Trường vùng cao thích ứng bắt nhịp Chương trình mới với lớp 10

GD&TĐ - Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các trường vùng cao ở Lai Châu đã chủ động gỡ khó để bắt nhịp Chương trình mới đối với lớp 10.

Tiết Vật lý trong phòng học thông minh của học sinh trường DTNT THPT huyện Nậm Nhùn.
Tiết Vật lý trong phòng học thông minh của học sinh trường DTNT THPT huyện Nậm Nhùn.

Chủ động bắt nhịp

Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên lớp 10 triển khai Chương trình GDPT 2018. Đối với nhiều trường học ở vùng cao Lai Châu, có không ít khó khăn đặt ra. Tuy nhiên, với sự chủ động thích ứng, thầy trò các trường đã nhanh chóng bắt nhịp ngay từ những ngày đầu năm học mới.

Chúng tôi đến trường DTNT THPT huyện Nậm Nhùn (huyện Nậm Nhùn) sau gần 2 tháng chính thức bước vào năm học mới. Thầy Đào Kim Lâm, Phó Hiệu trưởng dẫn chúng tôi đến “mục sở thị” tiết học Vật lý của lớp 10A2 tại phòng học thông minh.

Thầy Lâm chia sẻ, lớp học được bố trí bảng tương tác thông thông minh, bảng trượt, ti vi, máy chiếu siêu gần và hệ thống âm thanh phục vụ cho việc dạy và học.

Học sinh lớp 10A2 đang chăm chú xem thầy Vũ Duy Tú thể hiện sơ đồ tư duy qua bảng tương tác thông minh. Thầy Tú cho biết: “Để bắt nhịp với Chương trình GDPT mới, chúng tôi đã được tập huấn 9 mô đun. Trong đó, có những mô đun quan trọng về phương pháp, thiết kế bài dạy để phù hợp với nội dung chương trình GDPT mới”.

Thầy Tú tiếp lời: “Trong thời gian nghiên cứu về Chương trình mới, tôi luôn chủ động tìm tòi, tham khảo kiến thức của đồng nghiệp và sách, báo, các trang mạng Internet để trau dồi thêm kiến thức”.

Theo thầy Tú, việc giảng dạy môn Vật lý trong phòng học thông minh đã giúp các em thêm hứng thú với tiết học. Các em có thể tổng hợp kiến thức đã học qua việc tự thiết kế sơ đồ thông minh.

Em Mào Thị Kim Oanh, học sinh lớp 10A2 chia sẻ: “Khi học theo Chương trình GDPT mới, em cảm thấy rất thú vị. Nội dung trong sách cũng được chắt lọc, dễ hiểu. Chúng em được học kết hợp với trải nghiệm thực tế nên rất thoải mái trong tiếp thu kiến thức".

Năm học này, trường DTNT THPT Nậm Nhùn có 328 học sinh. Trong đó, có 4 lớp 10 với 157 học sinh.

Cô Đinh Thị Quyên, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Căn cứ vào số lượng giáo viên hiện có, chúng tôi xây dựng kế hoạch dự kiến phân lớp. Cùng với đó, tổ chức họp, tìm hiểu nguyện vọng của phụ huynh, học sinh để sắp xếp vào các nhóm lớp theo nguyện vọng. Còn về đội ngũ, thông qua tập huấn, thầy cô đã sẵn sàng để triển khai Chương trình GDPT mới đối với lớp 10”.

Tiết Tin học của học sinh trường THPT Nậm Nhùn.

Tiết Tin học của học sinh trường THPT Nậm Nhùn.

Còn thầy Trần Xuân Giáp, giáo viên môn Tin học, trường THPT Nậm Nhùn cho biết: “Chương trình GDPT 2018 có những phương pháp giảng dạy mới đòi hỏi giáo viên phải chủ động hơn trong kiến thức của mình để thu hút học sinh vào tiết học. Tuy nhiên, để bắt nhịp và tiếp cận được mục tiêu đó, mỗi giáo viên phải tự trang bị kiến thức của mình. Đồng thời, tham gia đầy đủ các đợt tập huấn do Bộ và Sở GD&ĐT tổ chức”.

Theo thầy Giáp, đối với môn Tin học, có nhiều kiến thức khá mới và khó so với học sinh vùng cao như kiến thức về trí tuệ nhân tạo (AI).

Em Nguyễn Hải An, lớp 10A1, trường THPT Nậm Nhùn chia sẻ: “Chương trình mới với nhiều kiến thức mới giúp chúng em hứng thú hơn trong các môn học. Với những hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp sẽ giúp chúng em định hướng và xác định được nghề nghiệp cho mình sau này”.

Tập trung gỡ khó

Năm học này, trường THPT Nậm Nhùn có 10 lớp với 450 học sinh. Trong đó, có 280 học sinh ở bán trú. Trường có 110 học sinh lớp 10, các em được chia thành 3 lớp. Năm đầu thực hiện chương trình GDPT mới, nhà trường còn rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất.

Theo thầy Nguyễn Minh Dương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện đơn vị đang được đầu tư thêm cơ sở vật chất để phục vụ cho hoạt động giáo dục gồm: 1 nhà hiệu bộ, 4 phòng học bộ môn, 14 phòng ở học sinh và 10 phòng công vụ cho giáo viên.

“Việc xây dựng bổ sung cơ sở vật chất nhằm góp phần giải quyết nhu cầu dạy và học của nhà trường. Những phòng học bộ môn Tiếng Anh, Tin học được xây dựng sẽ đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT mới đối với những môn học này” – thầy Dương cho biết.

Trường THPT Nậm Nhùn đang được đầu tư cơ sở vật chất.

Trường THPT Nậm Nhùn đang được đầu tư cơ sở vật chất.

Tình trạng thiếu giáo viên đang là bài toán khó đối với giáo dục vùng cao Lai Châu, nhất là các môn chuyên biệt. Để “lấp” khoảng trống đó, không chỉ giáo viên tăng tiết mà Ban Giám hiệu các trường đã phải vừa đứng lớp vừa quản lý.

Theo cô Đinh Thị Quyên, hiện trường DTNT THPT huyện Nậm Nhùn còn thiếu 4 giáo viên ở các bộ môn: Văn, Thể dục, Công nghệ, Giáo dục công dân. Trường có 3 giáo viên Toán thì 2/3 đang nghỉ thai sản. Nhà trường đã phải phân chia để giáo viên Toán giảng dạy đều ở tất cả 12 lớp. Còn đối với những môn đang thiếu, nhà trường bố trí dạy kiêm nghiệm.

“Hiện nay, tất cả thành viên Ban Giám hiệu đều đứng lớp vượt quá số tiết quy định. Như tôi, mỗi tuần chỉ có 2 tiết nhưng giờ phải dạy 8 tiết. Vừa dạy môn chính, tôi đảm nhiệm dạy hoạt động ngoài giờ lên lớp và hướng nghiệp cho học sinh” – cô Quyên cho biết.

Như trường hợp của thầy Đào Kim Lâm cũng thừa 126 tiết/năm học. Trung bình mỗi tuần, thầy Lâm thừa khoảng 4 tiết.

Trường THPT Nậm Nhùn chỉ có 11 giáo viên, trong đó có 2 cán bộ quản lý. Trường đang thiếu 8 giáo viên đứng lớp so với chỉ tiêu biên chế. Hiện đang có 3 giáo viên đã được tăng cường đến trường. Tuy nhiên, lượng giáo viên còn thiếu nhiều nên Ban Giám hiệu, giáo viên phải dạy tăng giờ.

Thầy Nguyễn Văn Long, giáo viên dạy Toán được tăng cường từ trường phổ thông DTNT Tân Uyên sang. Thầy Long chia sẻ: “Khó khăn của chúng tôi không phải về chuyên môn mà chủ yếu là xa gia đình. Bên cạnh đó, theo định mức, chúng tôi dạy 17 tiết/tuần, nhưng hiện tại tôi phải dạy từ 20 – 25 tiết”.

Thể dục cũng là môn học bắt buộc đối với lớp 10. Nhưng, trường THPT Nậm Nhùn đang tạm dừng giảng dạy môn học này vì thiếu giáo viên.

“Với Chương trình GDPT mới, môn Thể dục có thể học cuốn chiếu theo sắp xếp của nhà trường. Do vậy, trong đợt tuyển dụng giáo viên của Sở GD&ĐT, nếu được bố trí người thì chúng tôi sẽ chủ động kế hoạch giảng dạy phù hợp” – thầy Bùi Sỹ Tiếp, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nậm Nhùn chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.