Đại học Y Thái Nguyên: Đâu là sự thực của việc dựng đề tài, rút ngân sách?

GD&TĐ - Trong thời gian qua, một số cơ quan báo chí phản ánh thông tin việc ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Đại học Y Dược Thái Nguyên (trực thuộc ĐH Thái Nguyên) , Chủ nhiệm đề tài Khoa học và Công nghệ, mã số B2015 - TN04 - 01, dùng hóa đơn tại các địa chỉ “ma” để thanh toán khống lượng hóa chất bằng tiền ngân sách. Tuy nhiên, khi phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại vào cuộc cho thấy có nhiều dấu hiệu việc quýt làm, cam chịu.

Đại học Y Thái Nguyên: Đâu là sự thực của việc dựng đề tài, rút ngân sách?

Không bỏ qua quy trình

Đế tài khoa học mã số B2015 - TN04 – 01 “Nghiên cứu giải pháp can thiệp nhằm giảm nguy cơ sinh con mắc bệnh thiếu máu, tan máu bẩm sinh ở người phụ nữ dân tộc tại khu vực miền núi phía bắc” của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng được giới chuyên môn đánh giá rất cao. Đây là đề tài cấp bộ, có tính ứng dụng thực tiễn với hiệu quả cao, thiết thực và được đầu tư rất công phu. Để thực hiện đề tài này, ĐH Y dược Thái Nguyên được cấp kinh phí bằng ngân sách và phải mua các hóa chất phục vụ yêu cầu nghiên cứu.

Ở đây chúng ta phải khẳng định rằng, đề tài này được nghiên cứu, bảo vệ, nghiệm thu và ứng dụng thì các nhà khoa học như PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng không thể thiếu được điều kiện đảm bảo hàng đầu đó là hóa chất. Như vậy lượng hóa chất phục vụ nghiên cứu là có thật.

Việc chi kinh phí để mua hóa chất là có thật. Tuy nhiên, dư luận cho rằng ông Dũng đã dùng hóa đơn ở các địa chỉ “ma”, của các công ty không có chức năng kinh doanh hóa chất để thanh toán, bòn rút tiền ngân sách. Vậy nên câu hỏi đặt ra ở đây là quy trình mua hóa chất ra sao? Hóa đơn chứng từ ở đâu và ai là người phải chịu trách nhiệm trong vấn đề này?

Phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại đã tiếp xúc với một số cán bộ của DH Y dược Thái Nguyên được biết không chỉ đề tài này mà tất cả các nghiên cứu khoa học khác, quy trình mua bán hóa chất phục vụ đề tài được thực hiện theo đúng hướng dẫn của phòng Kế hoạch tài chính và phòng Quản trị phục vụ, căn cứ theo quy định của Nhà trường và pháp luật.

Danh mục hoá chất sinh phẩm được mua theo đúng thuyết minh của đề tài. Được các phòng chức năng kiểm soát và Hiệu trưởng phê duyệt.

Đừng để trăm dâu đổ đầu tằm

Khi tìm hiểu các hồ sơ, chứng từ liên quan cho thấy, việc nhận hóa chất do bên B giao đã được bộ phận thực hiện Đề tài nhận đủ. Biên bản giao nhận hóa chất do PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng là Chủ nhiệm Đề tài ký.

Các hóa chất được sử dụng đúng mục đích cho việc thực hiện đề tài, các sản phẩm của đề tài đã được nghiệm thu và được các nhà khoa học đánh giá cao. Hơn nữa, đề tài Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ đánh giá xuất sắc. Một nhà khoa học cho rằng, với những đề tài như ông Nguyễn Tiến Dũng nghiên cứu và được nghiệm thu theo các hội đồng, theo các quy trình chặt chẽ như vậy mà không có hóa chất phục vụ thì như thế lái xe ô tô leo núi khi trong bình không có nhiên liệu vậy.

Không chỉ có vậy, theo những người trong cuộc, việc thanh toán tiền với đơn vị cung cấp hóa chất, vật tư để thực hiện đề tài do Hiệu trưởng Đại học Y dược Thái Nguyên và Kế toán trưởng kiểm duyệt chứng từ và quyết định. Sau đó, các bộ phận liên quan thực hiện theo quy trình của Nhà trường, chuyển khoản từ tài khoản của Nhà trường cho Nhà cung cấp.

Chủ nhiệm đề tài không được nhận tiền mặt và không thanh toán trực tiếp với các nhà cung cấp. Bộ phận thực hiện Đề tài có trách nhiệm: nhận đủ hóa chất và nộp các giấy tờ, chứng từ theo hướng dẫn của phòng Kế hoạch - Tài chính Nhà trường.

Khi được phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại hỏi về việc ai phải chịu trách nhiệm nếu việc dựng đề tài, dùng những hóa đơn, chứng từ “ma” rút tiền ngân sách là có thật, ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết:

“ Hiện cơ quan chức năng đang xác minh sự việc và sẽ có kết luận cuối cùng. Còn quá sớm để nói ai là người phải chịu trách nhiệm và tôi không bình luận bất cứ điều gì về ai, trách nhiệm thế nào, quy trình ra sao. Tôi chỉ muốn nói rằng, tập thể lãnh đạo ĐH Y dược Thái Nguyên rất tâm huyết với đề tài khoa học này.

Sở dĩ nó thành công và được đánh giá cao là bởi sự quan tâm đặc biệt, cũng như sự động viên kịp thời của Ban Giám hiệu, các phòng ban tham mưu, giới học thuật. Một nhà khoa học như tôi luôn tri ân việc đó. Tôi không bao giờ đổi lỗi cho ai cả và luôn sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chức năng. Toàn bộ Hồ sơ mua hóa chất phục vụ Đề tài Khoa học và Công nghệ, mã số B2015 - TN04 - 01 vẫn được lưu tại phòng Kế hoạch - Tài chính của trường”.

Được biết, ông Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng ĐH Y dược Thái Nguyên chuẩn bị nghỉ hưu sau một quá trình đóng góp to lớn cho sự lớn mạnh của nhà trường. Một trong những ứng cử viên sáng giá vào chức vụ này là PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng. Vậy nên, dư luận tại Đại học Thái Nguyên đều mong muốn cơ quan chức năng đánh giá thận trọng, toàn diện, minh bạch và làm rõ trách nhiệm các cá nhân liên quan để tránh tình trạng trăm dâu đổ đầu tằm, quýt làm cam chịu.

GS.TS Phạm Hồng Quang, GĐ Đại học Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi chờ kết luận cuối cùng cơ quan chức năng về vấn đề này. Sai phạm đến đâu, xử lý tới đó. Ai sai phạm, xử lý người đó. Nghiêm khắc nhưng không để oan sai. Không để các nhà khoa học chân chính bị bôi nhọ. Quan điểm của Ban GĐ Đại học Thái Nguyên là phải làm sáng rõ mọi chuyện liên quan và công khai kịp thời, không bao che, không o bế. Trong thời gian cơ quan có thẩm quyền xác minh, chúng tôi vẫn yêu cầu ông Dũng và các bên liên quan giải trình nội dung báo nêu”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ