Siết chặt quản lý phân loại phim theo đối tượng khán giả

GD&TĐ - Bộ VH-TT&DL đang tổ chức việc lấy ý kiến rộng rãi cho dự thảo lần 2 “Thông tư quy chế thẩm định, phân loại và cấp giấy phép phổ biến phim”. 

Siết chặt quản lý phân loại phim theo đối tượng khán giả

Dự kiến thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Theo đó, việc cấm phổ biến phim có cảnh nóng cho khán giả dưới 18 tuổi gây nhiều bàn luận. Tuy nhiên bên cạnh việc cấm phim có cảnh nóng ngoài rạp cho khán giả nhỏ tuổi thì cũng cần phải phân định về giờ chiếu các loại phim như thế này trên các kênh truyền hình.

Cấm vẫn chưa triệt để

Hiện Việt Nam chỉ có 2 loại phim cấm trẻ em 16 tuổi và phim được chiếu rộng rãi. Nhưng thực trạng trẻ em dưới 18 tuổi thậm chí dưới 16 tuổi mua được vé vào rạp xem những bộ phim của người lớn là chuyện vẫn xảy ra. Một trong những nguyên nhân khiến cho việc hạn chế này kém khả thi đó là chủ các rạp chiếu chưa thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra các đối tượng theo quy định khi soát vé. Còn việc để người xem tự giác khi lựa chọn phim ở các độ tuổi này là khó thực hiện được. Nên chăng việc quy định người xem trẻ tuổi phải xuất trình chứng minh thư khi vào xem những phim này cần phải được kiểm soát thật triệt để.

Song không chỉ có phim chiếu ngoài rạp, mà những bộ phim truyền hình chiếu trên các kênh thông tin giải trí cũng cần được phân loại giờ chiếu chặt chẽ. Vì như vậy mới có thể hạn chế được từng đối tượng người xem. Các phụ huynh có thể dựa vào những từng thời lượng phát sóng để cho hoặc yêu cầu con cái không được xem vào những giờ này.

Cách đây không lâu bộ phim “Chuyện ấy là chuyện nhỏ” từng bị dừng chiếu trên VTV do có nhiều cảnh nóng 18+. Hay gần đây nhất bộ phim “Tuổi thanh xuân” (phần 2) đã gây tranh cãi rất nhiều vì có những cảnh quay được cho là không phù hợp với khán giả truyền hình, đặc biệt là khán giả dưới 18 tuổi. Trong một đoạn phim miêu tả cảnh ăn chơi của thiếu gia tên Phong (diễn viên Mạnh Trường đóng), nhân vật có những cảnh hôn nhau tay ba, nụ hôn đồng tính giữa hai cô gái, các nhân vật nữ ăn mặc rất gợi cảm, hở hang. Đặc biệt, Phong cùng bạn thi uống rượu được đặt trên người những cô gái…

Rõ ràng với phân đoạn phim như thế này không nên để trẻ em dưới 18 tuổi xem. Tuy nhiên vào những giờ chiếu như thế trên kênh truyền hình thì đối tượng xem không hề loại trừ một ai.

Sẽ phân loại phim theo các độ tuổi

Trong dự thảo lần 2 Thông tư quy chế thẩm định, phân loại và cấp giấy phép phổ biến phim lần đầu tiên áp dụng cách phân loại theo 4 mức độ: Phim dành cho mọi lứa tuổi, cấm khán giả dưới 13 tuổi (C13), cấm khán giả dưới 16 tuổi (C16) và cấm khán giả dưới 18 tuổi (C18). Cụ thể nội dung phim và những yếu tố như kinh dị, bạo lực, tình dục là tiêu chí để phân loại.

Các phim hạn chế lứa tuổi khán giả quy định: Không chấp nhận việc sử dụng ngôn ngữ, âm thanh, hình ảnh thô tục; không chấp nhận hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện hành động bạo lực như gây ra đau đớn, thương tích được miêu tả chi tiết, căng thẳng, thời lượng kéo dài; không chấp nhận hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện cảnh kinh dị, rùng rợn, gây sợ hãi, căng thẳng được miêu tả chi tiết, diễn ra thường xuyên, có thời lượng kéo dài…

Những phim dành cho khán giả trên 18 tuổi có nội dung phim phản ánh những vấn đề của người trưởng thành, như các vấn đề liên quan đến chính trị, xã hội, tâm lý, tội phạm tình dục nhưng không phù hợp với nhận thức, tâm lý, sinh lý của khán giả dưới 18 tuổi. Đồng thời, không chấp nhận hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ tả thực cảnh bạo lực gây tác động mạnh cho người xem, trừ trường hợp hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ đó phù hợp với nội dung phim và không khai thác sâu.

Theo đạo diễn Việt Dũng thì nếu quản lý và phân loại được phim như trên thì rất tốt. Vì ở nước ngoài việc quản lý phim ảnh được làm từ lâu và rất chặt chẽ. Tuy nhiên, đạo diễn vẫn băn khoăn có thật sự “lứa tuổi nào được xem phim ấy không”? Ai quản lý điều này? Nhất ở thời đại công nghệ số này, nếu khán giả không được xem tại rạp, họ có thể lên mạng xã hội hay vào internet để xem.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...