Trong khi nhiều người coi đây là bước đệm để quản lý, phát triển kinh doanh một cách minh bạch hơn thì một số người bán hàng lại bày tỏ lo ngại chi phí gia tăng sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng sụt giảm.
Người bán than khó
Với sự phát triển như vũ bão của nền kinh tế số, các hoạt động thương mại điện tử đã và đang tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽ. Đáng chú ý, có những phiên livestream bán hàng đạt doanh thu kỷ lục lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi phiên.
Đây là cơ hội lớn không chỉ cho các nhãn hàng, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế cho cả nước. Để tránh tình trạng thất thoát thuế, thời gian gần đây, việc rà soát, truy thu thuế đối với các cá nhân, đơn vị kinh doanh trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử đang được triển khai hết sức quyết liệt.
Vừa qua, Cục Thuế đã có thư ngỏ gửi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân hoạt động thương mại điện tử, khuyến nghị tuân thủ nguyên tắc “Người nộp thuế tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm”. Bên cạnh việc tuyên truyền, hỗ trợ, cơ quan thuế cũng khẳng định sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về thuế.
Theo Thông tư 40/2021/TT-BTC, hộ kinh doanh cá thể có doanh thu từ sàn thương mại điện tử phải đóng 1% thuế giá trị gia tăng (VAT) và 0,5% thuế thu nhập cá nhân, chưa kể các loại phí trên sàn thương mại điện tử. Điều này khiến không ít người bán hàng online cảm thấy áp lực, nhất là trong bối cảnh tiêu dùng suy giảm.
Chị Phạm Thanh Nga (28 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội, buôn bán mặt hàng quần áo trẻ em trên sàn thương mại điện tử) nhận thấy khoảng 3 năm trở lại đây tỷ lệ cạnh tranh trên sàn thương mại điện tử tăng cao. Điều này vô hình trung khiến các cá nhân kinh doanh như chị Nga gặp khó, doanh số sụt giảm.
Ngoài ra, người bán trên các sàn thương mại điện tử đang khó khăn xoay xở khi các loại phí phải đóng cho các sàn thương mại điện tử tăng vọt. Việc quy định về việc đóng thuế như hiện nay khiến những người kinh doanh như chị Phạm Thanh Nga cảm thấy áp lực.
“Ngày trước thấy kinh doanh online là ‘miếng bánh ngon’ vì không tốn chi phí mặt bằng, nhiều ưu đãi cho cả khách và người bán. Nhưng giờ các sàn thương mại điện tử lớn đồng loạt tăng chi phí, lại phải đóng thuế ở mức 1,5%, không dễ sống nữa.
Nếu đẩy giá cao thì khó cạnh tranh, nhưng nếu bán giá như cũ thì không trụ nổi vì biên lợi nhuận thấp. Đó là chưa kể nếu không chạy quảng cáo, sản phẩm gần như không thể tiếp cận khách hàng được”, chị Thanh Nga băn khoăn.
Chị Thanh Nga cũng cho biết thêm, đóng thuế ở mức 1,5% nghe có vẻ không cao, song cộng dồn thì ảnh hưởng khá nhiều đến lợi nhuận. Nếu người bán không tăng giá sản phẩm thì rất khó có lãi, nhưng nếu tăng giá bán thì doanh thu sẽ sụt giảm, khó cạnh tranh hơn.
Nếu như trước đây, mặt hàng quần áo trẻ em bán trên sàn và bán trực tiếp tại cửa hàng có mức giá bằng nhau thì hiện tại, chị Nga đã có sự điều chỉnh giá sản phẩm trực tuyến tăng nhẹ so với trước đây.
“Cũng có lúc tôi muốn đóng gian hàng trên sàn thương mại điện tử nhưng rất khó vì khách hàng đã có thói quen mua sắm ở đây. Tôi cũng mong khách hàng thông cảm khi giá sản phẩm tăng so với trước đây, hoặc tôi tư vấn khách mua qua các kênh khác chứ nếu không tăng giá, người kinh doanh như chúng tôi không trụ lại được trên các sàn thương mại điện tử. Tôi đồng tình với việc nộp thuế, song cũng mong cơ quan thu thuế ở mức hợp lý trong bối cảnh kinh doanh khó khăn như hiện nay”, chị Thanh Nga cho biết.
Tăng minh bạch, công bằng
Anh Trần Quốc Hùng (34 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) - chủ hộ kinh doanh ở đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, nhiều người bán hàng trực tuyến có doanh thu, lãi cao nhưng không đóng thuế, phí.
Chính vì vậy, họ có thể bán “phá giá”, khiến những người kinh doanh thuê cửa hàng như anh Hùng khó có thể cạnh tranh được, gây tình trạng không công bằng cho hoạt động bán hàng nói chung.
Vì vậy, anh Hùng ủng hộ việc các sàn thương mại điện tử có trách nhiệm khấu trừ, nộp thuế thay và kê khai số thuế đã khấu trừ cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động trên nền tảng của họ.
“Điều này sẽ gia tăng tính công bằng, minh bạch đối với tất cả người kinh doanh”, anh Hùng đánh giá.
Theo các chuyên gia, việc cơ quan thuế tăng cường, siết chặt quản lý thuế bán hàng online là rất cần thiết trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Nhiều cá nhân bán hàng online, livestream thu được tiền tỷ nhưng kê khai con số rất ít, thậm chí trốn thuế, song cơ quan quản lý thuế không tìm được địa chỉ, danh tính cụ thể.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật cho biết, việc siết chặt thuế đối với người kinh doanh online nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi trốn thuế, gian lận thuế trong thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng và đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước trên địa bàn.
“Theo quy định của pháp luật thuế Việt Nam, trường hợp cá nhân, doanh nghiệp có hành vi trốn thuế, nhưng chưa đến mức bị xử lý hình sự thì bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 17, Nghị định 125/2020. Ngoài ra, cá nhân, doanh nghiệp trốn thuế còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả về hành vi trốn thuế. Tùy theo mức độ vi phạm, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện hành vi trốn thuế có thể bị xử phạt hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế”, luật sư Diệp Năng Bình cho biết.