Sẽ tổ chức thành công kỳ thi quốc gia ngay trong năm 2015

GD&TĐ - “Tôi rất tâm đắc với chỉ đạo của Thủ tướng về việc cần tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia ngay từ năm 2015, không nên chần chừ nữa. Tuy nhiên, việc tổ chức kỳ thi thế nào cho tốt mới chính là vấn phải bàn bạc kỹ…”

Sẽ tổ chức thành công kỳ thi quốc gia ngay trong năm 2015
 

GS.TSKH Lâm Quang Thiệp

Đó là chia sẻ của GS.TSKH Lâm Quang Thiệp - Nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học (Bộ GD&ĐT) sau khi nghiên cứu Dự thảo Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Nên chọn và thực hiện ngay phương án 2

Một kỳ thi THPT quốc gia có rất nhiều lợi điểm nhưng đó phải là một kỳ thi đảm bảo chất lượng. 

Nếu có quyết tâm, tôi tin rằng, ngành Giáo dục sẽ tổ chức thành công kỳ thi hợp nhất ngay trong năm 2015, sau đó cải tiến dần theo tiến trình đổi mới giáo dục.

Bộ GD&ĐT cần quyết định sớm phương án và sau đó quyết tâm khẩn trương để tranh thủ quỹ thời gian.

Với 3 phương án mà Bộ GD&ĐT nêu trong Dự thảo, tôi cho rằng, phương án 1 là phương án “bảo thủ”, không khoa học, vì vẫn dựa quá nhiều vào tính ngẫu nhiên ngay từ việc lựa chọn môn thi, không bao quát được chương trình học, không thể hiện dấu ấn của “cải tiến”.

Hơn nữa, với số môn thi hạn chế như vậy rất khó sử dụng kết quả cho nhiều loại trường ĐH, CĐ khác nhau.

Phương án 2 là phương án khoa học và tiến bộ, nên lựa chọn và tích cực chuẩn bị để thực hiện phương án này.

Tuy nhiên, tôi có góp ý thêm về phương án 2: Mọi thí sinh bắt buộc phải thi Toán và Ngữ văn, còn 3 môn sau cho phép chọn 2 hoặc thi cả 3 môn (đối với các thí sinh có năng lực toàn diện và muốn có nhiều phương án chọn vào đại học).

Riêng phương án 3 tôi không tán thành vì môn Ngữ văn, đặc biệt phần Tiếng Việt, rất quan trọng đối với mọi thí sinh, phải để riêng, không nên gộp chung vào đề tổng hợp về khoa học xã hội.

Bên cạnh đó, phương án 2 và 3 gọi đề thi là “bài thi” là không chính xác, nên gọi là đề thi tổng hợp thì đúng hơn, khác với đề thi đơn môn ở phương án 1, vì từ bài thi dành để chỉ bài làm của thí sinh.

Về đề thi: Tối ưu nhất vẫn là đề thi trắc nghiệm

Thông thường có 2 cách ra đề thi tổng hợp phổ biến: cách kết nối các đề thi đơn môn thông thường và cách tích hợp kiến thức nhiều môn trong một câu hỏi. 

Cách thứ nhất có thể thực hiện ngay vì không bị ảnh hưởng của việc thay đổi chương trình các môn học, cách thứ hai có bị ảnh hưởng phần nào của chương trình.

Với các kỳ thi tiêu chuẩn hóa quy mô lớn như kỳ thi quốc gia, hiện nay phần lớn các nước tiên tiến trên thế giới vẫn sử dụng chủ yếu phương pháp trắc nghiệm.

Nếu phân tích từng khía cạnh, mỗi phương pháp có ưu nhược điểm khác nhau, nhưng về tổng thể có thể nói: chất lượng của kỳ thi bằng đề trắc nghiệm phụ thuộc chủ yếu vào đề thi, còn chất lượng của kỳ thi bằng đề tự luận phụ thuộc chủ yếu vào năng lực người chấm.

Để làm đề thi tốt theo phương pháp trắc nghiệm có thể huy động một lực lượng lớn người viết câu hỏi để xây dựng ngân hàng câu hỏi, thử nghiệm, chỉnh sửa câu hỏi thời gian dài hàng năm chứ không chỉ theo đợt, trong thời gian ngắn ngay trước kỳ thi.

Trong khi đó,việc tìm đủ người có năng lực để chấm các bài thi tự luận dài trong thời gian ngắn cho một kỳ thi quốc gia với hàng triệu thí sinh tham gia là điều vô cùng khó thực hiện.

Mặt khác, đối với các môn rất cần đánh giá khả năng diễn đạt hoặc giải quyết vấn đề như Ngữ văn và Toán, có thể thêm một đề tự luận ngắn, giới hạn thí sinh làm trong khoảng 30 phút, trình bày không quá một trang A4 là đủ để đánh giá.

Hoàn toàn có thể “dùng 1 tên cho 2 đích ngắm”

Có thể sử dụng kết quả một kỳ thi cho 2 mục tiêu tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học vì bản chất 2 kỳ thi đều là đánh giá thành quả học tập theo chương trình phổ thông của học sinh.

Tuy nhiên, để phục vụ việc tuyển sinh đại học thì kỳ thi này cũng cần nghiên cứu đến việc mở rộng đối tượng được phép dự thi. Ví dụ những người đã thi nhưng được điểm thấp muốn nâng điểm để dự tuyển đại học; hoặc những người tự học, không học phổ thông nhưng muốn có điểm để được xác định trình độ và dự tuyển đại học.

Bộ GD&ĐT nên sử dụng rộng rãi lực lượng chuyên gia ở các trường đại học và cả xã hội để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, không nên chỉ bó hẹp lực lượng xung quanh Bộ.

Các trường đại học có quyền “tự chủ tuyển sinh” không có nghĩa là họ có quyền tổ chức kỳ thi tuyển sinh. Nhiều nước tiên tiến trên thế giới đều tổ chức dịch vụ thi chung để các trường đại học dựa vào kết quả đó mà tự chủ tuyển sinh. 

Vì vậy, theo tôi, Bộ GD&ĐT không nên thả nổi hoàn toàn cho các trường đại học quyết định việc tuyển sinh. Vì tổ chức một kỳ thi tuyển sinh thật sự có chất lượng là rất khó và rất tốn kém, rất ít trường ĐH có khả năng thực hiện.

Việc tổ chức tốt một kỳ thi THPT quốc gia có sự tham gia của nhiều bên liên quan sẽ tạo cơ hội rộng mở cho những người thực sự xứng đáng bước vào giảng đường Đại học.

Tôi thực sự rất vui vì việc công bố Dự thảo và lấy ý kiến rộng rãi của xã hội, các chuyên gia giáo dục trong nước về Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đã thể hiện sự cởi mở và lắng nghe cũng như quyết tâm đổi mới của Bộ GD&ĐT.

Chúng ta có quyền hi vọng, thực hiện chỉ đạo và quyết tâm của Thủ tướng, ngành Giáo dục nước ta sẽ tổ chức thành công kỳ thi quốc gia hợp nhất ngay trong năm 2015.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ