SGK theo đề xuất của trường không được chọn tại TPHCM: Giáo viên không quá lo lắng

GD&TĐ - Sau khi UBND TPHCM công bố quyết định phê duyệt SGK lớp 2, lớp 6 và điều chỉnh, bổ sung danh mục SGK lớp 1 sử dụng trong cơ sở GD phổ thông từ năm học 2021 - 2022, Sở GD&ĐT TPHCM sẽ sớm tổ chức tập huấn SGK

Học sinh lớp 6 Trường THCS Minh Đức, Quận 1 trong tiết Đọc sách tại thư viện. Ảnh minh họa: P.Nga
Học sinh lớp 6 Trường THCS Minh Đức, Quận 1 trong tiết Đọc sách tại thư viện. Ảnh minh họa: P.Nga

Bộ sách Chân trời sáng tạo chiếm ưu thế

Theo quyết định của UBND TPHCM, đa số các sách được phê duyệt đều thuộc bộ Chân trời sáng tạo của nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam. Riêng SGK Tiếng Anh lớp 2 có 3 đầu sách được phê duyệt thuộc NXB Giáo dục Việt Nam, NXB ĐH Sư phạm TPHCM và NXB ĐH Quốc gia TPHCM. 

Với bộ SGK lớp 6, phần lớn các môn được chọn thuộc bộ Chân trời sáng tạo. Sách Tiếng Anh 6 có 3 đầu sách được phê duyệt của NXB Giáo dục Việt Nam và NXB ĐH Sư phạm TPHCM. SGK Giáo dục công dân lớp 6 có 2 đầu sách được phê duyệt đều thuộc NXB Giáo dục Việt Nam. 

Về danh sách các trường tiểu học đề nghị điều chỉnh, bổ sung SGK lớp 1 từ năm học 2021 - 2022, thống kê cho thấy, môn Giáo dục thể chất dẫn đầu số lượng đơn vị đề xuất điều chỉnh tới 65 trường. Kế đến là môn Âm nhạc với 63 trường; môn Mỹ thuật 57 trường; môn Đạo đức có 54 trường; môn Tự nhiên Xã hội có 53 trường. Môn Toán có 49 trường, môn Tiếng Việt có 42 trường, môn Tiếng Anh có 41 trường xin điều chỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM chia sẻ: Sau khi có quyết định phê duyệt của UBND TP, sở sẽ thông báo tới các NXB có SGK được lựa chọn để phối hợp tập huấn cho giáo viên, đồng thời bảo đảm cung ứng SGK cho 100% học sinh trên địa bàn TP trước khi bắt đầu năm học mới. Việc tập huấn sẽ kết hợp hình thức trực tuyến và trực tiếp. 

Với lớp 1, sở có hướng dẫn, điều chỉnh cụ thể cho giáo viên, nhà trường. Sở sẽ mời các chủ biên, báo cáo viên là tác giả hoặc cộng tác viên của các bộ SGK lớp 2, lớp 6 để triển khai tập huấn rộng rãi cho giáo viên. Việc tập huấn dự kiến hoàn thành trong tháng 7. 

TPHCM dự kiến sẽ hoàn tất việc tập huấn SGK lớp 2 và lớp 6 trong tháng 7. Ảnh minh họa: P.Nga
TPHCM dự kiến sẽ hoàn tất việc tập huấn SGK lớp 2 và lớp 6 trong tháng 7. Ảnh minh họa: P.Nga 

Sớm triển khai công tác tập huấn SGK mới

Thầy Nguyễn Công Phúc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1) cho hay: Các SGK lớp 6 do UBND TPHCM phê duyệt gần giống đề xuất lựa chọn của các tổ bộ môn. Hiện giáo viên đã hoàn tất bồi dưỡng, tập huấn theo chương trình mới và sẵn sàng cho việc tập huấn SGK lớp 6. Đồng thời, giáo viên lớp 6 cũng đang tham gia tập huấn, bồi dưỡng theo kế hoạch của sở GD&ĐT với bộ môn tích hợp Khoa học tự nhiên và Sử - Địa. “Thầy, cô giáo đã sẵn sàng cho việc dạy học theo chương trình mới”, thầy Khánh nói. 

Tuy vậy, ở một số ít trường, đề xuất của trường có khác với quyết định của TP nên giáo viên cũng có chút băn khoăn. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, thầy cô có thể yên tâm nếu trường đề xuất cuốn sách này, bộ sách kia, nhưng phê duyệt của TP là cuốn sách khác. Bởi hội đồng chọn SGK của TP đã cân nhắc dựa trên các tiêu chí mà UBND TP đặt ra, cùng các tiêu chí về sự phù hợp mà các cơ sở giáo dục đã lựa chọn trước đó. 

Khi thực hiện chương trình mới, SGK không còn là pháp lệnh, mà là ngữ liệu, tài liệu để hỗ trợ giáo viên triển khai kế hoạch dạy học theo chương trình. Sở cũng yêu cầu các trường trang bị ở thư viện các đầu sách được Bộ GD&ĐT phê duyệt để thầy cô tham khảo, lựa chọn ngữ liệu phù hợp, linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch dạy học. Quan trọng nhất, giáo viên được tập huấn ngay từ đầu. Dạy học với bộ SGK nào, thầy cô cũng phải xác định được yêu cầu cần đạt theo chương trình cuối năm học lớp 2, lớp 6 là gì để có thể linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch dạy học. 

Ông Hiếu lưu ý: Thầy cô có thể nghiên cứu, tham khảo và sử dụng ngữ liệu của các bộ sách để phục vụ cho kế hoạch giảng dạy nhưng khi hướng dẫn học sinh học tập, chuẩn bị bài phải dùng SGK đã được phê duyệt, không được yêu cầu học sinh sử dụng sách khác.

Từ nhiều năm qua, TP kiên trì đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết vấn đề thực tiễn chứ không kiểm tra sự ghi nhớ nội dung trong SGK. Vì vậy, theo lãnh đạo ngành GD-ĐT TPHCM, dạy học theo bộ sách nào, có thể ngữ liệu, cách thức thể hiện khác nhau nhưng phải đạt được đích chung, nên việc kiểm tra đánh giá sẽ không bị ảnh hưởng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ