Thông tin tuyển sinh, chương trình và sách giáo khoa... được dư luận quan tâm

Thông tin tuyển sinh, chương trình và sách giáo khoa... được dư luận quan tâm

Thi THPT quốc gia 2019 và thông tin tuyển sinh

Tại cuộc họp giao ban với lãnh đạo bộ, ngành thuộc khối giáo dục, đào tạo, đại diện một số hiệp hội vào chiều 28/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo mới nhất về thi THPT quốc gia 2019.

Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD&ĐT: Trong quá trình chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia 2019 cần “đặt hàng” chuyên gia về mọi tình huống có thể xảy ra.

Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ GD&ĐT đặc biệt lưu ý đến khâu ra đề thi. Đề thi mẫu cũng cần chuẩn bị tốt.

“Từ kinh nghiệm của các trường nghề, các trường đại học cần tiến tới phương án tuyển sinh nhiều lần trong năm”, Phó Thủ tướng nói.

Về vấn đề biên chế giáo viên, Phó Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT từ số liệu biên chế giáo viên ở từng trường, từng môn, từng cấp học, tiến tới dự báo về nhu cầu giáo viên trong những năm tới ở từng địa phương kết hợp với thống kê số sinh viên tại từng địa phương đang học sư phạm. Có như vậy, chúng ta mới giải quyết căn bản câu chuyện biên chế giáo viên.

Phó Thủ tướng lưu ý cần phòng mọi tình huống xảy ra trong thi THPT quốc gia. Ảnh: Hải Nguyễn
 Phó Thủ tướng lưu ý cần phòng mọi tình huống xảy ra trong thi THPT quốc gia. Ảnh: Hải Nguyễn

Phó Thủ tướng đề nghị ngành Giáo dục quyết liệt thay đổi nếp quản trị, xây dựng đạo đức lối sống, văn hoá… trong trường học.

Bên cạnh đó, thời gian tới, Bộ GD&ĐT phải bám sát việc triển khai chương trình kiên cố hoá trường học, đầu tư cho một số đại học lớn.

Đối với các trường nghề, bên cạnh kiện toàn cơ sở vật chất, cần tạo điều kiện hơn nữa cho nguyện vọng học liên thông lên cao đẳng, đại học.

“Quy hoạch các trường nghề không nên hiểu máy móc, cứng nhắc. Điều cần thiết là cơ chế để phát huy được tối đa cơ sở vật chất đào tạo nghề hiện này. Các trường nghề cần phối hợp chặt chẽ với trường đại học, cao đẳng trong đào tạo một số nghề có nhu cầu nhân lực cao như công nghệ thông tin, du lịch”, Phó Thủ tướng nói.

Công tác khuyến học cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cộng đồng học tập, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng.

“Tới đây, không chỉ học liệu, bài giảng điện tử mà toàn bộ nội dung các chương trình, hoạt động giáo dục tại trường học cần đưa lên Hệ tri thức Việt số hoá để cộng đồng cùng khai thác, sử dụng, giám sát”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Học sinh tìm hiểu thông tin tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2019 (Ảnh: Tuổi trẻ)
 Học sinh tìm hiểu thông tin tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2019 (Ảnh: Tuổi trẻ)

Giáo dục tiếp tục nhận được quan tâm lớn của phụ huynh và học sinh với các nội dung về kì thi THPT quốc gia 2019 và các thông tin tuyển sinh.

Đánh giá năng lực tuyển sinh: Phía Nam sôi động, phía Bắc im lìm - Hiện nay, các trường đại học (ÐH) trên cả nước bắt đầu công bố phương án tuyển sinh. Một thực tế cho thấy, trong khi nhiều trường ÐH khu vực phía Nam lấy thi kết quả đánh giá năng lực để tuyển sinh thì các trường khu vực phía Bắc lại “chung thủy” với phương án tuyển sinh truyền thống.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa 

Vấn đề bất cập trong quản lý nhà nước về giáo dục

Hiện nay, còn tồn tại nhiều bất cập trong quản lý Nhà nước về giáo dục. Nhu cầu bức thiết đặt ra là, ngành giáo dục cần được chủ động về nhân sự. Hiện nay ở các địa phương, cơ quan chuyên môn là Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên và bổ nhiệm nhân sự. Qua đó phát sinh một số bất cập, gây khó khăn cho ngành trong thực hiện chuyên môn và nghiệp vụ.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Quí Đôn - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho rằng:

"Vấn đề đặt ra hiện nay là người quản lý trực tiếp hiểu rõ công chức đó thực sự có năng lực hay không, lại không có quyền được tuyển dụng, bổ nhiệm. Có nơi hiệu trưởng không có quyền tuyển GV; giám đốc Sở không bổ nhiệm được trưởng Phòng GD&ĐT; trưởng Phòng GD&ĐT không bổ nhiệm được hiệu trưởng… Do đó, cần giao quyền chủ động về mặt nhân sự cho ngành GD.

Trong khi ngành GD phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo, nhưng lại không được trao quyền chủ động tuyển người vào ngành. Từ thực tế trên, chúng ta cần xác định lại việc phân cấp quản lý hoặc để ngành GD chịu trách nhiệm cả đầu vào và phân bổ nguồn nhân lực sư phạm cho các cơ sở GD của mình. Nếu đã giao quyền chủ động như vậy mà để xảy ra tình trạng thừa - thiếu GV, cần xử lý thật nặng người đứng đầu, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ cũng cần phải có chỉ đạo thống nhất trong việc tuyển công chức, cần phải căn cứ đặc điểm ngành nghề cho phù hợp. Làm sao để ngành GD được chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và chủ động điều tiết được GV thừa, thiếu.

Một chương trình, nhiều bộ SGK

Bộ Giáo dục cần rõ ràng và thuyết phục hơn về câu chuyện “Một chương trình, nhiều bộ SGK”. PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng - nguyên Điều phối viên chính, của Ban Phát triển Chương trình Giáo dục Phổ thông - Bộ GD&ĐT) bày tỏ về một số vấn đề được đặt ra.

Còn GS.TS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là đúng. Phải hiểu đúng bản chất của Nghị quyết 88, quy định một chương trình có thể được dạy bằng một số bộ SGK.

Phải chú ý đến từ “một số” trong Nghị quyết, nghĩa là một, hai hoặc ba… và “có thể” nhiều bộ sách chứ không “bắt buộc” là phải có nhiều bộ SGK. Cho nên ý kiến đề xuất của Chủ tịch Quốc hội không đi ngược lại với Nghị quyết.

Do đó, GS Đào Trọng Thi nhấn mạnh, nếu trong thời gian tới thống nhất chỉ có một bộ SGK cũng không có gì ngạc nhiên. Chúng ta không nên nóng vội, có thể giai đoạn đầu sẽ dùng thống nhất một bộ SGK chung, làm căn cứ tiến tới giai đoạn sau phát triển ra nhiều bộ SGK… như vậy sẽ tuần tự, không gây xáo trộn trong giáo dục và được dư luận đón nhận một cách nhẹ nhàng hơn.

“Sách nào viết tốt, giáo viên và học sinh dễ hiểu thì họ được quyền lựa chọn, miễn sao đảm bảo được chất lượng và đánh giá của các kì thi chung toàn quốc”, GS Đào Trọng Thi nhấn mạnh.

“Chúng ta chấp nhận những ý kiến trái chiều ban đầu để đánh đổi lại sự phát triển cạnh tranh công bằng, hay lựa chọn giải pháp an toàn truyền thống… điều đó sẽ được tập thể các đại biểu Quốc hội thảo luận và thông qua”, GS Đào Trọng Thi cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.