SGK phải phát huy được phẩm chất, năng lực của học sinh

GD&TĐ - Thảo luận về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), nhiều đại biểu góp ý về nội dung chương trình, sách giáo khoa phổ thông.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nêu ý kiến: Điều 31 có ghi, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.

Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập có tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện thực tiễn. Ông Chiến cho rằng, quy định này cần thảo luận thêm.

Cùng ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn: Quy định này liệu có làm phát sinh xu hướng “chạy” để được sách giáo khoa của mình được địa phương chọn.

Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định: cho đến nay vẫn có 1 bộ sách giáo khoa thống nhất. Tới đây, dù ai soạn sách giáo khoa, có thể nhiều nhóm tác giả khác nhau, đề cập ở nhiều lĩnh vực, hoàn cảnh, địa phương, địa bàn, vùng dân tộc … thì bộ sách giáo khoa vẫn được Bộ GD&ĐT thẩm định. Khi phát hành, đương nhiên bộ sách đó, người chịu trách nhiệm vẫn là Bộ GD&ĐT.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, mục tiêu của chúng ta là sách giáo khoa được giảng dạy trong các nhà trường phải phát huy hiệu quả, phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh.

Để đạt được mục tiêu này vai trò của giáo viên trong truyền thụ kiến thức rất quan trọng. Giáo viên cần truyền thụ, gợi mở được tư duy của học sinh để vận dụng vào cuộc sống.

Nói cách khác, đây chính là chất lượng của giáo viên. Chất lượng của giáo viên rất quan trọng trong giảng dạy.

Điều 31 của dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định: Thứ nhất, chương trình giáo dục phổ thông thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông; quy định những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, những nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi cả nước; phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp và mỗi cấp học của giáo dục phổ thông.

Chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục. Chương trình giáo dục phổ thông phải được tổ chức thực nghiệm trước khi ban hành.

Thứ hai, sách giáo khoa là công cụ giảng dạy, nhằm triển khai chương trình giáo dục phổ thông. Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Nội dung và hình thức sách giáo khoa không mang định kiến dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội; sách giáo khoa gồm sách in, sách chữ nổi, sách điện tử và học liệu.

Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập có tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện thực tiễn.

UBND cấp tỉnh tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của địa phương, được Hội đồng cấp tỉnh thẩm định và được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.