được tham gia đội tuyển học sinh giỏi môn này. Điều này lại không thể thực hiện được, vì lớp Tự nhiên 1 không có môn Địa lý. Sau khi cân nhắc, nữ sinh quyết định không đổi sang lớp Xã hội, tiếp tục học lớp Tự nhiên và chấp nhận từ bỏ môn Địa lý.

Thầy Cao Thanh Bảo – Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập - cho hay, theo chương trình mới, nếu học sinh đã đăng ký lớp nào sẽ theo học đến lớp 12. Điều này liên quan đến việc ngoài 5 môn bắt buộc và Lịch sử, học sinh sẽ đăng ký môn lựa chọn theo tổ hợp lớp.

Trường hợp chuyển lớp sau khi đã học 1 – 2 năm, cơ cấu môn học giữa các lớp không giống nhau, các em sẽ bị thiếu môn theo quy định. Trong khi đó, việc quyết định lựa chọn vào đầu năm lớp 10 (khi vừa trải qua cấp THCS học đều các môn), học sinh chưa bộc lộ hết năng lực, chưa rõ định hướng được ngành nghề, trường đại học trong 3 năm nữa là điều dễ hiểu.

Giờ trao đổi bài của cô trò khối 10 tại TP Vinh, Nghệ An.
Giờ trao đổi bài của cô trò khối 10 tại TP Vinh, Nghệ An.

Từng bước gỡ khó

Thực hiện chương trình lớp 10, việc sắp xếp lớp học liên quan trực tiếp đến bố trí giáo viên bộ môn. Vì thế, để chủ động tổ chức dạy học trên cơ sở đội ngũ hiện có, các trường phải làm tốt công tác định hướng.

Trường THPT Diễn Châu 3 (huyện Diễn Châu) thời điểm mới tổ chức nhập học khối 10, có tới 9 lớp Khoa học tự nhiên (KHTN) và chỉ có 4 lớp Khoa học xã hội (KHXH). Nhà trường đã tổ chức hội nghị phụ huynh kéo dài khoảng 4 giờ đồng hồ, với thông tin, tư vấn, giải đáp kỹ lưỡng về chương trình mới.

Sau đó, học sinh và phụ huynh đã cân nhắc, điều chỉnh lựa chọn theo năng lực và kết quả học tập, thi đầu vào thực tế thay vì cảm tính như trước đó. Kết quả, cơ cấu khối 10 của trường đã thay đổi thành 7 lớp KHTN (khối A0, A1, B) và 6 lớp KHXH (khối C, D).

Thầy Phan Trọng Đông - Hiệu trưởng nhà trường - cho rằng, cách thức thi và xét tuyển đại học dành cho các em sau 3 năm THPT hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Tư vấn, định hướng của nhà trường cũng mang tính chất dự báo và đón đầu theo hướng các tổ hợp môn xét tuyển đại học và bài thi tổ hợp đánh giá năng lực.

Đối với các môn năng khiếu, qua thống kê phần lớn trường THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa triển khai được do số lượng học sinh đăng ký ít, chưa có giáo viên hoặc chưa đảm bảo cơ sở vật chất. Tại Trường THPT Đô Lương 3, theo thầy Hiệu trưởng Vương Trần Lê, hiện nhà trường chưa có giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật. Phương án đưa ra là hợp đồng giáo viên ngoài và học sinh nộp thêm một khoản học phí nhất định. Tuy nhiên, số học sinh đăng ký môn tự chọn Nghệ thuật rất ít, không đủ lập lớp và kinh phí để thực hiện.

Trường THPT Hà Huy Tập được đánh giá có điều kiện thuận lợi vì ở thành phố Vinh, nhưng tổ chức dạy môn năng khiếu cũng gặp bất cập. Đơn cử, trường có 11/15 lớp 10 đăng ký học cầu lông, 2 lớp bóng đá và 2 lớp bóng rổ (của môn Thể dục), nhưng chỉ có 1 nhà đa chức năng.

Chưa kể học sinh đăng ký các môn năng khiếu thể dục trên lại đến từ nhiều lớp, với thời gian biểu khác nhau. Vì vậy, bố trí sắp xếp giáo viên rất vất vả. Với môn Nghệ thuật, qua đăng ký có 1 lớp Âm nhạc, và trường đã hợp đồng với giáo viên Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Nghệ An để giảng dạy. Nhưng giáo viên của trường cao đẳng đã có lịch cố định nên trường THPT phải phụ thuộc và chờ đợi.

Đối với các môn học khác của chương trình SGK lớp 10, các trường THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tăng cường họp chuyên môn, xây dựng kế hoạch giáo dục của nhóm bộ môn liên trường, liên cụm. Qua đó từng bước tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nảy sinh để dạy và học đạt được hiệu quả và mục tiêu.

Thầy Hồ Sỹ Nam Thắng – Hiệu trưởng Trường THPT Quỳnh Lưu 1 - cho biết, thời gian đầu cũng có nhiều học sinh xin chuyển lớp, nhưng đến nay đã ổn định với số lớp Tự nhiên và Xã hội tương đương nhau. Đây cũng là cơ sở để nhà trường sắp xếp thời khóa biểu, phân bổ giáo viên hợp lý. Tất nhiên, so với chương trình 9 môn bắt buộc như trước đây, chương trình mới chỉ ổn định tương đối. Sẽ có tình trạng giáo viên dạy nhiều tiết hơn, cũng có thầy cô ít tiết hơn trước đây. Vì vậy, với giáo viên ít tiết, nhà trường sẽ bố trí phụ trách hoạt động trải nghiệm hoặc dạy chương trình địa phương phù hợp với năng lực, chuyên môn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ