Theo phó giáo sư tiến sỹ Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu), nguồn phát sinh động đất được giả thuyết là một đới hút chìm ở Bắc Thái Bình Dương, nơi mảng kiến tạo Juan de Fuca va chạm và chui xuống dưới mảng kiến tạo Bắc Mỹ.
Theo lý luận, kích thước và cơ chế hoạt động của đới hút chìm Cascadia có thể so sánh với kích thước và cơ chế hoạt động của nguồn động đất Tohoku ở Nhật Bản năm 2011 và vì thế sẽ có khả năng phát sinh động đất có độ lớn tới 9,2 độ Richter.
Tiếp đó, bằng các tính toán mô phỏng, người ta đưa ra những con số về năng lượng động đất, độ cao sóng thần và các thiệt hại về người và của dọc theo dải ven biển Bắc Thái Bình Dương.
“Nhắc lại, đây chỉ là một giả thuyết, có độ tin cậy thấp và chỉ mang tính chất cảnh tỉnh người dân,” ông Phương nhấn mạnh.
Ông Phương cũng cho biết: như thấy trên video, động đất sẽ xảy ra trên đới hút chìm Cascadia ở ngoài biển. Theo giả thiết thì động đất này sẽ gây ra sóng thần nhấn chìm vùng ven biển Bắc Thái Bình Dương và còn ảnh hưởng tới cả Nhật Bản.
Trong lịch sử, hai trận động đất gây sóng thần hủy diệt đã từng xảy ra và có độ lớn tương đương vơi kịch bản này là động đất gây sóng thần Sumatra năm 2004 và động đất Tohoku năm 2011. Chu kỳ các siêu động đất động đất lớn như vậy thường kéo dài từ vài trăm đến hàng nghìn năm.
“Giống như trong trường hợp động đất tương tự của kịch bản này là trận động đất Tohoku ở Nhật Bản 11/3/2011 (độ lớn 9,1 độ Richter) thì Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng, bởi chấn tâm động đất cách nước ta quá xa để gây ra thiệt hại trực tiếp về người và tài sản.
Mặt khác, sóng thần sẽ bị chặn lại trước các quốc gia bao bọc xung quanh biển Đông Việt Nam như Đài Loan, Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc,” ông Phương thông tin thêm.